Điểm nhấn chăn nuôi ở tỉnh Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/1/2017 | 8:20:54 AM

YBĐT - Trong hàng loạt các chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của ngành nông nghiệp Yên Bái thì lĩnh vực chăn nuôi đã tạo được một điểm nhấn ấn tượng nhất.

Một cơ sở chăn nuôi lợn lợn thịt quy mô lớn theo hướng hàng hóa và thị trường của nông dân Hưng Khánh (Trấn Yên). Ảnh Quang Tuấn
Một cơ sở chăn nuôi lợn lợn thịt quy mô lớn theo hướng hàng hóa và thị trường của nông dân Hưng Khánh (Trấn Yên). Ảnh Quang Tuấn

Không chỉ tăng về số lượng con và sản lượng thịt mà còn có sự thay đổi rõ nét về quy mô cũng như cung cách sản xuất. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ đang chuyển dần sang chăn nuôi gia trại, trang trại và nông trại gắn với thị trường. Công tác phòng chống dịch bệnh, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chăn nuôi được tăng cường.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp thì kết thúc năm 2016 giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 6.486 tỷ đồng (tính theo giá so sánh 2010), tăng 3,2% so với cùng kỳ, chiếm 24% trong cơ cấu tổng sản phẩm toàn tỉnh.

Trong đó, ngành chăn nuôi đạt trên 1.434 tỷ đồng, tăng 7,92% so với cùng kỳ, chiếm 30,65% trong giá trị sản xuất nông nghiệp - một con số đầy ấn tượng trong thời kỳ giá cả đầu vào tăng cao, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường đầu ra không ổn định.

Hết năm 2016, tổng đàn gia súc chính (trâu, bò, lợn) đạt 679.131 con, tăng 5,5% so với cùng kỳ, đạt 102,4 % so với kế hoạch. Trong đó, đàn trâu 104.695 con, bằng 100,1% kế hoạch, tăng 2,1% so với cùng kỳ; đàn bò 24.664 con, bằng 111,1% kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ; đàn lợn 549.772 con, bằng 102,6% kế hoạch, tăng 5,9% so với cùng kỳ.

Đàn gia cầm đạt 4,48 triệu con, tăng 0,49 triệu con (tương ứng 12,1%) so với cùng kỳ; đàn dê đạt 41.017 con, tăng 9.407 con (tương ứng 29,7%) so với cùng kỳ; đàn ngựa giữ mức ổn định 1.598 con.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 42.131 tấn, tăng 2.630 tấn so với năm 2015. Trong đó, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính (trâu, bò, lợn) đạt 37.297 tấn, vượt 2,7% so với kế hoạch; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia cầm đạt 4.834 tấn, vượt 14,8% so với cùng kỳ.

Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không xảy ra dịch cúm gia cầm và tai xanh. Dịch bệnh lở mồm long móng xuất hiện cục bộ vào đầu năm 2016 trên trâu, bò tại Văn Yên và Mù Cang Chải được khống chế kịp thời, không gây thiệt hại lớn.

Đạt được kết quả đó, phải nói đến sự chỉ đạo và thực hiện tốt các chương trình phát triển chăn nuôi, cải tạo đàn vật nuôi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Xây dựng và thực hiện các mô hình chăn nuôi mới, nhân rộng các mô hình có hiệu quả.

Bên cạnh đó, có một yếu tố nữa không thể không nói đến và mang tích “quyết định” là sự  hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa; hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ người có công với cách mạng có thu nhập thấp. Cùng với đó là làm tốt công tác tổ chức tiêm phòng chống dịch bệnh và thị trường tương đối ổn định.

Nếu như trước đây chăn nuôi chủ yếu là nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ thì nay có trên 800 hộ chăn nuôi gia trại có quy mô hàng trăm con trở lên, đặc biệt có 13 trại nuôi lợn quy mô lớn có trên 300 con lợn nái và trên 200 con lợn thịt trở lên. Đặc biệt, có 9 trại nuôi từ 1.200 con lợn thịt trở lên. Có hàng trăm trang trại nuôi gà, nuôi vịt thương phẩm quy mô từ 2.000 con lên cả chục nghìn con.

Nông dân huyện Văn Chấn và Yên Bình đã và đang triển khai hai mô hình chăn nuôi bò thịt theo hình thức công nghiệp bằng giống bò lai F1 BBB với quy mô hàng trăm con đang phát huy hiệu quả tốt, gợi ra một hướng đi mới cho chăn nuôi đại gia súc.

Không dừng lại ở đó, trong lĩnh vực chăn nuôi đã có sự vào cuộc rõ nét của “bốn nhà”, đặc biệt là nhà doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. 10 dự án đầu tư vào chăn nuôi không phải là lớn so với các địa phương khác, nhưng với một tỉnh miền núi như Yên Bái thì đây là một kỳ tích.

Đã có 8 dự án đi vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Công ty Hòa Yên ở xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên quy mô 870 lợn nái ngoại; Công ty TNHH Hoàn Vũ, huyện Văn Chấn quy mô gần 4.000 con lợn thịt hay như Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam ở xã Thượng Bằng La quy mô nuôi 10.000 thỏ sinh sản và thương phẩm...

Với mục tiêu đưa chăn nuôi trở thành một ngành kinh tế chính, Yên Bái đã và sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích chăn nuôi và tạo nhiều cơ chế thông thoáng, đặc thù thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.

Đặc biệt, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có Đề án Phát triển trâu, bò cái sinh sản và các chính sách hỗ trợ cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, theo hướng hàng hóa và thị trường. Với hướng đi đó, cách làm đó, nhất là có sự vào cuộc tích cực của “4 nhà” chắc chắn ngành chăn nuôi Yên Bái sẽ gặt hái thêm nhiều thắng lợi trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Thanh Phúc

Các tin khác
Trước ngày 15/2/2017, toàn huyện sẽ hoàn thành 100% diện tích gieo cấy. Ảnh Minh Quang

YBĐT - Vụ đông xuân 2016 – 2017, huyện Mù Cang Chải phấn đầu gieo cấy 1.600 ha lúa.

Công ty cổ phần Phát triển du lịch xanh Thịnh Đạt tổ chức khởi công Dự án xây dựng Khu nghỉ dưỡng Mù Cang Chải.

YBĐT - Sáng 6/1, tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, Công ty cổ phần Phát triển du lịch xanh Thịnh Đạt đã phát lệnh khởi công Dự án xây dựng Khu nghỉ dưỡng Mù Cang Chải với tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.

Cầu Tân Vũ -  Lạch Huyện chính thức hợp long nhịp thông thuyền dài nhất.

Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện nối bán đảo Đình Vũ với huyện đảo Cát Hải sẽ được đưa vào sử dụng trong tháng 5, tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.

Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Đinh Dậu (Ảnh minh họa).

Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục