Đẩy mạnh chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/4/2017 | 8:00:40 AM
YBĐT - Hai hình thức liên kết đặc trưng, đó là liên kết theo đường đi của sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất - kinh doanh (liên kết ngang).
Hoạt động chăn nuôi ở Yên Bái chưa tính đến nhu cầu thị trường.
|
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi, nên chăn nuôi những năm gần đây phát triển mạnh, đặc biệt là chăn nuôi lợn, gia cầm.
Theo số liệu thống kê năm 2016, toàn tỉnh có 549.772 con lợn, 4,48 triệu con gia cầm và cho sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn lợn đạt 34.405 tấn; đàn gia cầm đạt 4.834 tấn. Có 13 trại nuôi lợn quy mô lớn, với số lợn nái từ 300 con trở lên, lợn thịt từ 200 con trở lên; trong đó, có 9 trại nuôi từ 1.200 con lợn thịt trở lên; có 44 trại nuôi gà lông màu quy mô từ 1.500 con trở lên.
Tuy nhiên, vấn đề mà người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp phải khó khăn, đó là, khâu tiêu thụ sản phẩm chủ yếu qua khâu trung gian nên hay bị ép giá, giá cả không ổn định, vẫn có tình trạng được mùa rớt giá nên gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Để từng bước khắc phục tình trạng này thì việc tham gia vào chuỗi liên kết là một hướng đi đúng đắn, an toàn, bền vững cho người chăn nuôi. Liên kết “bốn nhà” (nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý) là yếu tố then chốt trong tổ chức sản xuất, chăn nuôi nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung.
Hiện nay, trong chăn nuôi có hai hình thức liên kết đặc trưng, đó là liên kết theo đường đi của sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất - kinh doanh (liên kết ngang). Doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đảm bảo thị trường tiêu thụ trong liên kết dọc. Người chăn nuôi được hỗ trợ một phần chi phí khi sản xuất.
Trong mô hình liên kết ngang, người sản xuất và đơn vị kinh doanh, điển hình là các hợp tác xã, tổ hợp tác… liên kết lại, hỗ trợ nhau sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Trong mô hình liên kết này, các đơn vị kinh doanh đảm nhận cung cấp gồm cả đầu vào, đầu ra sản phẩm cho các hộ xã viên như: vật tư, thức ăn chăn nuôi… Đồng thời, làm cầu nối tiêu thụ sản phẩm như liên kết giữa người chăn nuôi với người chăn nuôi để thành tổ chức liên kết chi hội, hiệp hội, hội chăn nuôi tiêu thụ, tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi…
Từ đó, xây dựng chuỗi chăn nuôi, tiêu thụ hoặc để thành tổ chức có đủ sức mạnh liên kết với các doanh nghiệp. Người giết mổ và tiêu thụ sản phẩm tại chợ truyền thống ở địa phương liên kết với nhau để tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế có sự ràng buộc chặt chẽ về quyền lợi và trách nhiệm của các bên.
Các mô hình liên kết đã mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi, nên đang có chiều hướng phát triển mạnh. Các tỉnh, thành phố như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội… đã có hàng loạt các trang trại liên kết với các công tylớn như: CP Group, RYD, Japacomfeed…
Các mô hình này đã bước đầu hình thành được các chuỗi liên kết từ khâu cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tới khâu giết mổ, chế biến, tiêu thụ với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Trong một số mô hình liên kết, các thành viên còn được hỗ trợ xây dựng và chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, cơ sở an toàn giết mổ đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm; nhờ đó, nâng cao được giá trị sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi, đảm bảo được đầu ra, giá cả ổn định.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, việc liên kết trong chăn nuôi đã hình thành. Toàn tỉnh có 7 chuỗi liên kết sản xuất, chăn nuôi, điển hình như doanh nghiệp của ông Lê Thanh Tuấn tại địa chỉ tổ 17, thị trấn Yên Bình được thành lập từ năm 2006.
Doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các hộ chăn nuôi gia cầm, cung ứng con giống, một phần thức ăn, hướng dẫn và chịu trách nhiệm về kỹ thuật chăn nuôi và quan trọng là bao tiêu sản phẩm cho các hội viên; tháng 7 năm 2016, UBND xã Yên Phú, huyện Văn Yên đứng ra thành lập hợp tác xã, do ông Vũ Văn Thăng phụ trách gồm 30 hộ chăn nuôi lợn với quy mô 1.200 con...
Nhờ việc liên kết trong chăn nuôi, nên các hộ chăn nuôi được cung cấp con giống, thức ăn đảm bảo chất lượng, tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, nên giảm rủi ro do dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hoàn toàn yên tâm về thị trường, không lo giá thị trường lên xuống như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, quy mô các chuỗi liên kết này vẫn còn nhỏ, tập trung chủ yếu ở vùng thấp nên chưa thật sự tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong ngành chăn nuôi. Nguyên nhân được kể đến, là do chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn mang tính nhỏ lẻ là chủ yếu; người chăn nuôi còn thiếu thông tin, chưa hiểu sâu về việc tham gia vào chuỗi sản xuất, chưa thấy hiệu quả của mô hình liên kết, chưa có sự kết nối mạnh mẽ với nhau. Về phía các doanh nghiệp, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các hộ chăn nuôi, còn thiếu sự tin tưởng với người chăn nuôi.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy được chuỗi chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm phát triển, cần có chính sách hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi; có chính sách hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm để những mối liên kết này tăng hiệu quả và sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng các mô hình cho nông dân học tập.
Đồng thời, hỗ trợ xử lý chất thải chăn nuôi, phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm và quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung đảm bảo cơ sở hạ tầng để có thể phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp, an toàn với môi trường, xóa bỏ tình trạng nhỏ lẻ, manh mún hiện nay.
Cao Thị Mỹ Hạnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái)
Các tin khác
Thủ tướng đồng ý phương án Nhà nước hỗ trợ 55 ngàn tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện các dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
YBĐT - Diện tích rừng sản xuất của Xuân Tầm có trên 4.514 ha thì quế chiếm gần 3.400 ha và cây quế có mặt ở 20/20 thôn, bản của xã.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.