Chấn Thịnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa
- Cập nhật: Thứ năm, 15/12/2016 | 2:02:59 PM
YBĐT - Thời gian qua, xã Chấn Thịnh (Văn Chấn) đã tích cực khuyến khích người dân, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với xây dựng nông thôn mới.
Mô hình nuôi trâu, bò của gia đình anh Nguyễn Toàn Thắng cho hiệu quả kinh tế cao.
|
Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Chấn Thịnh đã tích cực tuyên truyền và phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, định hướng cho bà con nhân dân chuyển dần từ chăn thả nhỏ lẻ truyền thống sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Hiện, tổng đàn trâu của xã có 773 con, đàn bò 349 con, đàn lợn 12.500 con, gia cầm 52.838 con. Toàn xã có khoảng 10 ha trồng cỏ, đây là nguồn thức ăn chủ yếu cho trâu, bò.
Theo báo cáo đánh giá, sản xuất chăn nuôi của xã có được kết quả như trên, do các hộ dân đã biết tận dụng quỹ đất sẵn có, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi. Ngoài ra, xã thường xuyên tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm tra vệ sinh thú y, phối hợp với ngành cấp trên thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và vận động nhân dân tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi.
Các thôn cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc; đồng thời, tư vấn cho hộ chăn nuôi tham gia các mô hình phát triển chăn nuôi, lựa chọn con giống tốt, mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại.
Trên địa bàn xã có rất nhiều mô hình chăn nuôi phát triển, quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: gia đình ông Đoàn Văn Trung, thôn Cao 1 với quy mô 200 con lợn/năm; gia đình ông Hoàng Văn Thường, thôn Ngõa với quy mô trên 100 con lợn/năm… Bên cạnh đó, có tới trên chục hộ nuôi 20 con trâu, bò trở lên như: gia đình anh Nguyễn Toàn Thắng, thôn Chùa 1 nuôi 20 - 30 con; gia đình ông Nguyễn Văn Thê, thôn Cao 2 nuôi 30 con…
Là một trong những hộ điển hình về phát triển chăn nuôi tại địa phương, anh Dương Ngọc Hoàng, thôn Phú Thịnh cho biết: “Để phát triển chăn nuôi lợn, tôi đã nhiều lần đi tham quan, học hỏi các mô hình chăn nuôi ở trong và ngoài xã, rồi tìm tòi phương thức chăn nuôi phù hợp với gia đình.
Vừa chăn nuôi vừa đầu tư, mở rộng, đến nay, gia đình tôi đã có mô hình chăn nuôi quy củ với 50 con lợn thịt, gần 10 con lợn nái và 11 con bò. Từ ngày phát triển chăn nuôi, gia đình chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định, đời sống từng bước được nâng cao, có điều kiện nuôi con ăn học”.
Không chỉ có gia đình anh Dương Ngọc Hoàng, nhiều hộ dân trong xã cũng đã phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Mô hình chăn nuôi trâu, bò của gia đình anh Nguyễn Toàn Thắng, thôn Chùa 1 có quy mô trên 20 con trâu, bò.
Anh Thắng cho biết: “Trước kia, gia đình tôi vẫn duy trì cách nuôi trâu, bò thả rông. Đến nay, trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gia đình tôi đã tận dụng 7.000 m2 đất để trồng cỏ, bảo đảm nguồn thức ăn đầy đủ cho vật nuôi. Từ mô hình này, hàng năm, gia đình cũng thu về khoảng 100 triệu đồng tiền lãi từ việc bán trâu, bò”.
Mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cách chăn nuôi truyền thống. Bò được đầu tư chăm sóc tốt nên nhanh lớn, béo, vì vậy, bán được giá hơn. Một con bò nuôi nhốt mỗi năm thu lãi từ 7 - 8 triệu đồng...
Bên cạnh đó, việc nuôi nhốt trâu, bò sẽ tạo điều kiện để nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh của hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở. Công tác bao vây, khống chế, dập dịch trên đàn gia súc cũng sẽ nhanh chóng, chủ động và hiệu quả hơn.
Ông Hoàng Quý Kiệt - Phó Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh cho biết: “Thời gian tới, xã sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tận dụng các nguồn vốn, chương trình để hỗ trợ, phát triển chăn nuôi; tập trung chỉ đạo xuống các thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi chuẩn bị dự trữ thức ăn, trồng cỏ không để trâu, bò bị chết đói; đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật che chắn chuồng trại chống rét đối với gia súc, gia cầm. Đặc biệt, vận động bà con thay thế dần các giống vật nuôi bản địa bằng các giống năng suất cao; tập trung chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh; thực hiện vệ sinh chuồng trại, bổ sung thức ăn và tiêm phòng dịch bệnh”.
Hải Hà
Các tin khác
YBĐT - Để nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông, xã Văn Phú đã tập trung vận động nhân dân mở rộng diện tích, đưa vào canh tác các cây trồng có giá trị kinh tế. Đặc biệt, xã đã và đang xây dựng Tổ hợp tác Sản xuất rau an toàn.
Từ năm 2016 - 2025, dự trữ xăng dầu thương mại tối thiểu ổn định ở mức 30 ngày và 10 -15 ngày đối với xăng dầu sản xuất.
Trong dịp Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường sắt.
Tổng cục Thuế cho biết, tính từ đầu năm đến nay, ngành thuế đã chi 96.196 tỷ đồng hoàn thuế cho doanh nghiệp. Để giám sát chặt chẽ, bảo đảm quy trình hoàn thuế đúng, đủ và công bằng, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục gửi danh sách hoàn thuế bằng phương thức điện tử có chữ ký số tới Kho bạc Nhà nước để hỗ trợ kiểm soát chi hoàn thuế.