Cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp ở Yên Bái: Cần có cơ chế đặc thù
- Cập nhật: Thứ ba, 28/3/2017 | 1:47:56 PM
YBĐT - Hiện toàn tỉnh Yên Bái có 4 công ty lâm nghiệp và 3 lâm trường.
Năm 2015, Quốc hội khóa XIII đã tiến hành giám sát về thực trạng hoạt động của các công ty lâm nghiệp ở Yên Bái. Ảnh Quang Tuấn
|
Thực hiện phương án, kế hoạch sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp, tỉnh đã và đang chỉ đạo cổ phần hoá 4 công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên lâm nghiệp; giải thể 2 lâm trường và sáp nhập một lâm trường vào ban quản lý rừng phòng hộ.
Thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị, tỉnh Yên Bái đã chuyển đổi, sắp xếp 4 lâm trường quốc doanh thành 4 công ty TNHH một thành viên gồm: Yên Bình, Thác Bà, Việt Hưng, Ngòi Lao; 3 lâm trường gồm: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn do sản xuất, kinh doanh thua lỗ, chưa giải quyết được vấn đề tài chính nên chưa tiến hành sắp xếp; Lâm trường Púng Luông và Trạm Tấu chuyển thành ban quản lý rừng phòng hộ.
Sau chuyển đổi, tình hình sản xuất, kinh doanh của các lâm trường còn hết sức khó khăn; năng lực quản lý còn nhiều yếu kém, công tác quản lý không chặt chẽ, đất đai bị lấn chiếm nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm. Đồng thời, việc sử dụng vốn và tài sản ở một số doanh nghiệp chưa chặt chẽ, số vốn bị chiếm dụng ở mức cao, tài sản bị thiếu hụt, chờ xử lý luôn rất lớn.
Lâm trường Lục Yên được giao cho thuê hơn 1.540 ha đất, trong đó diện tích đất đang quản lý và sử dụng là 307,33 ha, diện tích đất không quản lý và sử dụng được là 1.214,4 ha.
Từ năm 2013 đến nay, Lâm trường đã ngừng hoạt động. Số nợ phải trả tính đến thời điểm ngày 31/12/2014 là 21 tỷ đồng. Nếu tính đủ các khoản nợ lãi vay ngân hàng và khoản nợ bảo hiểm xã hội thì số nợ phải trả trên 32 tỷ đồng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với Lâm trường Văn Yên.
Gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đơn vị này nhiều năm thua lỗ liên tục, không có khả năng thanh toán các khoản nợ, không vay được vốn để đầu tư trồng rừng, đến năm 2015, Lâm trường đã ngừng hoạt động.
Thực hiện phương án tổng thể sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, các công ty lâm nghiệp, lâm trường thực hiện; tiến hành rà soát thực trạng hoạt động của các công ty lâm nghiệp, lâm trường.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án sử dụng đất để làm cơ sở xây dựng phương án cổ phần hóa đối với các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp: Ngòi Lao, Việt Hưng, Thác Bà, Yên Bình.
Hiện, các công ty lâm nghiệp đã xây dựng phương án cổ phần hoá. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các công ty chưa xác định được mức vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần bán ra ngoài. Đặc biệt, việc tìm đối tác chiến lược tại các công ty trên cũng gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân do các công ty lâm nghiệp đều làm ăn kém hiệu quả. Khi tiến hành cổ phần hoá, các công ty lâm nghiệp không được phép tính giá trị diện tích đất lâm nghiệp đang quản lý vào giá trị doanh nghiệp, nên phần vốn góp sau cổ phần hóa rất nhỏ.
Chính vì vậy, vai trò của đại diện phần vốn góp của các công ty này sau cổ phần hóa thường không cao, trong khi bên hưởng lợi phần diện tích đất lại chính là đối tác góp vốn.
Để giải quyết vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt mức vốn điều lệ và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để làm cơ sở hướng dẫn các công ty hoàn thiện phương án cổ phần hoá. Cùng với việc cổ phần hoá các công ty lâm nghiệp, việc giải thể các lâm trường làm ăn thua lỗ đã ngừng hoạt động cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, theo quy định của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư lại không có hình thức phá sản công ty nông, lâm nghiệp. Hiện nay, một số công ty phải giải thể đủ điều kiện phá sản nhưng không thực hiện được vì các khoản công nợ của các công ty này lớn, chủ sở hữu không có khả năng giải quyết. Nếu thực hiện giải thể cần có cơ chế xử lý nợ để giảm gánh nặng cho địa phương.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc như trên, Chính phủ cần ban hành thêm cơ chế đặc thù cho các công ty lâm nghiệp.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý cho đổi mới, sắp xếp hoạt động tại các công ty nông lâm nghiệp; nhanh chóng giải quyết những vướng mắc về đất đai; có chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn. Ngoài ra, để xử lý các lâm trường yếu kém đã ngừng hoạt động, Chính phủ cần có Nghị định hướng dẫn quy định về hình thức phá sản và hình thức sáp nhập, hợp nhất các công ty nông lâm nghiệp.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Năm 2016, thu ngân sách trên địa bàn huyện Mù Cang Chải về đích trước thời hạn. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các nhà máy thủy điện. Năm 2017, các nhà máy thủy điện trên địa bàn sẽ đóng góp cho thu ngân sách địa phương khoảng 51,3 tỷ đồng.
Chỉ riêng trong tháng 3/2017 đã đã có hơn 12.000 doanh nghiệp thành lập mới. Đây là mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tạm dừng cấp mới giấy phép các dự án xã hội hóa tận thu cát nhiễm mặn. Đồng thời, mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc” tại các địa phương (từ nay đến ngày 1-6) để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác cát, sỏi.
YBĐT - Thực hện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế, Tổng cục Thuế đã xây dựng kế hoạch hành động gồm 34 nhóm giải pháp với 157 đầu việc cụ thể được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương.