“Lợi ích kép” khi triển khai ứng dụng quản lý thuế
- Cập nhật: Thứ ba, 17/1/2017 | 2:08:53 PM
YBĐT - Trước đây, công tác quản lý lệ phí trước bạ phương tiện và các khoản thu trên đất tại Cục Thuế và các chi cục thuế chủ yếu được thực hiện thủ công từ việc kê khai thuế, tính toán số tiền thuế phải nộp, phát hành thông báo nộp thuế, lập bộ, đến việc chấm bộ, tổng hợp báo cáo... với số lượng quản lý bình quân hàng năm rất lớn.
Điển hình như việc quản lý lệ phí trước bạ phương tiện, hàng năm bình quân số hồ sơ phát sinh 28.290 lượt; số thuế đã nộp ngân sách nhà nước là trên 70 tỷ đồng; còn đối với quản lý các khoản thu từ đất, số hồ sơ về các khoản phát sinh từ đất hàng năm bình quân 18.174 lượt hồ sơ, với số thuế phát sinh trên 400 tỷ đồng.
Trong đó, số lượng các khoản phát sinh lớn với số thu cao chủ yếu tập trung trên địa bàn thành phố Yên Bái và một số đơn vị như: huyện Yên Bình, Trấn Yên... Với số lượng, khối lượng công việc lớn như vậy, mà cán bộ vẫn phải thực hiện thủ công, dẫn tới công tác quản lý vừa vất vả, vừa mất thời gian, công tác tổng hợp báo cáo không kịp thời, độ chính xác của số liệu không cao.
Với mục tiêu cải cách hiện đại hóa của ngành, áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý thuế. Cục Thuế tỉnh đã triển khai kế hoạch quản lý thuế tập trung các ứng dụng quản lý trước bạ phương tiện và quản lý các khoản thu từ đất, với mong muốn ứng dụng sẽ dần dần thay thế công tác quản lý, theo dõi, tổng hợp, báo cáo thủ công bằng tay trước đây bằng quản lý tự động trên hệ thống máy tính, giảm được khối lượng công việc cho cán bộ; đồng thời, nâng cao được sự hiểu biết cũng như trình độ sử dụng và khai thác của cán bộ trong việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý.
Để triển khai ứng dụng, Cục Thuế đã thành lập ban chỉ đạo và tổ triển khai, phân công nhiệm vụ từng người trong ban chỉ đạo và tổ triển khai. Chỉ đạo các chi cục thuế, các phòng chuyên môn có liên quan, căn cứ kế hoạch của Cục Thuế tiến hành kiểm tra, rà soát số liệu, chuẩn bị đầy đủ về con người, máy móc thiết bị, nhằm phục vụ đầy đủ nhất cho công tác triển khai ứng dụng.
Chi cục Thuế thành phố Yên Bái được làm thí điểm và đã mang lại thành công tốt đẹp, ban chỉ đạo đã đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai đối với các chi cục thuế còn lại.
Nói về tiện ích khi được trực tiếp khai thác và sử dụng ứng dụng này, bà Nguyễn Thị Nguyệt Nga - Phó đội trưởng Đội Trước bạ và thu khác của Chi cục Thuế thành phố Yên Bái cho biết: “Từ khi thực hiện phần mền ứng dụng, khách hàng đến đăng ký nộp lệ phí trước bạ, tôi chỉ cần lấy thông tin trên hồ sơ mua, bán nhập vào ứng dụng là hoàn thành các phần việc từ thông báo nộp thuế, bảng kê nộp thuế, sổ sách cho đến báo cáo. Có phần mền này, tôi chỉ cần nhập thông tin về nhãn hiệu, số loại của từng chủng loại xe khác nhau thì phần mền tự động tính giá và độ chính xác rất cao. Như vậy, việc triển khai ứng dụng đã giúp tôi giải quyết công việc rất nhanh gọn, giảm thủ tục kê khai rườm rà cho khách hàng, tiết kiệm được thời gian cho cán bộ làm, đẩy nhanh tiến độ và năng suất công việc”.
Những tiện ích không chỉ riêng với cơ quan thuế mà trực tiếp người nộp thuế cũng được “hưởng lợi” trong việc triển khai ứng dụng.
Ông Phan Xuân Hà công tác tại Phòng Kinh doanh xe máy, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình, thành phố Yên Bái chia sẻ: “Tôi là một cán bộ chuyên đi làm thủ tục đăng ký xe máy cho khách hàng. Với đặc thù công việc thì mỗi tuần phải đến Chi cục Thuế thành phố Yên Bái ít nhất 3 lần để làm thủ tục đăng ký cho khoảng 150 phương tiện xe máy. Trước đây, làm thủ tục hôm trước, hôm sau mới lấy được hồ sơ, như vậy, rất mất thời gian. Đến nay, ngành thuế triển khai ứng dụng thì khi đến làm thủ tục đăng ký, tôi có thể chờ và lấy được ngay, do vậy, tôi đã tiết kiệm rất nhiều thời gian để giành cho công việc khác...”.
Như vậy, bước đầu khi triển khai ứng dụng quản lý thu lệ phí trước bạ phương tiện và các khoản thu từ đất của Cục Thuế tỉnh đã tháo gỡ được những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý thủ công trước đây. Mặt khác, đã đáp ứng được yêu cầu thiết thực tại cơ quan thuế các cấp đối với công tác cập nhật, tổng hợp, báo cáo nhanh, chính xác, kịp thời.
Đồng thời, cũng thông qua việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, đã giúp cho cán bộ, công chức ngành thuế tiếp cận với CNTT. Từ đó, trình độ ứng dụng tin học được nâng lên, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, hiệu quả công tác, năng lực quản lý cho cán bộ, đẩy mạnh quá trình phát triển công tác tin học của ngành thuế cả nước và ứng dụng CNTT vào công tác quản lý hành chính thuế.
Đào Đức Thủy
Các tin khác
Tính đến thời điểm này, toàn bộ công tác triển khai, kiểm tra toàn diện về an toàn, an ninh mạng lưới, bảo dưỡng hệ thống VinaPhone đã hoàn thành theo kế hoạch, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Đại diện 36 tỉnh của Việt Nam tham gia tọa đàm giới thiệu tiềm năng địa phương với 26 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản, để thu hút đầu tư.
YBĐT - Nếu năm 2015, doanh thu từ bưởi của nông dân Đại Minh là 32 tỷ đồng thì vụ bưởi năm 2016, người dân đã thu trên 42 tỷ đồng - một con số ấn tượng. Hộ thu nhập nhiều nhất từ bưởi lên tới 500 triệu đồng.
YBĐT - Chi cục sẽ mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017