Đại Lịch giữ vững chất lượng tiêu chí nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/5/2017 | 1:50:17 PM

YBĐT - Tháng 9/2016, Đại Lịch trở thành một trong ba xã đầu tiên của huyện Văn Chấn hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đây là niềm vui của xã Anh hùng trong kháng chiến, khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong thời kỳ mới. Đồng thời, đặt ra những đòi hỏi để địa phương giữ vững và nâng cao các tiêu chí NTM trong thời gian tiếp theo.

Trường Mầm non của xã Đại Lịch được đầu tư nâng cấp, xây dựng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn.
Trường Mầm non của xã Đại Lịch được đầu tư nâng cấp, xây dựng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên địa bàn.

Năm 2011, xã Đại Lịch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM khi mới chỉ có 4/19 tiêu chí cập chuẩn. Việc phấn đấu thực hiện 15 tiêu chí còn lại được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng bộ, nhân dân trong xã tập trung thực hiện và đã đạt được bằng sự chung sức, đồng lòng với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”.

Sau 5 năm, xã hoàn thành cứng hóa trên 30 km đường liên thôn; kiên cố hóa 26,4 km kênh mương nội đồng. Tất cả 15 thôn đều có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt và sản xuất; chất lượng giáo dục được nâng cao, hoàn thành phổ cập tiểu học và phổ cập trung học đúng độ tuổi và duy trì phổ cập mầm non 5 tuổi.

Các nhà văn hóa thôn đều đạt chuẩn, trạm y tế được xây dựng mới; trên địa bàn không còn nhà ở tạm, nhà dột nát. Đặc biệt, 95,7% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân đạt 22 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 9,85%... 

Tổng số tiền XDNTM đạt gần 57 tỷ đồng, trong đó, người dân đóng góp công, của nhân dân đạt 10 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,5%, sự hỗ trợ của các tổ chức kinh tế đạt gần 20 tỷ đồng, bằng gần 35%. Kết quả ấy là sự cố gắng, niềm tự hào của khoảng 1.180 hộ với gần 4.550 nhân khẩu là người Tày, Kinh, Dao trên địa bàn xã.

Đảng bộ, chính quyền xã cũng đã rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện XDNTM, đó là: thông qua tuyên truyền, vận động phải làm cho được việc thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân, để quan điểm “dựa vào nội lực là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ” được thấm vào mỗi người dân.

Cùng đó là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm khơi dậy nguồn lực tại chỗ của người dân và cộng đồng trong XDNTM, phát huy tối đã Quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch các nguồn lực; để dân tự bàn, tự quyết định, tự làm, chính quyền định hướng và chỉ đạo; lấy tinh thần thi đua của 15 thôn làm động lực XDNTM, chú trọng việc sơ kết, tổng kết, khen thưởng; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc ở các thôn để có đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Rút ra bài học kinh nghiệm, nên sau khi hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn xã NTM, cấp ủy, chính quyền xã Đại Lịch đã chú trọng việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Ông Phạm Tuấn Anh - Chủ tịch UBND xã trao đổi: “Chúng tôi xác định, ra mắt xã NTM chỉ là kết quả bước đầu. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc sẽ phát huy truyền thống thi đua yêu nước, trên cơ sở tiềm năng, nguồn lực của địa phương để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, quan tâm bảo vệ môi trường, đẩy mạnh sản xuất nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân”.

Cùng với hoàn thiện các tiêu chí về y tế, trường học và đang tiếp tục hoàn thành việc xây dựng chợ nông thôn (tiêu chí không bắt buộc), một vấn đề nữa mà xã Đại Lịch quan tâm, đó là bảo đảm việc giữ vệ sinh môi trường nông thôn. Đến nay, cơ bản các hộ đều xây dựng được hố rác gia đình để tiêu hủy hoặc đốt rác. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải tập trung của xã còn những khó khăn do chưa có kinh phí xây dựng.

Cùng đó, lượng rác ở khu vực trung tâm xã ngày càng tăng lên, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường. Xã chỉ đạo các đoàn thể và các thôn tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện tốt việc xử lý rác tại gia đình, không thả rác nơi công cộng.

Tất cả 15 nhà văn hóa thôn được bà con thường xuyên giữ gìn, trong đó, nhân dân đóng góp 60 triệu đồng, cộng với một phần kinh phí của xã giành ra để tu sửa 3 nhà văn hóa, đảm bảo cho cộng đồng có nơi hội họp và sinh hoạt văn nghệ, thể thao...

Về giao thông, đi đôi với hoàn thành cứng hóa hệ thông đường liên thôn và đường vào khu dân cư, xã tiếp tục vận động người dân rải bê tông đường ngõ vào các hộ dân, giúp cho việc đi lại sạch sẽ và phục vụ sản xuất thuận tiện trong cả ngày nắng ngày mưa. Trong năm 2017, xã tiếp tục vận động nhân dân mở mới và cứng hóa khoảng 6 km đường giao thông nông thôn.

Chỉ riêng trong quý I, đã mở thêm 2 km vào khu vực sản xuất lâm nghiệp ở thôn 5 và thôn 14.
Trong phát triển kinh tế, xã chỉ đạo nhân dân triển khai gieo cấy và chăm sóc tốt 217 ha lúa chiêm, trồng cây vụ xuân; tập trung chăm sóc 297 ha chè, phấn đấu sản lượng chè búp tươi đạt 3.500 tấn trở lên.

Cùng với tổ chức trồng rừng và cây ăn quả theo kế hoạch, xã đã động viên người dân tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình trồng chanh tứ thời, thanh long ruột đỏ, nuôi thỏ và phát triển chăn nuôi trâu, bò.

Cùng với đó, trên địa bàn xã có sự hoạt động của 3 hợp tác xã, 2 công ty trách nhiệm hữu hạn, 3 doanh nghiệp tư nhân và 54 hộ sản xuất, kinh doanh, là điều kiện thuận lợi để tạo việc làm và phát triển kinh tế, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân đạt 26 triệu đồng/người/năm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giữ vững và nâng cao các tiêu chí XDNTM trong thời gian tiếp theo.

Quang Tuấn

Các tin khác
Nông dân trong tỉnh đang tích cực, chủ động theo dõi diễn biến sâu bệnh hại lúa để bảo vệ sản xuất.

YBĐT - Vụ xuân năm 2017, nông dân toàn tỉnh đưa vào gieo cấy trên 19.790 ha lúa với cơ cấu lúa lai khoảng 55 - 60%, lúa thuần chất lượng cao khoảng 35 - 40%, còn lại là các loại giống khác; năng suất dự kiến đạt 52,8tạ/ha, sản lượng 99.260 tấn.

Ngày 6-5, Ngân hàng Thế giới (WB) đã duyệt khoản tín dụng trị giá gần 315 triệu USD dành cho Việt Nam. Trong đó, 236 triệu USD sẽ dành cho dự án Bền vững Môi trường các thành phố ven biển Việt Nam, gồm 190 triệu USD từ nguồn Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) và 46 triệu USD từ nguồn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD).

Các sản phẩm thép nhập khẩu từ Nhật Bản và 7 nền kinh tế khác được tiêu thụ tại thị trường Mỹ sắp bị áp thuế chống bán phá giá.

Ngày 28/4/2017, UBND tỉnh Yên Bái đã có công văn về việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục