Giải pháp cho sản xuất công nghiệp Yên Bái
- Cập nhật: Thứ hai, 27/2/2017 | 8:12:42 AM
YBĐT - Năm 2017, tỉnh Yên Bái phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) là 9.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2016. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn do năng lực sản xuất công nghiệp vẫn chưa có sự tăng trưởng mạnh.
Công nhân Công ty cổ phần Nhựa và Khoáng sản An Phát Yên Bái thi đua sản xuất ngay từ đầu năm 2017.
|
Từ những ngày đầu năm mới, không khí thi đua lao động sản xuất ở Công ty cổ phần Nhựa và Khoáng sản An Phát Yên Bái rộn ràng trong khắp các phân xưởng. Là đơn vị sản xuất phụ gia ngành nhựa, đi vào hoạt động từ năm 2009, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại với các sản phẩm chính là hạt phụ gia ANPHAT CALBEST (PP, PE) ứng dụng làm phụ gia trong các sản phẩm của ngành nhựa và sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất mỹ phẩm, sản xuất sơn, giấy…
Đi tham quan nhà máy, ông Vũ Thanh Bình - Giám đốc Công ty cho biết: “Kết thúc năm 2016, đơn vị đã sản xuất trên 19 ngàn tấn sản phẩm, doanh thu ước đạt trên 193 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận sau thuế đạt 11,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2017, Công ty phấn đấu doanh thu đạt từ 210 tỷ đồng đến 250 tỷ đồng; sản lượng hạt phụ gia CaCO3 cho ngành nhựa đạt 22.000 tấn; bột đá CaCO3 đạt 10.000 tấn; lợi nhuận trước thuế đạt thấp nhất 12 tỷ đồng".
Năm 2016, đi qua với nhiều thắng lợi trong sản xuất, kinh doanh, phát huy kết quả đã đạt được, ngay sau kỳ nghỉ tết, ngày 4/2/2017 (mùng 8 tết) toàn bộ công nhân của Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đã hối hả vào ca với mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 3.100 tấn sản phẩm sứ cách điện các loại, doanh thu đạt 110 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 15 tỷ đồng...
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty - ông Nguyễn Khắc Sơn cho biết: "Để hoàn thành kế hoạch, Công ty đã phát động nhiều phong trào thi đua trong cán bộ, công nhân đẩy mạnh sản xuất ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm. Với đội ngũ công nhân có tay nghề cao, tâm huyết với công việc cùng với sự tin tưởng của các đối tác, đời sống của người lao động được đảm bảo, đó sẽ là động lực để Công ty sản xuất, kinh doanh hoàn thành mục tiêu kế hoạch".
Với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn của tỉnh cùng sự nỗ lực cao của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nên sản xuất công nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua vẫn giữ vững sự ổn định và đạt mức tăng trưởng khá so với năm trước. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 8.200 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 8,5% so với năm 215.
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Yên Bái thì sản xuất công nghiệp duy trì ổn định mức tăng trưởng là nhờ các sở, ngành đã tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp và nhân dân sử dụng hàng hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Các chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến công, xúc tiến thương mại, cải tiến, đổi mới công nghệ được ban hành đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp trong thời gian qua đã được tỉnh quan tâm đúng mức, do đó, đã tạo điều kiện thu hút nhiều dự án đầu tư, từng bước hình thành các khu vực sản xuất tập trung...
Năm 2017, tỉnh Yên Bái phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) là 9.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2016. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn do năng lực sản xuất công nghiệp vẫn chưa có sự tăng trưởng mạnh, các dự án đầu tư hoàn thành vào sản xuất không nhiều, chủ yếu vẫn là phát huy năng lực đã có trong năm 2016.
Vì vậy, để sản xuất công nghiệp hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra trong năm 2017 và vững bước vào tiến trình hội nhập, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, ngành công thương tỉnh Yên Bái sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường, vận động các doanh nghiệp tích cực đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; rà soát lại các dự án, thu hồi các dự án thủy điện chậm tiến độ, vi phạm các quy định về đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư mới có năng lực để thực hiện.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng của các dự án may mặc đã và đang đầu tư trên địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động để đảm bảo công suất sản xuất theo thiết kế; hỗ trợ, đổi mới công nghệ, kỹ thuật đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu; cung ứng vật tư kỹ thuật cho sản xuất; đẩy mạnh công tác tư vấn thông tin thị trường và tuyên truyền phổ biến chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp cho các huyện, xã, đặc biệt là các cơ sở làng nghề truyền thống.
Đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề nhằm nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, đào tạo cán bộ quản lý, cải tiến mẫu mã, bao gói, nâng cao chất lượng sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, đăng ký và bảo vệ thương hiệu; tăng cường thu hút đầu tư các đơn vị trong và ngoài nước có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư các ngành công nghiệp.
Những giải pháp trên sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh hơn, nhiều ngành nghề, nhiều sản phẩm hơn và tạo được nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Nnăm 2016, lực lượng quản lý thị trường Yên Bái đã kiểm tra, bắt giữ và xử lý 11 vụ, phạt tiền 200,6 triệu đồng, tịch thu 5.221 bao thuốc lá điếu nhập lậu.
Nguy cơ virus cúm A/H7N9 từ nước láng giềng Trung Quốc xâm nhập vào nước ta được nhận định là rất cao.
Sáng 24/2, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị thẩm định Dự án điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thương mại, dịch vụ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì Hội nghị.
Đây là nội dung quan trọng được nêu tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.