Thành phố Yên Bái khôi phục chăn nuôi sau “cơn bão” rớt giá
- Cập nhật: Thứ năm, 16/3/2017 | 8:15:18 AM
YBĐT - Song, xác định chăn nuôi là hướng đi bền vững, sau “cơn bão” rớt giá, nhiều hộ chăn nuôi tại thành phố Yên Bái lại tiếp tục tái đàn để tiếp tục duy trì quy mô, góp phần nâng cao thu nhập và làm giàu bền vững.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung ở thôn 4, xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái chăn nuôi gà mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Nhật Lệ)
|
Những năm qua, do nhu cầu đô thị hóa mạnh, nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã Phúc Lộc bị thu hẹp. Để giúp người dân ổn định cuộc sống, bên cạnh khuyến khích người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã chú trọng tuyên truyền, vận động người dân tham gia các dự án chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa có sự hỗ trợ của tỉnh và thành phố.
Theo đó, tính đến nay, xã đang duy trì gần 40 cơ sở chăn nuôi hàng hóa gia súc, gia cầm. Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Phát huy lợi thế đất vườn rộng, gia đình ông Phạm Văn Hường ở thôn 4, xã Phúc Lộc đã dành diện tích đất vườn gần 600 m2 để xây dựng 4 chuồng trại chăn nuôi gà theo chính sách hỗ trợ của tỉnh với quy mô 1.000 con; đồng thời, kết hợp nuôi 5 lợn nái và trên 30 con lợn thịt.
Hàng năm, từ phát triển chăn nuôi, trừ chi phí, gia đình thu lãi gần một trăm triệu đồng. Phát triển chăn nuôi không chỉ giải quyết việc làm mà còn giúp gia đình ông nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tuy nhiên, năm qua, do giá cả thị trường biến động, giá lợn hơi xuống thấp ở mức từ 28.000 - 30.000 đồng/kg nên chăn nuôi gia đình ông gặp không ít khó khăn, tính riêng đàn lợn xuất bán trong năm 2016 thua lỗ trên 13 triệu đồng, đàn gà chỉ hòa vốn.
Song xác định lấy chăn nuôi làm “nghề tay phải”, ngay sau tết, khi giá gà thịt và lợn hơi trên thị trường bắt đầu nhích lên, gia đình ông lại tiếp tục vệ sinh chuồng trại và tái đàn.
Ông Hường cho biết: “Nông dân chúng tôi đã đầu tư chuồng trại rồi thì sẽ tiếp tục duy trì chăn nuôi. Hiện nay, chăn nuôi vẫn mang tính tự phát, chưa có sự liên kết chặt chẽ, khi thấy lợi nhuận cao thì phát triển ồ ạt, khi thua lỗ lại bỏ, thiếu tính định hướng. Vì vậy, thời gian tới, tôi sẽ tìm hiểu thị trường, liên kết phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi, hạn chế thấp nhất rủi ro”.
Không chỉ giá lợn hơi giảm mạnh mà giá gà thịt cũng giảm đáng kể. Nhiều hộ chăn nuôi gà không có lãi. Nếu như trước đây, bình quân mỗi con gà trừ chi phí người dân thu lãi khoảng gần 20.000 đồng thì nay do giá cả thị trường biến động, chỉ thu lãi được một nửa, thậm chí hòa vốn.
Anh Hà Văn Lộc ở thôn 4, xã Phúc Lộc chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất với người nuôi gà chúng tôi vẫn là thị trường tiêu thụ. Thành phố, tỉnh đã hỗ trợ vốn để người dân đầu tư chuồng trại, con giống và tham gia tập huấn kỹ thuật, bước đầu như vậy rất thuận lợi. Tuy nhiên, trong chăn nuôi, mình chấp nhận có lúc lãi ít, lúc lãi nhiều, thậm chí hòa vốn. Thời gian này, tôi chăn nuôi ở quy mô nhỏ hơn. Trước kia, gia đình thường xuất chuồng 600 con gà/tháng, giờ kéo dài thời gian chăm sóc và bán dần”.
Hướng đến phát triển nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế đô thị và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2012 - 2016, thành phố Yên Bái đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo phương pháp bán công nghiệp và hàng hóa chất lượng cao, tạo động lực giúp người dân nâng cao thu nhập, làm giàu bền vững. Tính từ năm 2012 đến hết năm 2016, thành phố Yên Bái đã triển khai hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi 411 cơ sở hàng hóa với số vốn hỗ trợ 5,2 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, các chính sách hỗ trợ của tỉnh, quy định hỗ trợ của thành phố đã đáp ứng nguyện vọng của người dân, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương nên số lượng hộ tham gia rất lớn.
Đặc biệt, mô hình nuôi lợn kết hợp (31 con lợn thịt và 5 con lợn nái), mô hình nuôi thỏ, nhất là mô hình nuôi gà 300 con/lứa có mức đầu tư thấp phù hợp với mọi đối tượng, góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, bước đầu hình thành vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa, tạo thêm việc làm thường xuyên cho mỗi hộ từ 1 - 2 lao động.
Các hộ thực hiện đều đạt hiệu quả kinh tế cao, như: cơ sở chăn nuôi lợn thịt thu nhập bình quân 90 triệu đồng/năm/cơ sở; cơ sở chăn nuôi lợn nái thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm/cơ sở; cơ sở chăn nuôi lợn nái kết hợp với lợn thịt thu nhập bình quân 80 triệu đồng/năm/cơ sở; cơ sở chăn nuôi gà quy mô 1.000 con/lứa thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm/cơ sở; cơ sở chăn nuôi gà quy mô 300 con/lứa thu nhập bình quân 15 triệu đồng/năm/cơ sở; cơ sở chăn nuôi thỏ thu nhập bình quân 15 triệu đồng/năm/cơ sở.
Để duy trì chăn nuôi bền vững, tạo sự liên kết, hạn chế rủi ro về thị trường tiêu thụ cho người chăn nuôi, hiện nay, thành phố đang tập trung xây dựng Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025, trong đó có các cơ chế hỗ trợ chăn nuôi.
Bà Trần Thị Nguyệt - Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Yên Bái cho biết: Việc đẩy mạnh chăn nuôi hàng hóa sẽ góp phần làm tăng tỷ trọng của ngành này trong giá trị sản xuất nông nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, tạo tiền đề để nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung theo hướng trang trại, gia trại. Thành phố Yên Bái tiếp tục khuyến khích người dân duy trì bền vững, phát huy hiệu quả của trên 600 cơ sở chăn nuôi hàng hóa đã hình thành trên địa bàn.
Ngoài ra, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lớn thực hiện quy trình chăn nuôi VietGAP và các quy trình tương đương; khuyến khích người chăn nuôi tăng cường liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, không để tình trạng phát triển ồ ạt thiếu tính bền vững - bà Nguyệt bổ sung thông tin.
Những chính sách cụ thể và thiết thực cùng sự tâm huyết của người chăn nuôi sẽ tạo ra động lực mới, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi thành phố Yên Bái phát triển, nâng cao thu nhập và làm giàu bền vững cho người dân.
Lê Hương - Thanh Nghị
Các tin khác
YBĐT - Huyện Lục Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai các biện pháp tiêm phòng bảo vệ đàn vật nuôi. Chủ động hơn, các cơ quan chức năng của huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.
YBĐT - Việc triển khai các dự án đầu tư của Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH khẳng định chủ trương nhất quán và quyết tâm chính trị rất cao của cấp ủy, chính quyền địa phương về đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.
YBĐT - Ngày 15/3, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch hội đồng thẩm định đã chủ trì Hội nghị thẩm định điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Văn Yên và huyện Trạm Tấu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) năm 2017 với chủ đề "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng” đã chính thức được phát động.