Hiệu quả sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón cho cây sắn

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/12/2016 | 1:56:17 PM

YBĐT - Nhiều năm nay, cây sắn đã và đang đóng góp một phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của huyện Văn Yên, nhất là góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Không ít hộ dân vùng nguyên liệu sắn không những thoát nghèo mà còn trở nên khá giả, giàu có nhờ cây sắn. Để cây sắn tiếp tục giữ vững vị trí trong đời sống của các nông hộ, có một vấn đề đang được quan tâm là việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón cho cây sắn trên đất dốc.

Bắt đầu từ năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên phối hợp với Nhà máy Sắn Văn Yên thực hiện mô hình làm phân hữu cơ từ vỏ sắn với chế phẩm men vi sinh EMIC.
Bắt đầu từ năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên phối hợp với Nhà máy Sắn Văn Yên thực hiện mô hình làm phân hữu cơ từ vỏ sắn với chế phẩm men vi sinh EMIC.

Anh Đoàn Ngọc Cường - cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên chia sẻ: “Lâu nay, nhiều người vẫn cứ “lên án” cây sắn là một loại cây “bóc màu”. Thật ra với những người làm chuyên môn như chúng tôi thì cho rằng, nếu như cây sắn được quan tâm chăm sóc như cây lúa, chắc chắn đó không phải là sự thật.

Vấn đề hết sức quan trọng nhưng cũng vô cùng đơn giản lại vẫn chính là con người mà thôi”. Vài năm trở lại đây, sau một quá trình dài canh tác, cây sắn - loại cây dường như rất “dễ tính” đã đặt ra không ít “chướng ngại vật” đối với người nông dân.

Cụ thể là vấn đề đất trồng sắn bị bạc màu, rửa trôi mạnh; năng suất, chất lượng (hàm lượng tinh bột) ngày càng giảm; sâu, bệnh xuất hiện nhiều hơn; chi phí đầu tư cho phân bón, chăm sóc, công lao động trên một đơn vị diện tích ngày càng tăng cao dẫn đến thu nhập giảm. Chính vì vậy, nhiều diện tích sau khi thu hoạch của người trồng sắn không có lãi, thậm chí không đủ cho chi phí chăm sóc. Tất yếu của việc này là đã có các hộ dân chuyển sang trồng cây lâm nghiệp ngay trên diện tích vùng quy hoạch nguyên liệu sắn, thu hẹp dần vùng nguyên liệu của Nhà máy Sắn Văn Yên. Như thế, “chướng ngại vật” của cây sắn không chỉ dừng ở riêng từng nông hộ trồng sắn mà đã kéo theo nỗi lo chẳng hề nhỏ của doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn.

Nguyên nhân của tình trạng thu nhập từ cây sắn bị giảm thấp đã được xác định rõ ràng, cụ thể là ngoài yếu tố người trồng sắn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kỹ thuật các biện pháp canh tác trên đất dốc để ngăn xói mòn, rửa trôi cho đất còn có cả việc bón phân cho sắn cũng chưa đúng kỹ thuật.

Quá trình sử dụng phân bón hóa học nhiều năm liên tục đã khiến cho đất bị bạc màu, chai cứng, thoái hóa trong khi việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón cho cây sắn để góp phần bồi bổ, trả lại độ màu mỡ, dinh dưỡng cho đất sau khi thu hoạch sắn thì có rất ít hộ chú trọng thực hiện.

Xe chở phân hữu cơ vi sinh từ Nhà máy Sắn Văn Yên đến tận đồi sắn cho các hộ dân ở thôn 10, xã Mậu Đông.

Có thể vấn đề sử dụng phân hữu cơ vi sinh dường như xa xôi với người trồng sắn vùng nguyên liệu nếu như không bắt đầu từ những đầu ken, vỏ sắn, rễ sắn... bỏ đi của Nhà máy Sắn Văn Yên mà thường vẫn gọi là sản phẩm phụ. Hàng năm, Nhà máy Sắn Văn Yên trong quá trình chế biến tinh bột sắn có một lượng sản phẩm phụ khá lớn chưa được sử dụng một cách hiệu quả nhất. Thực tế người dân sinh sống gần khu vực Nhà máy cho hay, trước đây, sản phẩm phụ từ chế biến sắn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường do không được xử lý triệt để. Các hộ sản xuất nông nghiệp quanh đây cũng thường xin vỏ sắn tươi của doanh nghiệp về bón cho cỏ voi, trồng các loại cây vì thấy có hiệu quả.

Mặt khác, nhiều năm qua, Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên cũng đã thử nghiệm và nhân rộng thành công mô hình sản xuất, sử dụng phân hữu cơ vi sinh được ủ từ chế phẩm men vi sinh EMIC với các phụ phẩm ngành nông nghiệp như rơm, rạ. Quan trọng nhất chính là việc ra đời ý tưởng sử dụng chế phẩm men vi sinh EMIC ủ với đầu ken, vỏ sắn, bã sắn. Nói quan trọng nhất, bởi đó là sự kết hợp hiệu quả để giải quyết và giải quyết được cùng một lúc nhiều vấn đề đặt ra tại thời điểm này: tận dụng triệt để và có ích các sản phẩm phụ, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là có một loại phân hữu cơ vô cùng có lợi cho người trồng sắn vùng nguyên liệu.

Một yếu tố nữa cũng đem lại sự quan tâm lớn khi chi phí sản xuất phân hữu cơ vi sinh này rất rẻ bởi sản phẩm phụ thì không mất tiền mua, men vi sinh EMIC giá thành không cao. Việc ủ phân tiến hành tại Nhà máy Sắn Văn Yên do công nhân thực hiện dưới sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện. Bắt đầu từ tháng 12 năm 2015, loại phân này đã được đưa vào thử nghiệm trên 60 ha của 180 hộ trồng sắn ở 4 xã: Mậu Đông, Đông Cuông, Quang Minh, An Bình. Đến nay, kết quả sơ bộ cho thấy rất khả quan.

Niên vụ 2015 - 2016, Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên đã tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh cây sắn, kỹ thuật sử dụng phân hữu cơ vi sinh ủ từ sản phẩm phụ của Nhà máy Sắn Văn Yên với chế phẩm men EMIC bón cho cây sắn trên đất dốc. Trạm và Nhà máy cũng đã phối hợp với đội xe vận chuyển nguyên liệu cho doanh nghiệp khi quay đầu sẽ vận chuyển phân từ bãi ủ trong Nhà máy đến chân nương sắn cho các hộ dân.

 Xã Mậu Đông và Đông Cuông đều thực hiện thử nghiệm ở 20 ha, xã Quang Minh và An Bình cùng thử nghiệm ở diện tích 10 ha. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan nên mặc dù quy mô khá lớn, triển khai ở 4 xã, diện tích 60 ha, hơn 420 tấn phân ủ, có 180 hộ tham gia nhưng việc thực hiện vẫn rất thuận lợi. Trạm cử cán bộ bám cơ sở, chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân tham gia mô hình chăm sóc, theo dõi, đo đếm số liệu theo từng giai đoạn phát triển của cây sắn.

Qua số liệu theo dõi với cùng giống sắn KM94 trồng trên đất dốc đã qua nhiều vụ cho thấy, sắn của mô hình được bón phân hữu cơ vi sinh so với sắn ở mô hình đối chứng làm theo cách thông thường của các hộ dân có các chỉ số về chiều cao cây, đường kính gốc, độ cao phân cành trung bình đều cao hơn từ 10% đến 20%, mắt dày hơn, số củ trên khóm nhiều hơn. Tuy chưa đánh giá được một cách chính xác về năng suất cũng như hàm lượng tinh bột do chưa đến thời điểm thu hoạch, nhưng từ thực tế sinh trưởng và phát triển của cây sắn, dự kiến năng suất mô hình cao hơn đối chứng khoảng 16,7%.

Cây sắn trên đất dốc được bón bằng phân hữu cơ vi sinh cho số củ nhiều, to hơn.

Ngoài ra, với việc giảm được 40% chi phí đầu tư phân bón hóa học, còn phân hữu cơ vi sinh được Nhà máy Sắn Văn Yên hỗ trợ toàn bộ thì chắc chắn hiệu quả kinh tế thu về sẽ cao hơn. Đặc biệt, đất tại những diện tích sắn được bón phân hữu cơ vi sinh tơi xốp hơn, độ ẩm cao hơn, tỷ lệ mùn cao hơn nên tiềm năng năng suất trong những năm tiếp theo cũng sẽ được giữ vững và nâng cao.

Năm 2016, được sự nhất trí của UBND huyện Văn Yên, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Lâm nông sản Thực phẩm Yên Bái, trực tiếp là Nhà máy Sắn Văn Yên thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh ủ bằng sản phẩm phụ của Nhà máy Sắn với chế phẩm men vi sinh EMIC bón cho cây sắn trên đất dốc”. Đến ngày 18/11/2016, người dân xã Mậu Đông, Đông Cuông, Quang Minh, An Bình đã đăng ký bón phân hữu cơ vi sinh cho cây sắn với diện tích 450 ha. Đây thực sự là một tín hiệu vui cho người trồng sắn, cho vùng nguyên liệu sắn, cho doanh nghiệp sản xuất. Đặc biệt, cây sắn sẽ dần “hết tiếng” là cây “bóc màu”.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Trên địa bàn xã Nga Quán hiện có 12 cơ sở chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. (Trong ảnh: Mô hình nuôi gà thịt có quy mô 1.500 con tại thôn Ninh Thuận).

YBĐT - Sau 6 năm kiên trì, bền bỉ xây dựng nông thôn mới (NTM), đến tháng 11/2016, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên đã hoàn thành toàn diện 19 chỉ tiêu trong Bộ Tiêu chí về xây dựng NTM. Đây là thành quả của sự đồng thuận khi lòng dân, ý Đảng chung một quyết tâm, một đích đến, với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, nhất là chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh phát biểu tại Hội nghị.

YBĐT- Sáng 8/12, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ đông xuân 2015-2016, kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới;, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2016 và triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ năm 2017. Đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Con bê lai Zê - bu của gia đình ông Bàn Thanh Quảng là con bê đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo ở xã Xuân Tầm.

YBĐT - Nhận thức rõ về chủ trương phát triển chăn nuôi của huyện, của xã lồng gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, ông Hoàn đã xây dựng mô hình cải tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm trâu, bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo tại Xuân Tầm.

Các ngành chức năng của huyện Văn Chấn kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh tại Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ.

YBĐT - Sản xuất công nghiệp huyện Văn Chấn thời gian qua vẫn giữ được nhịp độ phát triển ổn định và tăng trưởng khá. Đây chính là kết quả của các giải pháp tháo gỡ khó khăn, kích cầu kịp thời của các cấp, ngành cũng như sự chủ động đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục