Y Can phát huy thế mạnh cây quế
- Cập nhật: Thứ năm, 24/11/2016 | 2:00:27 PM
YBĐT - Xã Y Can, huyện Trấn Yên có diện tích tự nhiên 3.524 ha thì có 2.900 ha đất rừng. Trừ 150 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp ở đây đã được phủ kín bằng cây keo, bồ đề và quế. Riêng quế đã phát triển tới gần 900 ha và đang trở thành cây mũi nhọn làm giàu cho người dân.
Người dân thôn An Hòa chăm sóc quế giống chuẩn bị cho vụ trồng tới.
|
Quế là cây trồng gắn với cuộc sống của đồng bào Dao ở Y Can khá lâu đời. Cách đây khoảng hai chục năm, cây quế có giá trị kinh tế và thị trường ổn định, nên người dân đã chú trọng trồng quế. Hầu hết đất đồi rừng của các hộ được tận dụng để trồng quế. Diện tích trồng keo, bồ đề sau khi khai thác cũng được nhiều hộ chuyển sang trồng quế. Đến năm 2006 - 2007, quế của nhiều hộ được thu hoạch. Ngoài vỏ quế thì thân cây và lá quế đều được thu mua, nên cây quế mang lại thu nhập và giải quyết việc làm cho đông đảo lao động, đời sống của người dân nhờ đó được nâng lên.
Theo thống kê, năm 2013 không ít hộ dân có 2 - 3 ha, thu nhập từ quế đạt 200 - 300 triệu đồng/năm. Hết năm 2014, cả xã Y Can có diện tích quế lên tới 731 ha. Hai năm tiếp theo, người dân trong xã trồng thêm 150 ha, nâng tổng diện tích quế của xã lên 851 ha vào đầu năm 2016. Với kế hoạch khai thác khoảng 60 ha quế, năm nay người dân có nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Ở xã Y Can, số hộ có tổng tài sản hàng tỷ đồng giờ không thiếu như: ông Triệu Đình Khoa, Triệu Đức Lợi ở thôn Minh An; Dương Đức Văn, thôn An Hòa; Lê Trung Toàn, thôn Khe Chè; Dương Trung Nguyên ở An Thành…
Theo ông Nguyễn Thanh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND xã Y Can, bây giờ người dân trong xã thích trồng quế, bởi cây quế không phải chăm sóc nhiều và năm thứ ba thứ tư có thể tỉa thưa bán nên có thu nhập thường xuyên, sau 12 năm có thể khai thác trắng. “Về thị trường thì chúng tôi yên tâm vì tỉnh tổ chức nhiều cuộc gặp mặt doanh nghiệp và tổ chức liên quan đến sản xuất chế biến quế. Nhờ có diện tích tập trung, chất lượng quế khá tốt, nên đã có những doanh nghiệp đến đặt hàng. Trên địa bàn lại có hẳn một xưởng chưng cất tinh dầu nên người dân cũng tin tưởng vào tương lai cây quế”.
Giờ thì thôn nào trong xã cũng có quế, trong đó tập trung ở 8/12 thôn. Riêng thôn Minh An có trên 220 ha, các thôn: Khe Chè, An Phú, An Thành, An Hòa có trên dưới 100 ha. Gia đình anh Nguyễn Văn Chiến ở thôn An Hòa bắt đầu nhận đất trồng rừng từ năm 1998. Lúc đầu anh trồng chủ yếu là bồ đề, keo để bán gỗ nguyên liệu, một phần ít dành trồng quế. Nhận thấy giá trị cây quế ngày càng cao, anh đã tập trung vốn giống, chuyển dần diện tích sang trồng quế.
Đứng trước ngôi nhà xây trị giá cả tỷ đồng, anh Chiến tâm sự: “Trồng quế gia đình tôi không mất nhiều công chăm sóc mà không bị đổ gẫy nhiều như cây keo và cây bồ đề khi có bão lốc. Sau nhiều năm vừa trồng mới, vừa trồng thay thế bằng quế, đến nay trong số hai chục ha quế gia đình tôi có một nửa là cây quế”.
Được biết, ngôi nhà anh vừa hoàn thành tất cả nhờ vào rừng và tiền thu từ quế. Năm 2016, vợ chồng anh Chiến khai thác khoảng 4 ha và sẽ trồng mới toàn bộ bằng quế. Đất trồng đã chuẩn bị xong, giống quế đã chở về ủ tại vườn nhà, chờ mưa xuống, đất ẩm là chuyển lên rừng trồng ngay. Anh Chiến là 1 trong số 145 hộ của xã Y Can đăng ký trồng mới trừ 0,5 ha trở lên để được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha theo chính sách của tỉnh. Trong số đó, hộ trồng ít là 0,5 ha, nhiều cũng vài ba ha, chưa kể diện tích trồng nhỏ lẻ. Nhờ vậy, trong năm nay diện tích quế trồng mới ở xã Y Can có thể đạt trên 200 ha.
Đây là con số xã phấn đấu để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và tham gia kế hoạch trồng 1.500 ha quế của huyện Trấn Yên trong năm 2016. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thanh Tuyến, Y Can đã quy hoạch vùng trồng quế tập trung tại vùng khe Đá Mài, khe Dứa, khe Sâu và khe Đá Trắng. Đây là địa bàn có truyền thống trồng cây lâm nghiệp và cây quế, người dân cũng có tiềm lực kinh tế để đầu tư cho phát triển sản xuất.
Để thực hiện kế hoạch trồng quế, xã đã tuyên truyền đến các thôn về chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chính sách hỗ trợ của tỉnh, tổ chức cho các hộ dân đăng ký diện tích. Đồng thời, cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện nghiêm túc các bước từ nghiệm thu đất, hướng dẫn các hộ chọn giống tốt; tiến hành thẩm định giống, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận chất lượng…
Đến nay, các hộ đã chuẩn bị đất xong, cơ bản nhận đủ giống quế chuyển về vườn nhà và tiến hành trồng ngay khi thời tiết thuận lợi. Với những kết quả đạt được từ cây quế và sự chủ động cho một mùa trồng mới, chắc chắn mục tiêu phát triển vùng quế ở Y Can sớm mang lại hiệu quả kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của xã, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Quang Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Khác hẳn với những gì trước đây, đường lên xã vùng cao đặc biệt khó khăn này giờ đã đỡ vất vả hơn rất nhiều. Nhiều công trình điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc, nhà ở được xây mới khang trang.
YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 chi nhánh ngân hàng loại I, 10 chi nhánh loại III, 45 phòng giao dịch, 17 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 38 điểm máy rút tiền tự động, 20 phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt và 180 điểm giao dịch lưu động của Ngân hàng Chính sách - xã hội (NHCSXH) tại UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
YBĐT - Trong 10 tháng năm 2016, trên địa bàn một số xã vùng ngoài và vùng trong của huyện Văn Chấn đã xảy ra nhiều vụ người dân phá rừng (phát lấn chiếm đất rừng, đất khe trái phép).
YBĐT – Sáng 24/11, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo thống nhất tổ chức triển khai xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp Túc Đán.