Thủ tướng: Quyết tâm xây dựng 1.000 km đường cao tốc trong nhiệm kỳ
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/3/2017 | 9:24:17 AM
Thủ tướng nêu rõ: Không vì thiếu vốn mà tiếp tục để tồn tại nút thắt về hạ tầng, cùng với đó phấn đấu có 1.000 km đường cao tốc trong nhiệm kỳ này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bộ Giao thông Vận tải.
|
Sáng 16/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Bộ Giao thông Vận tải nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ.
Trước những khó khăn về vốn phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu để hình thành một thể chế mới về PPP, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, không vì thiếu vốn mà tiếp tục để tồn tại nút thắt về hạ tầng. Cùng với đó là phấn đấu có 1.000 km đường cao tốc trong nhiệm kỳ này.
Dựa vào nguồn lực xã hội để phát triển giao thông vận tải
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, nút thắt quan trọng nhất là về vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn là gần 953.000 tỉ đồng, nhưng theo thông báo dự kiến kế hoạch vốn giai đoạn này mà Bộ được phân bổ chỉ mới trên 209.000 tỉ đồng, và số vốn thực tế được thông báo phân bổ là trên 188.000 tỉ đồng, chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu vốn từ ngân sách Nhà nước.
Đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không cho biết, nhu cầu vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng các cảng hàng không từ nay đến năm 2020 rất lớn, bình quân khoảng 5.500 tỉ đồng/năm. Riêng sân bay Tân Sơn Nhất cần nhu cầu vốn đầu tư lên đến 4.000 tỉ đồng và có thể tăng lên 100 triệu hành khách vào năm 2020. Do đó cần có nguồn lực thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu này.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải đang quản lý lĩnh vực nóng, đồng thời là một nút thắt của nền kinh tế hiện nay. Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, lĩnh vực này đang thiếu vốn nghiêm trọng.
Trước thực tế đó, Thủ tướng nêu rõ, phải tìm mọi biện pháp phát triển ngành Giao thông vận tải, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không vì khó khăn về kinh phí mà tiếp tục để tồn tại nút thắt cơ sở hạ tầng. Nêu lên hiệu quả thực tế của việc xã hội hóa, khi nhiều công ty ô tô tư nhân ra đời thay vì chỉ có công ty quốc doanh như trước đây; hay như trước đây mua máy bay Thủ tướng phải bảo lãnh, thì nay nay tư nhân hoàn toàn tự chủ, Thủ tướng chỉ đạo phải xã hội hóa nguồn lực để thu hút đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải.
“Phải dựa vào dân, dựa vào nguồn lực xã hội để phát triển giao thông vận tải. Vì vậy xã hội hóa nguồn lực mọi khâu, mọi cách; vốn Nhà nước chỉ có thể là vốn mồi, Nhà nước hỗ trợ, tạo cơ chế, thể chế, điều kiện để xã hội hóa cơ sở hạ tầng giao thông vận tải thành công. Cho nên các đồng chí phải biết vận dụng xã hội hóa này. Phải dựa và xã hội và những định chế tài chính quốc tế, tất cả định chế đó chúng ta phải vận dụng để có nguồn lực. Các đồng chí phải mở tầm nhìn này ra một cách quyết liệt hơn trong xã hội hóa nguồn lực”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ mọi thể chế, sửa gấp, bãi bỏ các thể chế cản trở sự phát triển; kể cả các quy định của Bộ, của Chính phủ, để thu hút đầu tư theo hình thức công tư PPP hoặc các nguồn vốn khác đi vào ngành Giao thông vận tải và Việt Nam. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện chiến lược giao thông vận tải và Nghị quyết của Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, làm cơ sở thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng nêu thực tế, không có nước nào như Việt Nam, đường bộ trở thành kênh vận chuyển hàng hóa chính, khiến không kết cấu hạ tầng nào chịu nổi, trong khi nhiều nước đường bộ chủ yếu dùng để đi du lịch. Do đó, cần chú trọng vận tải đa phương thức, chú trọng một số thế mạnh một số khu vực như ven biển, hệ thống giao thông thủy ở Tây Nam Bộ… bằng các chính sách vận tải có tính cạnh tranh. Nếu cứ giá vé máy bay bằng giá vé đường sắt thì ai cũng sẽ đi máy bay, trong khi lại chưa có thể chế để điều chỉnh thực tế này.
Trong phát triển phải đảm bảo chất lượng công trình giao thông, phải có cải cách tốt hơn, không để chất lượng công trình giao thông như chúng ta đã vấp phải trong suốt những năm qua.
“Vì sao họ xúm vào làm đường rất nhiều, bởi vì tôi nghe nói làm đường là lãi nhất, vì vào công trình mấy chục phần trăm mà thôi. Cho nên định mức đơn giá như vậy nhưng thực chất công trình vào bao nhiêu? Chúng ta thấy một điều hệ thống giao thông của chúng ta nói chung là chất lượng yếu kém, cần phải được xử lý giải quyết trong thời gian đến để với định mức đơn giá đó thì chất lượng phải tốt hơn. Chúng ta phải nghĩ việc này vì tiền bạc của nhân dân, thất thoát của nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ.
Trong xã hội hóa nguồn lực, Thủ tướng nêu rõ, vốn Nhà nước ít nên chỉ là vốn mồi. Cùng với đó là “liệu cơm, gắp mắm”, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư để tăng hiệu quả sử dụng vốn. Các cấp, các ngành và địa phương phải tìm nguồn lực bổ sung vốn, kể cả thông qua cổ phần hóa, chuyển nhượng hạ tầng.
Quyết liệt tình trạng khai thác phép trái phép
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng nêu rõ, vì sao Thủ tướng đưa ra vấn đề phải phát triển đường ven biển, vì đó có thể xã hội hóa được, đất đai còn rộng lớn, và thứ hai người hưởng lợi đó rất đông, kéo theo được việc giảm tải cho quốc lộ 1, từ đó tai nạn giao thông giảm xuống.
Thủ tướng cũng yêu cầu trong việc quyết định những chủ trương phát triển giao thông thì phải làm rõ trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng các Bộ và người đứng đầu các đơn vị liên quan. “Bây giờ kiểm định, ai chịu trách nhiệm, hệ thống có chịu trách nhiệm không, tại sao không chịu trách nhiệm về xe xấu như thế, xe vi phạm tiêu chuẩn Euro như vậy, có chấm dứt tình trạng đó không? Ai chịu trách nhiệm quá tải trên đường, phải có người chịu trách nhiệm chứ?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, chủ động xây dựng cơ chế đặc thù, trình Thủ tướng một số cơ chế về phát triển đường cao tốc, về hình thức hợp tác công – tư (PPP) và thể chế điều hành các công việc có liên quan. Bộ cũng tìm nguồn lực ODA để làm hướng ra về thiếu vốn, bởi một đồng vốn mồi của Việt Nam có thể thu hút được 3-5 đồng vốn ODA.
Bộ cũng phải xử lý gấp các vấn đề nóng thuộc lĩnh vực quản lý. Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phải trực tiếp bàn với Bộ Tài chính xung quanh vấn đề xử phạt an toàn giao thông, tránh tình trạng nói mãi nhưng không giải quyết được.
Thủ tướng cũng chỉ đạo xử lý quyết liệt tình trạng khai thác cát trái phép, đây cũng là vấn đề nóng báo chí nêu rất nhiều.
“Tôi vừa ký văn bản dừng lại ở Bắc Ninh. Quyền lợi làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy. Lạm dụng giấy phép cấp, mà lọt giấy phép cấp từ trước năm 2014. Bây giờ giải quyết sao trong chuyện này? Cả hệ thống chính trị, cả bộ máy đồ sộ của chúng ta không làm nổi chuyện chống cát tặc trên dòng sông sao? Các Thứ trưởng phải làm việc với Chủ tịch tỉnh quán triệt vấn đề này, phải đưa thành vấn đề trong hội nghị Chính phủ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh hơn 200.000 tỉ đồng vốn đầu tư từ ngân sách cho giao thông là rất lớn, nếu giảm được chi phí sẽ tiết kiệm được một nguồn lực lớn, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải đưa ra định mức vốn đầu tư cho 1km đường giao thông mẫu, kể cả đường trải nhựa và đường làm bằng xi măng.
Đối với khó khăn của Bộ Giao thông Vận tải trong huy động vốn triển khai các dự án theo hình thức hợp tác công – tư (PPP), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung nghiên cứu thể chế về PPP để tháo gỡ. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan chức năng để hình thành một thể chế mới về PPP, trên tinh thần tháo gỡ nút thắt hiện nay.
Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam phải xã hội hóa một cách triệt để các nhà ga và một số hạ tầng khác. Nhà nước chỉ nắm một số hạng mục cần thiết và một số sân bay không thể cổ phần hóa được.
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Hiện tại, diện tích rau được công nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn của tỉnh đang có xu hướng ngày càng mở rộng; trong đó, nhiều vùng rau sạch đã có “tiếng” trên thị trường như: Tuy Lộc, Âu Lâu, Tân Thịnh, thành phố Yên Bái; Yên Hợp, Đại Phác, huyện Văn Yên; Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình...
YBĐT - Trong những năm qua, Chi cục Thủy sản tỉnh được sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã luôn phối hợp tốt với chính quyền các địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa cho biết, kể từ ngày 01/4, Bộ sẽ thực hiện công khai các trường hợp chậm báo cáo tình hình, kết quả giải quyết thông tin phản ánh về vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai đã gửi về địa phương giải quyết theo thẩm quyền của Bộ và của Tổng cục Quản lý đất đai.
Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa có Công văn số 257/TCDL-LH gửi sở du lịch, sở văn hóa- thể thao và du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, các khách sạn 3-5 sao thông báo tình hình dịch bệnh cúm gia cầm H7N9.