Văn Yên tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp
- Cập nhật: Thứ hai, 13/2/2017 | 8:04:18 AM
YBĐT - Huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư; hình thành các vùng chuyên canh tập trung, tích cực chuyển giao khoa học, kỹ thuật; xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa… là những giải pháp cụ thể, đúng hướng mà huyện Văn Yên triển khai để thực hiện tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, tiến tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Đồng bào Dao huyện Văn Yên thu hoạch quế phục vụ xuất khẩu.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, thời gian qua, huyện Văn Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án theo Quyết định số 250/QĐ-UBND ngày 19/2/2016 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2016.
Trên cơ sở đó, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn triển khai hỗ trợ, xây dựng, phát triển các tiểu dự án theo hướng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp như: phát triển chăn nuôi, thủy sản, trồng tre măng Bát độ, phát triển cây quế, trồng ngô đông trên đất 2 vụ lúa, trồng khoai tây vụ đông…
Trong năm 2016, huyện đã nghiệm thu 20/20 cơ sở nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên; 5/5 cơ sở nuôi trâu, bò quy mô từ 30 con trở lên; 2/2 cơ sở nuôi lợn thịt quy mô 100 con/lứa trở lên; 5/5 cơ sở nuôi lợn nái sinh sản quy mô 15 con trở lên; 5/5 cơ sở nuôi kết hợp 5 lợn nái và 50 lợn thịt trở lên; 5/5 cơ sở nuôi 1.000 con gia cầm trở lên...
Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện tạm ứng trên 1,6 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi theo quy mô như của tỉnh. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, huyện Văn Yên đã triển khai kịp thời các chương trình hỗ trợ về giống, cây trồng… Từ đó, người dân có vốn mở rộng sản xuất, tiếp cận với các cây trồng có giá trị cao, tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp của huyện.
Kết quả khả quan trên được minh chứng rõ nét khi các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp năm 2016 cơ bản hoàn thành và vượt kế hoạch. Nổi bật là, sản lượng lương thực đạt trên 51.800 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 418 kg/người/năm; sản xuất nông nghiệp từng bước dịch chuyển theo hướng hàng hóa, dần hình thành các vùng sản xuất rau an toàn, cây ăn quả; chăn nuôi phát triển tập trung theo hướng gia trại, trang trại, ứng dụng công nghệ cao như: chuồng trại được xây dựng khép kín, cho ăn uống tự động, bán tự động và có hệ thống làm mát cho vật nuôi…
Chăn nuôi hàng hoá tập trung đã và đàng tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân Văn Yên.
Có thể thấy, với những giải pháp tích cực trong tái cơ cấu, sản xuất ngành nông nghiệp huyện Văn Yên đã có chuyển biến tích cực, nhưng quá trình triển khai thực hiện cũng cho thấy nhiều khó khăn, vướng mắc như: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết bền vững giữa khâu sản xuất và tiêu thụ; phần lớn nông sản tiêu thụ ở dạng thô, giá cả bấp bênh; chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp còn ít và thấp hơn nhu cầu thực tế; việc huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác vào nông nghiệp còn hạn chế; ý thức sản xuất của người dân còn mang tính sản xuất nhỏ…
Trên cơ sở phân tích, đánh giá, thời gian tới, huyện Văn Yên tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn một số sản phẩm chính là lợi thế để lập dự án, làm cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện. Cụ thể, huyện tập trung đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả chuyên canh lúa, ngô tại vùng Đại - Phú - An, Đông Cuông, ngô đồi ở Lâm Giang, Lang Thíp, Châu Quế Thượng, Phong Dụ Thượng, Mỏ Vàng; phấn đấu đến năm 2020, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 56.000 tấn; đẩy mạnh trồng quế tại các xã vùng cao: Đại Sơn, Viễn Sơn, Phong Dụ Thượng, Mỏ Vàng theo hướng thay thế diện tích cây vườn tạp và cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng quế, phấn đấu đến năm 2020, ổn định diện tích quế trên 40.000 ha, sản lượng quế khai thác bình quân hàng năm trên 7.500 tấn; hình thành các vùng cây ăn quả sạch và phấn đấu đến năm 2020, diện tích cây ăn quả đạt 700 ha; trong đó, nhóm cây có múi 80 ha tập trung ở xã vùng thấp; nhóm cây nhãn, vải 300 ha tập trung ở các xã vùng thượng huyện. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục duy trì, phát triển các cơ sở chăn nuôi theo hướng tập trung, khuyến khích mở rộng quy mô trang trại, gia trại, trồng cây thức ăn cho gia súc, phát triển đầu đàn gia súc. Ngoài ra, huyện sẽ chú trọng gắn tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp bằng cách huy động từ xã hội, người dân, các doanh nghiệp, tổ chức…
Từ đó, huyện tập trung các nguồn lực đầu tư trực tiếp cho phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp; tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất nông, lâm nghiệp.
Hùng Cường
Các tin khác
Từ ngày 8 đến 10-2, Hội chợ quốc tế trái cây và rau củ quả (Fruit Logistica 2017) đã diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Berlin.
Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại.
Năm 2017 tiếp tục là năm cao điểm thanh, kiểm tra chuyên ngành về quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngày 10-2, Bộ Tài chính công bố về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu quý IV và cả năm 2016.