Cây xóa nghèo ở Lâm Thượng
- Cập nhật: Thứ ba, 24/1/2017 | 8:10:42 AM
YBĐT - Lâm Thượng là xã vùng 3 của huyện Lục Yên và nơi được biết đến với nhiều loại đặc sản, nhưng đặc trưng nhất là vịt bầu, măng mai. Trong đó, cây măng mai đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.
Chủ tịch UBND xã - Trần Thanh Trúc phấn khởi cho biết: “Nhờ cây măng mai mà cuộc sống của trên 1.460 hộ dân ở 19 thôn, bản đã có cuộc sống ấm no, nhiều hộ đã có mức thu nhập cả trăm triệu đồng và có cả hộ thu nhập tiền tỷ từ cây măng mai. Cuộc sống sinh hoạt, xây nhà cửa, mua sắm ô tô, xe máy cũng nhờ cây măng mai mà có”.
19/19 thôn, bản đều có măng mai, nhưng những thôn có nhiều nhất là thôn Nậm Chắn, Bản Lẹ, Tông Cại, Thâm Pất, Bản Khéo. Vốn là loại cây trồng không xa lạ với người dân, cây măng mai có ở xã từ rất lâu, nhưng nhiều năm trước giá trị kinh tế chưa cao nên người dân chưa chú trọng phát triển. Từ năm 2008, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giá trị cây măng mai được khẳng định hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhờ đó, xã đã tích cực vận động, tuyên truyền để nhân dân tập trung chăm sóc, mở rộng diện tích, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
Đến nay, diện tích măng mai toàn xã đã tăng lên 350 ha, tính riêng năm 2016, nhân dân trong xã đã trồng mới 100 ha. Sản lượng khai thác bình quân năm 2016 đạt trên 100 tấn măng khô, mang lại nguồn thu 12 tỷ đồng cho người dân. Sau 8 năm phát triển măng mai theo hướng hàng hóa, nhiều gia đình không những thoát nghèo, mà đã giàu lên từ loại cây này. Nhờ cây măng mai mà thu nhập bình quân đầu người tăng lên 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm xuống còn 36,18 % và đây cũng là yếu tố quan trọng để địa phương hoàn thành thêm tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Để minh chứng cho những điều mình nói, Chủ tịch UBND xã - Trần Thanh Trúc dẫn chúng tôi đến thôn Bản Khéo - một trong những thôn có diện tích măng mai tương đối nhiều. Len qua những rặng măng mai phủ bóng xanh rợp đường đi, chỉ vào ngôi nhà xây khang trang ngay đầu ngõ, ông Trúc cho biết, đó là gia đình ông Hoàng Văn Vững - hộ điển hình làm kinh tế giỏi từ cây măng mai. Mặc dù điện tích măng mai của gia đình ông chỉ có 2 ha, mới trồng được 6 năm nay, nhưng do chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, nên ngoài việc làm măng của gia đình, vào mùa măng, ông Vững còn đi mua gom măng tươi của các hộ trong thôn về phơi khô để bán cho thương lái.
Bình quân mỗi năm, 2 ha măng mai của gia đình ông Vững thu về gần 40 tấn măng tươi, cộng với mua măng của các hộ dân về phơi, thu nhập mỗi năm cũng có vài trăm triệu đồng. Gia đình ông Tăng Văn Hiệu, thôn Nậm Chắn cũng vậy, với 5 ha măng được trồng từ năm 2008, đến nay đã giúp gia đình ông trở nên khá giả hơn.
Ông Hiệu cho biết: “Cây măng mai trồng rất dễ, vốn đầu tư ban đầu ít. Sau mỗi đợt thu hoạch chỉ cần bón cho mỗi khóm vài cân phân chuồng cộng với phân lân NPK thì măng mai lại tiếp tục phát triển tốt. Bình quân một khóm măng mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 60 kg măng tươi, 1 ha trồng được khoảng 300 khóm. Như vậy, với 5 ha măng mai, mỗi năm thu về khoảng 90 tấn măng tươi, với giá bán 5.000 đồng/kg, mỗi năm mang lại nguồn thu cho gia đình tôi khoảng 450 triệu đồng”.
Gia đình anh Hoàng Văn Ức ở bản Tông Pắng B cũng vậy, lúc đầu chưa có kinh nghiệm cũng như chưa nắm bắt được thị trường nên anh chỉ trồng trên 100 gốc. Sau 3 năm, những gốc măng đã cho thu hoạch đem về nguồn thu khá cho gia đình. Trước thành quả đó, năm 2012, anh đã đưa toàn bộ diện tích gần 5 ha nương đồi của gia đình vào trồng măng mai. Hiện, những gốc măng này đã trở thành nguồn thu nhập chính và ổn định cho gia đình. Không chỉ có gia đình ông Vững, ông Hiệu, anh Ức mà nhiều hộ khác ở xã Lâm Thượng cũng có kinh tế khá giả từ trồng cây tre măng mai.
Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng cho biết thêm: “Để nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã tiếp tục vận động, tuyên truyền nhân dân tập trung đầu tư, mở rộng diện tích măng mai, phấn đấu đến năm 2020 nâng diện tích măng mai toàn xã lên 500 ha; đồng thời, vận động các nhóm hộ sản xuất măng mai có quy mô lớn ở xã thành lập tổ hợp tác chế biến, kinh doanh măng mai tạo đầu ra thuận lợi cho các hộ dân, bởi hiện nay, việc mua bán vẫn mang tính manh mún, người dân tự tìm ra, mạnh ai nấy làm, giá cả bấp bênh. Tuy nhiên, để làm được việc này, địa phương cũng mong muốn tỉnh, huyện có cơ chế hỗ trợ giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư trồng măng cũng như tạo mối liên kết giữa người sản xuất với người tiêu dùng. Có như vậy, người trồng măng mai mới yên tâm sản xuất, mở rộng quy mô”.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Đến tháng 12/2016, toàn tỉnh đã có 1.305 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký nộp thuế điện tử thành công tại các ngân hành thương mại, đạt 100%. Năm 2017 và các năm tiếp theo, việc nộp thuế điện tử phấn đấu hoàn thành 95% trên cả 3 tiêu chí: số doanh nghiệp, số tiền và số giao dịch được thực hiện bằng phương thức điện tử.
YBĐT - Đến với đất Ngọc vào đúng dịp Tết đến - xuân về, du khách đừng quên thưởng thức văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào vùng cao. Đặc biệt không thể bỏ qua đặc sản thịt gà trống thiến béo ngậy, thơm ngon, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc của một vùng quê.
YBĐT - Khu vực Nậm Ngập hiện nay có 27 hộ sinh sống. Hầu hết các hộ dân ở đây đều trồng cây ăn quả có múi với tổng diện tích khoảng 43 ha, trung bình mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Xuân này, những vườn cam ở Nậm Ngập giờ vàng óng, lúc lỉu quả đang chờ tay người hái.
YBĐT - Đường mở ra, nông sản trở thành hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế. Đường về đánh thức các vùng quê và tạo sự đổi thay nhanh chóng, bởi đây là điều kiện quan trọng để hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội như: điện, trường, trạm... được tiếp tục đầu tư dễ dàng hơn.