Phấn đấu thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/3/2017 | 2:17:32 PM

100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có 2.578 xã (chiếm 28,9%) đạt chuẩn nông thôn mới.

Xây dựng giao thông nông thôn ở Thái Bình.
Xây dựng giao thông nông thôn ở Thái Bình.

Sau 6 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/2/2017, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có 2.578 xã (chiếm 28,9%) đạt chuẩn nông thôn mới; còn 257 xã dưới 5 tiêu chí (2,88%). Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,47 tiêu chí/xã. Có 32 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Về kinh phí, trong năm 2016, cả nước đã huy động được khoảng 228.398 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó huy động từ các tổ chức tín dụng là lớn nhất, với 136.693 tỷ đồng, chiếm khoảng 59,7%. Do vậy, các địa phương đã chủ động và từng bước có giải pháp xử lý, khắc phục vấn đề nợ xây dựng cơ bản. Theo tổng hợp của 25 địa phương có số nợ lớn (trên 100 tỷ đồng vào thời điểm 31/1/2016), đến nay đã có 17/25 tỉnh giảm được số nợ với tổng mức giảm là 5.624 tỷ đồng, chiếm 36,8%. Tổng số nợ còn lại đến tháng 12/2016 khoảng 9.654 tỷ đồng.

Tuy chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là thách thức rất lớn trong bối cảnh những xã có điều kiện thuận lợi đã về đích trong giai đoạn 2011 - 2015. Đồng thời, yêu cầu về chất lượng thực hiện các tiêu chí của giai đoạn 2016 - 2020 cũng đòi hỏi cao hơn. Cơ chế huy động nguồn lực xã hội cho xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp chưa thực sự có bước đột phá.

Về cơ bản khung chính sách, pháp lý thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2016-2020 đã được ban hành, nhưng hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm, làm giảm tiến độ, gây lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện của các địa phương.

Chất lượng đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới chưa thực sự bền vững, nhất là tiêu chí môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn đang là vấn đề bức xúc của người dân nông thôn, đặc biệt là ở những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh và công nghiệp phát triển.

Để đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thì đến hết năm 2017, phấn đấu cả nước có khoảng 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 35 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân/xã cả nước tăng thêm 01 tiêu chí so với năm 2016; tỷ lệ số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn khoảng 20%, giảm số xã đạt dưới 05 tiêu chí xuống 150 xã.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cần thực hiện hiệu quả 11 nội dung thành phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó, chú trọng vào 4 nội dung chủ yếu là: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã (giao thông, điện, nước sạch, trường học các cấp, trạm y tế xã , nhà văn hóa và khu thể thao thôn), nhất là đối với những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn.

Thực hiện phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực; Từng bước tạo chuyển biến rõ nét về môi trường, vệ sinh, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ vững an ninh trật tự và nâng cao đời sống văn hóa trên địa bàn nông thôn.

Nghiên cứu sửa đổi chính sách về đất đai để khuyến khích tích tụ ruộng đất, tiến hành cơ giới hóa, tạo điều kiện sản xuất hàng hóa lớn; có chính sách đột phá về khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ mạnh hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông thôn, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp phát triển;

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó tập trung triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, trước hết tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, phát triển các hợp tác xã kiểu mới, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.

Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, nhất là trong sản xuất, chế biến nông sản tạo nhiều giá trị gia tăng; tăng cường gắn kết "4 nhà" (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học) trong sản xuất nông nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Tăng sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, tạo việc làm ổn định, lâu dài cho lao động nông thôn, đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và phù hợp với đề án xây dựng nông thôn mới của xã, huyện.

Tập trung cải thiện chất lượng môi trường nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế và xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục phát huy vai trò phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới. Định kỳ, tổ chức điều tra về sự hài lòng của người dân đối với tiến độ và kết quả thực hiện xây dựng thôn mới trên địa bàn…

Tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện chương trình thông qua các hình thức lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn. Về nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngoài nguồn vốn đã được Quốc hội bố trí, trong quá trình thực hiện, Chính phủ sẽ tìm nguồn lực khác, kể cả vốn vay quốc tế để tăng thêm cho Chương trình; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

Tăng cường các hình thức hợp tác công - tư và xã hội hóa để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông nông thôn, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao. Có giải pháp khắc phục, hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định trên địa bàn nông thôn, công khai các khoản đóng góp của dân theo nguyên tắc tự nguyện và do Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua.

Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới, trong đó, chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới từ Trung ương đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức. Đẩy mạnh công tác truyền thông, trong đó thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng các mô hình này…

(Theo dangcongsan.vn)

Các tin khác

Chiều 23/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Quyết định số 902/QĐ-BNN-TY về việc tạm ngừng nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ Brazil.

Văn phòng Tổng đại lý AIA Việt Nam tại Yên Bái, địa chỉ số 55, tổ 45 phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.

YBĐT - AIA Việt Nam là thành viên của Tập đoàn AIA - Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ độc lập, có nguồn gốc châu Á lớn nhất thế giới được niêm yết. Được thành lập vào năm 2000, với mục tiêu bảo vệ sự phồn thịnh và an toàn tài chính cho người dân Việt Nam, AIA Việt Nam hiện đang là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu và là thương hiệu được khách hàng và công chúng tin cậy.

Dịp Giỗ Tổ và lễ 30-4, 1-5 ngành đường sắt tăng 32 đôi tàu phục hành khách.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết sẽ tổ chức chạy thêm 32 đôi tàu khách trên các tuyến trong các ngày 5, 6-4 và từ ngày 27-4 đến ngày 2-5.

Một cây cầu đang được xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Bloomberg, Việt Nam có thể là một trong những nền kinh tế nhỏ nhất ở châu Á nhưng đây lại là nước đứng thứ 2 trong cuộc đua cơ sở hạ tầng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục