Phát triển thương hiệu từ xây dựng nhãn hiệu tập thể
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/1/2017 | 1:47:23 PM
YBĐT - Lục Yên không chỉ có nổi tiếng về đá quý mà khí hậu, đất đai ở đây rất phù hợp cho phát triển cây cam. Với mục đích phát triển vùng trồng cam cũng như khẳng định nhãn hiệu “Cam Lục Yên” trên thị trường tỉnh Yên Bái và thị trường cả nước, UBND huyện Lục Yên đã tiến hành Dự án “Xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể Cam Lục Yên cho sản phẩm cam quả của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái” từ tháng 10 năm 2015. Cam Lục Yên gồm có 2 loại là cam sành và cam Vinh.
Vườn cam Vinh của gia đình ông Triệu Văn Điện - thôn 1 Nà Chao, xã Mường Lai, huyện Lục Yên đang trong thời gian thu hoạch.
|
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên năm 2016, diện tích cam trên địa bàn huyện gần 450 ha; trong đó, diện tích cam sành trên 300 ha, cam Vinh khoảng 140 ha; sản lượng ước khoảng 2.000 tấn.
Hiện nay, diện tích trồng cam của huyện tập trung chủ yếu ở xã Khánh Hòa (trồng cam sành), xã Mường Lai (trồng cam Vinh), với hơn 200 ha.
Những năm qua, cam Lục Yên đã được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến bởi vị ngọt, thơm và màu sắc bên ngoài vàng đốm xanh, rất hấp dẫn. Ai đã từng ăn cam Lục Yên, chắc hẳn sẽ ấn tượng bởi hương vị đặc trưng của cam ở vùng đất này.
Song, thời gian qua, còn tồn tại tình trạng gian lận thương mại, nhiều mặt hàng cam không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường lại gắn mác cam Lục Yên ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, do chưa kiểm soát được sản phẩm cam nơi khác nhập vào thị trường Lục Yên. Điều này đã phần nào đã làm suy giảm uy tín, thương hiệu của các đặc sản. Sản phẩm cam Lục Yên mang đặc tính thời vụ, đến mùa cam sản lượng lớn, thị trường bão hòa, giá trị cam thấp.
Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu theo hình thức mua bán tự do thông qua các thương lái. Vì vậy, người tiêu dùng khó có thể nhận biết được nguồn gốc của sản phẩm, gây thiệt thòi về kinh tế cho người sản xuất. Thực tế cho thấy, cam mỗi vùng vẫn sẽ có những đặc trưng riêng và nếu tinh ý, người tiêu dùng có thể nhận biết được cam đặc sản của quê hương Lục Yên.
Theo ông Triệu Văn Điện, thôn 1 Nà Chao, xã Mường Lai là một người dân trồng cam lâu năm cho biết: “Gia đình có hơn 1 ha trồng cam Vinh. Do đây là giống cam có khả năng thích nghi ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, nên khi lưu thông trên thị trường, về hình thức, cam Vinh ở Lục Yên có đặc điểm giống với những giống cam Vinh ở các vùng khác, song lại có một đặc trưng riêng là cam Vinh ở Lục Yên vỏ mỏng. Người tiêu dùng chỉ chọn một quả cam bất kỳ và bóc vỏ, nếu là cam ở Lục Yên thì ở vỏ có mùi thơm mát, dễ chịu và vỏ mỏng, vị ngọt thanh chứ không ngọt gắt. Thêm nữa, cam Lục Yên để càng lâu cam càng ngon, không nhanh bị hỏng”.
Theo nhiều người dân cho biết, ở đây cam có thể để được 2 tháng mà không bị thối. Cam càng héo thì càng ngọt, không phải vì do dùng thuốc bảo quản mà do tính đặc trưng riêng của cam vùng này.
Để giải quyết vấn đề uy tín sản phẩm cam Lục Yên ngày càng bị giảm sút trên thị trường, ông Hoàng Kim Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, Chủ nhiệm Dự án cho biết: “UBND huyện Lục Yên đã đề xuất, xây dựng Dự án “Xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên” cho sản phẩm cam quả của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái”.
Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương sẽ nỗ lực để nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên” sớm được công nhận. Đây là tiền đề nâng cao uy tín của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lục Yên, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của huyện nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung”.
Hiện tại, giá bán bình quân tại vườn đối với cam sành là 15.000 - 18.000 đồng/kg cho cam loại 1, 10.000 - 12.000 đồng/kg cho cam loại 2. Đối với cam Vinh giá dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Vào dịp tết Nguyên đán, giá cam có thể cao hơn. Sau khi được cấp nhãn hiệu tập thể, giá cam có thể tăng lên và điều này sẽ góp phần tăng thu nhập, đời sống nhân dân được cải thiện. Khi nhãn hiệu “Cam Lục Yên” được công nhận, sẽ là niềm vui, động lực để người dân huyện Lục Yên tiếp tục đầu tư thâm canh, đa dạng các mặt hàng cam phục vụ thị trường.
Chúng tôi được cán bộ khuyến nông huyện dẫn đi thăm Hợp tác xã Cam sành Lục Yên tại thôn 8, xã Khánh Hòa. Đây được coi là xã điểm của huyện về trồng cam, bởi xã luôn dẫn đầu về diện tích và sản lượng hàng năm. Hiện tại, toàn xã có 111 ha trồng cam, trong đó, cam cho thu hoạch 70 ha, 20 ha cam 1 - 3 tuổi, diện tích còn lại là các cây ở các độ tuổi khác, năm nay tổng sản lượng cam ước đạt 500 tấn.
Nơi đây, cam đã khẳng định là loại cây trồng có giá trị cao và khả năng tiêu thụ tương đối ổn định. Một số hộ dân đã biết thâm canh, chăm sóc cây cam, theo quy trình kỹ thuật khoa học, do đó, vườn cam phát huy giá trị, mang lại thu nhập cao.
Điển hình như gia đình ông Trịnh Văn Hưng, thôn 8, xã Khánh Hòa trồng 3,5 ha, sản lượng 80 tấn/ năm, thu nhập đạt gần 700 triệu đồng; gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn, thôn 5, xã Khánh Hòa, trồng trên 4,5 ha, mỗi năm thu nhập khoảng 1 tỷ đồng… và rất nhiều hộ đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu từ trồng cam.
Cán bộ khuyến nông kiểm tra quá trình sinh trưởng của cây tại HTX Cam sành Lục Yên.
Bà Hoàng Thuyết Lập - Giám đốc Hợp tác xã Cam sành Lục Yên chia sẻ: “Nhờ có lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, nên Lục Yên rất phù hợp để phát triển cây cam. Tuy nhiên, trên thị trường, người dân vẫn chưa phân biệt được giữa cam Lục Yên với cam ở các vùng khác. Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan, các cấp, chính quyền tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí, cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, mở các hội trợ triển lãm…. để sản phẩm cam Lục Yên đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi và dễ dàng.
Đồng thời, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên” góp phần bảo vệ và khẳng định chất lượng sản phẩm, hướng người trồng cam tuân thủ quy định, kỹ thuật sản xuất sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn, được thị trường nhìn nhận, đánh giá cao hơn và đặc biệt nâng cao thu nhập cho người dân”.
Để nâng cao giá trị của cam Lục Yên, huyện đã được phê duyệt Dự án “Xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên” cho sản phẩm cam quả của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái” với tổng kinh phí thực hiện Dự án là 240.000.000 đồng, trong đó, ngân sách sự nghiệp khoa học là 220.000.000 đồng và nguồn đối ứng của huyện là 20.000.000 đồng. Huyện đã tập trung điều tra, thu thập thông tin làm cơ sở khoa học cho việc gây dựng nhãn hiệu tập thể; phân tích, thiết kế mẫu mã tem, nhãn; xây dựng đầy đủ bộ hồ sơ cũng như hệ thống quản lý nội bộ nhãn hiệu tập thể… Bên cạnh việc đem lại hiệu quả kinh tế thì việc giữ vững và duy trì nhãn hiệu tập thể cũng là vấn đề được đặt ra không chỉ đối với chủ sở hữu mà còn đối với các ngành chức năng.
Ông Hoàng Kim Trọng nhận định, khi được sở hữu nhãn hiệu “Cam Lục Yên” cũng chỉ là thành công bước đầu, khó nhất là bảo vệ và phát triển nhãn hiệu sau này. Để cam Lục Yên trở thành một thương hiệu uy tín trên thị trường, chính quyền địa phương đã đề nghị người dân trồng cam cam kết sẽ áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật trong trồng cam để giữ vững chất lượng của sản phẩm, không lạm dụng các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh là sản phẩm sạch vì sức khỏe người tiêu dùng. Hy vọng, với sự quan tâm vào cuộc của các ngành chức năng và sự nỗ lực của người dân, trong thời gian tới, cam Lục Yên sẽ sớm được người tiêu dùng trong nước biết đến và trở thành mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế ngày càng cao.
Hải Hà
Các tin khác
YBĐT - Chiều 5/1/2017, Trung tâm Kinh doanh VNPT - Yên Bái tổ chức Hội nghị tri ân khách hàng năm 2016 với sự có mặt của lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và đông đảo khách hàng trên địa bàn tỉnh.
Cục Hàng không quyết định tăng thêm 1.270 chuyến bay dịp Tết Âm lịch phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, trong tháng 1/2017, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn sẽ chính thức ban hành thông tư cấm sử dụng Cysteamine trong chăn nuôi.
Bộ Y tế sẽ thanh tra toàn diện về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với một số công ty sản xuất nước mắm, trong đó có Công ty Mansan và Công ty Khải Hoàn.