Để khu tái định cư ở Văn Chấn phát huy hiệu quả
- Cập nhật: Thứ ba, 15/11/2016 | 8:31:07 AM
YênBái - YBĐT - Sau nhiều năm chờ đợi, giờ đây, chuyển về nơi ở mới tại công trình di dân xã Phù Nham, huyện Văn Chấn xây dựng trên địa bàn thôn Năm Hăn 1 của xã, những hộ dân thuộc diện di dời tới đây đã trút bỏ được mối lo hiểm họa thiên tai, song cũng vẫn cần được tháo gỡ một số khó khăn để ổn định cuộc sống.
Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và công trình sinh hoạt là ưu tiên hàng đầu để ổn định đời sống nhân dân vùng tái định cư (ảnh minh hoạ).
|
Về từ tháng 9 năm 2016, gia đình bà Đinh Thị Phún là một trong số những hộ chuyển tới khu tái định cư (TĐC) này sớm nhất. Điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình bà chỉ dựng được căn nhà nhỏ che mưa nắng cho 5 bà cháu. Song, với bà và các cháu, điều quan trọng nhất là từ giờ không còn bận tậm về mưa lũ nữa.
Bà Đinh Thị Phún cho hay: "Trước đây, nhà tôi ở thôn Năm Hăn 3, gần ngay bờ suối. Bố mẹ mấy đứa nhỏ đi làm ăn xa, nhà chỉ có mấy bà cháu. Mùa mưa lũ là lúc nào tôi cũng thấp thỏm lo âu, vì mưa to gió lớn, lũ bão, chỉ có thân già và trẻ nhỏ thật khó xoay xở. Có nhiều hôm mưa to, mấy bà cháu không dám ở nhà, phải đi ở nhờ nhà người ta. Có những lúc nước dâng lên ngập nhà, đồ đạc trôi cả. Đã nghèo lại còn thêm khó. Bây giờ ở chỗ này, có mưa to gió lớn đến thế nào cũng không còn phải lo lắng nữa, yên tâm lắm rồi!".
Có cùng sự yên tâm này, chị Lò Thị Lan chia sẻ: "Nhà tôi trước ở thôn Năm Hăn 1, cũng ở ven suối. Năm nào nhà cũng bị ngập nước mùa mưa và phải đi ở nhờ nhà anh em, bố mẹ. Chuyển nhà đến đây thì trời có mưa bão thế nào cũng không quan tâm nữa".
Nằm trong diện di dân trong Dự án di dân xã Phù Nham do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư có 47 hộ dân thuộc các thôn Ta Tiu, Bắc Xổm, Năm Hăn 1, Năm Hăn 2, Năm Hăn 3 trong xã, đều nằm trong diện có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, sạt lở. Dự án được khởi động từ năm 2011, tổng mức đầu tư là gần 15 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, đầu tư san tạo 3,5 ha mặt bằng, đường giao thông, hệ thống cấp nước sinh hoạt và điện sinh hoạt.
Ông Hoàng Đình Bắc - Trưởng thôn Năm Hăn 1 cho biết: "Đến nay, đã có 37 hộ chuyển đến sống. Khu TĐC nhìn chung thoáng, sạch, các hộ dân được bố trí 280 m2 diện tích đất ở, như vậy là khá rộng rãi. Phải khẳng định rằng, các hộ chuyển đến đây đều trút bỏ được mối lo hiểm họa thiên tai, bão lũ rình rập suốt bao năm qua. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân ở đây cũng còn những khó khăn liên quan đến sinh hoạt cần được quan tâm tháo gỡ".
Đúng như Trưởng thôn Hoàng Đình Bắc chia sẻ: một trong những mối bận tâm của người dân ở khu TĐC này là vấn đề giá nước sinh hoạt. Theo phản ánh của người dân, bắt đầu từ khi chuyển đến đây, họ phải trả tiền nước sinh hoạt với mức giá là 17.000 đồng/m3 và mãi tới tháng 7 vừa qua mới giảm xuống trên 12.000 đồng/m3. Ngoài ra, người dân còn phải trả 30.000 đồng/tháng tiền vận hành hệ thống cấp nước.
Một góc khu tái định cư ở xã Phù Nham, huyện Văn Chấn.
Bà Đinh Thị Phún cho biết: "Gia đình tôi trung bình dùng hết 6 - 7 m3 nước một tháng. Trong khi đó, gia đình tôi là hộ nghèo nên số tiền như vậy là cũng khó khăn. Để tiết kiệm tiền nước, tôi và các cháu phải đi lấy nước trên khe về dùng". Anh Đinh Văn Sáu - một người dân ở đây cũng bày tỏ: "Giá nước như vậy là quá đắt so với bình thường, mà chúng tôi chủ yếu làm nông nghiệp, thu nhập hàng tháng không khá giả gì".
Trưởng thôn Năm Hăn 1 Hoàng Đình Bắc thì cho biết: "Nước sinh hoạt cho khu TĐC này được cấp bởi Công ty cổ phần Cấp nước Nghĩa Lộ. Hệ thống cấp nước gồm 1 công tơ tổng cho cả khu và mỗi hộ có một công tơ nước riêng. Giá nước người dân phải trả gồm cả tiền chi phí vận hành máy móc, tiền điện nên tính ra là đắt. Trước đây, người dân phải trả tới 17.000 đồng/m3 và gần đây mới giảm xuống còn trên 12.000 đồng/m3, vẫn là rất đắt so với giá nước chung và so với thu nhập của người dân”.
Trước vấn đề này, theo ông Phùng Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã Phù Nham, tới đây, xã sẽ bố trí cho khu vực này chuyển sang dùng nguồn nước từ công trình cấp nước tập trung cho 3 xã: Thạch Lương, Thanh Lương và Phù Nham, giúp người dân giảm chi phí nước sinh hoạt đắt đỏ như vậy.
Ngoài vấn đề giá nước, người dân ở khu TĐC cũng mong muốn đoạn đường vào khu TĐC theo thiết kế là đường giao thông nông thôn cấp B sớm được hoàn thành để đảm bảo thuận tiện cho người dân đi lại, sản xuất, nhất là trong mùa mưa. Đồng thời, các hộ dân cũng mong sớm nhận được tiền hỗ trợ TĐC như đã được thông báo. Mong rằng, những vướng mắc này ở khu TĐC sớm được quan tâm giải quyết để người dân hoàn toàn yên tâm và thuận lợi ở nơi ở mới, phát huy cao giá trị của khu TĐC.
Hạnh Quyên
Các tin khác
YBĐT - Thời gian gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Trấn Yên đã mạnh dạn xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường.
YBĐT - 75,6 tỷ đồng là con số doanh thu có thuế mà Công ty Xổ số kiến thiết Yên Bái đã nỗ lực đạt được trong 10 tháng đầu năm 2016. So với kế hoạch cả năm 2016, Công ty đã thực hiện đạt 90% chỉ tiêu giao.
Ngày 13-11, Bộ Công thương cho biết, sau 3 năm thực hiện rà soát quy hoạch dự án thủy điện theo Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, đến nay đã loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang (với tổng công suất 655MW) và 463 dự án thủy điện nhỏ (với tổng công suất 1.404,68MW); không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng (với tổng công suất 349,61MW).
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Công ty Xổ số Kiến thiết Yên Bái tiếp tục tăng cường phát triển mạng lưới đại lý bán vé xổ số trong tỉnh; đẩy mạnh phát hành xổ số truyền thống, xổ số lô tô và xổ số bóc (biết kết quả ngay) với nhiều mệnh giá, nhiều hình thức dự thưởng.