Sản xuất công nghiệp Yên Bái năm 2016: “Về đích” là một thách thức lớn
- Cập nhật: Thứ ba, 13/12/2016 | 8:58:00 AM
YBĐT - Chỉ còn ít ngày nữa là kế hoạch sản xuất công nghiệp của tỉnh Yên Bái năm 2016 kết thúc. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, vẫn còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nên việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sẽ là một thách thức lớn.
Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gia tăng sản lượng đáp ứng thị trường xây dựng mùa khô.
|
Thực hiện kế hoạch năm 2016, ngành công nghiệp Yên Bái gặp không ít khó khăn như: giá vật tư đầu vào tăng, trong khi sức mua không tăng, dẫn đến sản phẩm khó tiêu thụ; thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, các công trình xây dựng trên địa bàn không nhiều... Bên cạnh đó, thời tiết không thuận lợi, khiến cho nhiều doanh nghiệp có sản phẩm mũi nhọn gặp khó.
Đơn cử như, chè thành phẩm khó tiêu thụ nên các công ty sản xuất, chế biến chè cũng chật vật tìm đầu ra. Các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, giá bán sản phẩm quặng tinh trên thị trường giảm, doanh thu từ bán sản phẩm không đủ bù chi phí sản xuất, nên các doanh nghiệp khai thác quặng phải giảm quy mô khai thác, tạm dừng sản xuất.
Một số dự án công nghiệp trọng điểm mới trong giai đoạn đầu tư xây dựng, chưa đi vào sản xuất. Ngoài thiếu việc làm, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh... Trước tình hình đó, tỉnh Yên Bái nói chung và ngành công thương Yên Bái nói riêng đã phải nỗ lực cao nhất, tranh thủ tối đa thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức.
Sản xuất công nghiệp 11 tháng của năm 2016 đã cơ bản ổn định trở lại; các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng.
Ngành khai thác khoáng sản (khai thác đá) tăng 30,84% do nhu cầu của thị trường lớn, nên các đơn vị: Công ty TNHH Thành Phát, Công ty TNHH Trường Phú, Công ty cổ phần Mông Sơn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất; ngành chế biến gỗ tăng 1,37 lần chủ yếu là sản xuất gỗ xẻ, gỗ dán, ván ép, do tình hình thời tiết thuận lợi, giá cả thị trường ổn định nên các doanh nghiệp chế biến gỗ tranh thủ mua nguyên vật liệu đầu vào, đẩy nhanh tiến độ sản xuất; ngành sản xuất giấy tăng 47,26% do các doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng xuất khẩu hàng lớn; ngành in, sao chép bản ghi các loại tăng 44,3%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác như sản xuất gạch, sứ, xi măng, bột đá tăng 11,2% do nhu cầu về vật liệu xây dựng thường tăng vào dịp cuối năm; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,3%...
Bên cạnh đó, ngành khai thác quặng sắt tiếp tục giảm 24,9%, do hầu hết các doanh nghiệp khai thác quặng trên địa bàn ngừng hoạt động, tiêu thụ quặng sắt gặp nhiều khó khăn, ngành chế biến gỗ xẻ các loại giảm 3,6%.
Sản xuất gạch ở Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Xuân Lan.
Theo Sở Công Thương, cùng với những khó khăn, nhìn một cách toàn diện thì nội tại sản xuất công nghiệp Yên Bái vẫn có những hạn chế nhất định. Khá nhiều doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh yếu; vẫn là khâu xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường chậm.
Một số cơ sở sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư lớn, nhưng khi đi vào hoạt động lại kém hiệu quả, chưa bắt kịp với tiến trình hội nhập; sản xuất, chế biến chè vẫn chỉ là chế biến thô, chưa có sản phẩm hoàn chỉnh đáp ứng thị trường, sản xuất chưa có sự tiến triển mạnh mẽ do sức mua thị trường chưa hoàn toàn hồi phục; đồng thời, lại chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp bên ngoài; lãi suất tín dụng có giảm nhưng việc tiếp cận vẫn khó khăn, trong khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào biến động thất thường.
Một số ngành có lượng tồn kho tăng cao như chế biến tinh bột sắn, chế biến chè, gỗ lạng, gỗ ván ép, gạch xây dựng bằng đất sét nung, đá xẻ, bột mài. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm như: giấy vàng mã, sứ cách điện, xi măng Portland.
Ước tính giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2016 đạt trên 7.376 tỷ đồng, bằng 89,9% kế hoạch, tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 852,7 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5.441,2 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện khí đốt, nước nóng, hơi nước đạt 1.053 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ...
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, dự ước giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 của tỉnh Yên Bái đạt 8.105 tỷ đồng, bằng 99% kế hoạch năm, tăng 7,3% so với năm trước.
Một trong những nguyên nhân khiến giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 khả năng không đạt kế hoạch là do quy mô sản xuất quặng, chế biến chè (khu vực hộ) giảm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm may mặc tuy có quy mô lớn, nhưng bị thâm hụt lao động nên chỉ nhận gia công một số công đoạn nhất định nên giá trị sản phẩm mang lại thấp; sản xuất chế biến gỗ chịu áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp của Trung Quốc, do hiện tượng cạnh tranh giả tạo, doanh nghiệp tỉnh Yên Bái sản xuất ồ ạt, dẫn tới thiếu nguyên liệu và giá nguyên liệu đầu vào tăng...
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp năm nay, dù được dự đoán sẽ không đạt chỉ tiêu kế hoạch, nhưng trong điều kiện phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay mà vẫn đạt được mức tăng 7,3% so với năm trước cũng là kết quả đáng ghi nhận.
Phạm Quang
Các tin khác
YBĐT - Huyện Trạm Tấu có trên 46.327,9 ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 36.026,81 ha, diện tích rừng trồng là 10.301,09 ha. Vào mùa khô, điều mà những người giữ rừng lo ngại nhất là nạn đốt phá rừng làm nương và đốt các bãi chăn thả gia súc để lửa cháy lan vào rừng.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, dịp cuối năm và đầu năm mới, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân, hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nông sản thực phẩm sẽ tăng cao.
Ngân hàng Nhà nước đã có Công điện số 03/CĐ-NHNN yêu cầu tăng cường công tác an toàn kho quỹ, giao dịch tiền mặt.
Các dự án bị loại bỏ do đề nghị từ các địa phương, dự án chưa có chủ đầu tư hoặc năng lực chủ đầu tư kém, nguồn nguyên liệu không đảm bảo...