Doanh nghiệp thành phố Yên Bái: Cần sự tiếp sức để phát triển
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/11/2016 | 7:03:03 AM
YBĐT - Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Yên Bái đã khắc phục khó khăn, nỗ lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của thành phố.
Doanh nghiệp ở thành phố Yên Bái đang rất kỳ vọng vào việc thực hiện Nghị quyết 35/NQQ-CP của Chính phủ. (Ảnh minh hoạ)
|
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, các doanh nghiệp thành phố đang rất mong Chính phủ và địa phương tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, đặc biệt là sớm triển khai, cụ thể hóa Chương trình hành động của tỉnh thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; trong đó, có các doanh nghiệp của thành phố Yên Bái.
Nhờ kinh doanh có uy tín, chất lượng nên sản phẩm của Công ty cổ phần Hồng Nam nằm trên địa bàn thôn Thanh Sơn, xã Tuy Lộc ngày càng được mọi người biết đến. Hiện nay, Công ty đang duy trì sản xuất sản phẩm cột điện và hoạt động của đội xây dựng các công trình đường dây tải điện, trạm biến áp. Doanh thu của Công ty năm sau luôn cao hơn năm trước, tạo việc làm cho gần 40 lao động với mức lương bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Quý Sơn - một lao động đã có hơn chục năm gắn bó với Công ty cho biết: “Tôi rất yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với Công ty, bởi công việc và mức lương ổn định. Ngoài ra, tôi còn được hưởng các chế độ đối với người lao động như được đóng bảo hiểm, được tham gia sinh hoạt trong tổ chức Đảng, đoàn thể”.
Được thành lập từ năm 2007, với ngành nghề chủ yếu là xây dựng cơ bản, đến năm 2010, Công ty cổ phần Hồng Nam đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất cột bê tông với diện tích trên 7.000 m2. Năm 2014, tổng doanh thu của Công ty đạt gần 35 tỷ đồng thì đến năm 2015 tăng lên đạt 39 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1,8 tỷ đồng. Năm 2016, Công ty phấn đấu doanh thu đạt từ 40 tỷ đồng trở lên, nộp ngân sách Nhà nước trên 2 tỷ đồng.
Ông Trần Ngọc Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Nam khẳng định: “Công ty duy trì và phát triển như hiện nay là do Ban Giám đốc Công ty đã có nhiều chính sách chăm lo đời sống, việc làm cho nhân viên, người lao động, tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Mặt khác, Công ty còn được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành về cơ chế, chính sách để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh”.
Đối với Doanh nghiệp Tư nhân sửa chữa ô tô Nam Thúy ở tổ 25, phường Nguyễn Thái Học thì lại phát triển từ một ga - ra sửa chữa ô tô nhỏ. Nhờ sự nỗ lực vượt qua khó khăn, giờ đây Doanh nghiệp đã đứng vững trên thị trường và mở rộng nhà xưởng, quy mô kinh doanh.
Để thực hiện tốt phương châm “Giữ uy tín với khách hàng mọi lúc, mọi nơi”, Doanh nghiệp Tư nhân sửa chữa ô tô Nam Thúy đã đầu tư một xe cẩu thường trực phục vụ cứu hộ; đầu tư mở rộng nhà xưởng lên quy mô gần 1.500 m2 được thiết kế tiện dụng, hợp lý với quy trình sửa chữa, bảo dưỡng ô tô. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách hàng tốt hơn, Doanh nghiệp đã đầu tư trên 2 tỷ đồng mua sắm thêm một số trang thiết bị, máy móc cần thiết cho sửa chữa ô tô.
Với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân viên phục vụ tận tình, chu đáo nên thời gian qua, Doanh nghiệp đã thu hút rất nhiều khách hàng là các công ty, cơ quan, đơn vị cũng như là các cá nhân trong và ngoài thành phố đến sửa chữa, bảo dưỡng xe định kỳ; tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động tại địa phương; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Nói về hoạt động kinh doanh dịch vụ của Doanh nghiệp, bà Phạm Thị Kim Thúy - đại diện Doanh nghiệp cho hay: “Doanh nghiệp đã có bề dày hoạt động gần 20 năm và đã trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng giờ đây, Doanh nghiệp cảm thấy rất tự hào vì có đội ngũ thợ lành nghề, công nghệ hiện đại và sự phục vụ tốt nhất đã tạo được chữ tín với khách hàng".
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Yên Bái có tổng số 656 doanh nghiệp. Ngoài ra, có 18/29 hợp tác xã duy trì hoạt động kinh doanh, 3 văn phòng đại diện kinh doanh, 5 quỹ tín dụng nhân dân và trên 4.600 hộ, cá nhân kinh doanh cá thể.
Thực tế cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp thành phố Yên Bái đã nắm bắt những cơ hội thuận lợi; đồng thời, phát huy nội lực, liên doanh liên kết với các nhà đầu tư trong, ngoài nước để tháo gỡ khó khăn duy trì hoạt động hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, đóng góp không nhỏ vào ngân sách Nhà nước và được tỉnh, thành phố tuyên dương, khen thưởng.
Điển hình như Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái, Công ty TNHH Hòa Bình, Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, Công ty cổ phần Xây dựng Đại Lộc; Công ty cổ phần Hồng Nam, Công ty TNHH Đại Vượng…
Cùng với đó, tỉnh và thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như: cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc thực hiện giãn, nợ thuế và đặc biệt là về vốn vay, chủ động khảo sát nhu cầu, tư vấn về thủ tục hồ sơ vay vốn đối với doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Đặc biệt là Nghị quyết 35 của Chính phủ vừa ra đời là điều khiến nhiều doanh nghiệp rất phấn khởi.
Phân xưởng sản xuất cột điện của Công ty cổ phần Hồng Nam, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái.
Ông Trần Ngọc Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Nam cho rằng: “Nghị quyết 35 của Chính phủ thể hiện những đột phá chưa từng có với những điểm mới như: các cơ quan chức năng không được hình sự hóa các quan hệ; không được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm và các ngành phải kết hợp với nhau để thanh tra, kiểm tra thay vì trước đây trong một năm doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra khác nhau”.
Ngay sau khi Nghị quyết 35 của Chính phủ ra đời, tỉnh Yên Bái đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ. Cộng đồng doanh nghiệp thành phố cũng đánh giá Nghị quyết 35 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 của tỉnh rất sâu, rộng và dài hơi không chỉ cho năm 2016 mà cho cả giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.900 doanh nghiệp và khoảng 370 hợp tác xã hoạt động, tỷ lệ huy động tổng sản phẩm trong tỉnh vào ngân sách tăng lên 10,5%; tạo thêm việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động/năm; hàng năm, có khoảng 60% doanh nghiệp được hỗ trợ thông tin và tư vấn doanh nghiệp, 50% doanh nghiệp được trợ giúp pháp lý; đào tạo bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Giám đốc Công ty cổ phần Đại Lộc cũng như cộng đồng doanh nghiệp ở thành phố Yên Bái đang rất kỳ vọng tới đây, khi triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của tỉnh thì tất cả các ngành, địa phương sẽ vào cuộc cùng với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh.
Đối với doanh nghiệp, cũng đã triển khai nội dung Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của tỉnh đến cán bộ nhân viên trong công ty và rất phấn khởi, tin tưởng trong thời gian tới cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ ngày càng phát triển, đóng góp vào sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của tỉnh và thành phố.
Có thể nói, nếu ví những cản trở đối với doanh nghiệp khiến mạch máu trong "cơ thể doanh nghiêp" bị nghẽn lại thì Nghị quyết 35 của Chính phủ và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của tỉnh Yên Bái được coi như một liều thuốc quý giúp lưu thông mạch máu. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang kỳ vọng vào các giải pháp cụ thể, hỗ trợ quan trọng từ vấn đề khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cho đến bảo vệ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp…
Minh Chín - Tiến Bình (Đài TT-TH thành phố Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Với nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, huyện Yên Bình đã triển khai nhiều chính sách của tỉnh khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống người dân.
YBĐT - Vụ đông năm 2016, xã Phù Nham gieo trồng 260 ha, trong đó 192 ha ngô đông; diện tích còn lại trồng rau, cà chua, khoai tây và nuôi cá ruộng.
YBĐT - Yên Thành là xã khó khăn của huyện Yên Bình, đời sống của người dân dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, bảo vệ và phát triển rừng. Song, những năm gần đây, nhờ khai thác tốt tiềm năng tại chỗ, địa phương đã có sự khởi sắc về kinh tế, xã hội, diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.
YBĐT - Năm 2016, huyện Lục Yên được giao dự toán thu ngân sách Nhà nước 102 tỷ đồng, nghị quyết Đảng bộ và HĐND huyện giao tăng thu từ 5% trở lên.