Bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017
- Cập nhật: Thứ tư, 4/1/2017 | 8:52:06 AM
Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ nhân dân đón Tết, Bộ Công Thương vừa đề nghị các sở công thương chú trọng triển khai Chương trình bình ổn thị trường bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2017.
Ảnh minh họa.
|
Theo Bộ Công Thương, năm 2016 kinh tế trong nước chịu tác động từ bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng thấp, giao dịch thương mại toàn cầu giảm so với các năm trước. Bên cạnh đó, các vấn đề về hạn hán, xâm nhập mặn và các sự cố về môi trường đã tác động không nhỏ đến tăng trưởng của các ngành. GDP cả năm 2016 dự kiến tăng khoảng 6,21%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng khoảng 10,19%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá chỉ tăng khoảng 7,3% (thấp hơn mức 8,5% của năm 2015, nhưng cao hơn các năm trước đó). Mặt bằng giá hàng hóa chịu ảnh hưởng chủ yếu ở các nhóm hàng do Nhà nước quản lý (phí dịch vụ y tế, giáo dục tăng giá theo lộ trình), các nhóm hàng hóa thiết yếu khác không tăng cao, chỉ một số mặt hàng như thực phẩm, đồ uống, hàng tết có tăng trong những giai đoạn lễ, tết và mưa lũ nhưng mức tăng không lớn. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, lương thưởng tết không cao nên sức mua cũng khó gia tăng đột biến trong dịp tết. Dự kiến sức mua các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay ước tăng khoảng 10 - 15% so với các tháng thường trong năm và tăng khoảng 8 - 10% so với tết năm trước.
Tại các địa phương, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết đang được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tích cực chuẩn bị. Theo báo cáo của hầu hết các địa phương và doanh nghiệp, lượng hàng phục vụ tết được chuẩn bị tăng hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 10 - 15%, chủng loại đa dạng, phong phú, từ bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát đến các loại thực phẩm tươi sống...
Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Bộ Công Thương nêu rõ: để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ nhân dân đón tết, ngày 01 tháng 11 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng, xây dựng kế hoạch phục vụ tết, triển khai chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; chuẩn bị tốt các mặt hàng chính sách cung ứng cho vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng chịu nhiều thiệt hại của thiên tai… Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Thương đã ban hành Công văn số 1779/QLTT-TH ngày 25 tháng 11 năm 2016, chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường và đấu tranh chống buôn lậu hàng gian hàng giả trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với một số Bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tổ chức đoàn làm việc tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Nghệ An), các doanh nghiệp phân phối lớn, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng của nhân dân trong thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các địa phương đã và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị tết, trong đó chú trọng triển khai chương trình bình ổn thị trường. Các Sở Công Thương đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng; đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch tết của địa phương. Theo báo cáo sơ bộ, đến nay đã có có 44/63 tỉnh, thành phố có báo cáo kế hoạch chuẩn bị hàng hóa trong các tháng cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017; trong đó có 21 địa phương có kế hoạch hoặc đang thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, hầu hết các địa phương chủ trương thực hiện chương trình theo hướng kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng trên địa bàn hoặc hỗ trợ lãi suất vốn vay.
Nhằm đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo đảm cân đối cung cầu, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và các thành phố lớn đẩy mạnh các hoạt động kết nối các sản phẩm nông sản thực phẩm sạch, an toàn, để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp cao điểm lễ, tết. Đồng thời, ngày 14 tháng 11 năm 2016, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ NN&PTNT về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, đặc biệt các nhóm hàng được tiêu dùng nhiều trong thời điểm lễ, tết. Qua đó, hai Bộ đã đánh giá, rà soát cân đối cung cầu và đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán 2017.
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp tết (cụ thể theo phụ lục đính kèm).
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức, tham gia các đoàn kiểm tra, kiểm soát về thị trường, an toàn thực phẩm theo chức năng nhiệm vụ được giao.
(Theo Dangcongsan.vn)
Các tin khác
YBĐT - Ngô nếp tím Fancy 111 được đưa vào trồng trên đồng đất Nghĩa Lộ từ vụ đông năm 2012 - 2013 với diện tích 5 ha. Đến vụ đông 2016 - 2017, tổng diện tích trồng trên 10 ha.
YBĐT - Năm 2016, Đội Quản lý thị trường số 4 đã tổ chức 111 vụ kiểm tra, đã phát hiện 88 vụ vi phạm; tiến hành xử phạt hành chính trên 468 triệu đồng,
YBĐT - Sáng 3/1/2017, Bưu điện tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017.
YBĐT - Những năm gần đây, Đảng ủy, chính quyền xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích.