Văn Chấn: Chè vào vụ mới
- Cập nhật: Thứ tư, 24/5/2017 | 10:36:47 AM
YênBái - YBĐT - Tháng 5, là thời điểm chè bước vào lứa thu hái đầu tiên của niên vụ chè mới. Trên những nương chè từ vùng thấp đến vùng cao của huyện Văn Chấn, người dân đang khẩn trương thu hái chè bán cho các cơ sở thu mua chế biến.
Nông dân thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ thu hái chè xuân.
|
Ông Lưu Hồng Sơn, tổ dân phố 2B, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ có gần 3 ha chè và nhờ biết cách chăm sóc, cải tạo tốt nên qua thu hoạch lứa chè xuân, ông thu gần 12 tấn chè búp tươi/ha. Ngoài ra, ông còn tham gia nhóm hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tự đầu tư hệ thống đường bê tông vào tận nương chè để tiện vận chuyển. Với 3 ha chè, bình quân mỗi năm gia đình ông Sơn thu về khoảng 150 triệu đồng.
Ông cho biết: “Trồng cây gì cũng vậy, quan trọng là mình phải tâm huyết, đầu tư chăm sóc tốt thì mới có thu nhập. Lợi thế của gia đình tôi là chăn nuôi lợn, trâu, bò nên có nhiều phân chuồng để chăm bón. Nhờ đó, chè luôn xanh tốt, năng suất hơn những hộ khác rất nhiều. Với diện tích này, nếu không biết chăm sóc, đầu tư tốt thì mỗi héc-ta một lứa cao lắm cũng chỉ 7 tấn búp là cùng”.
Anh Phạm Hữu Long, tổ dân phố 1B cũng có 2,5 ha chè và nhờ đầu tư thâm canh tốt nên cuộc sống khá lên nhiều. Anh Long cho biết: “Năm nay, cơ bản mưa gió thuận hòa nên chè phát triển tốt. Để có lứa chè xuân đầu tiên cho năng suất cao, năm nào gia đình tôi cũng ủ phân chuồng để bón, hy hữu lắm mới dùng phân hóa học, bởi loại phân này làm cây bốc nhanh, nhưng chè dễ thoái hóa. Hơn nữa, sử dụng phân hữu cơ tốt và an toàn cho môi trường, cây chè phát triển bền vững lâu dài. Lứa chè đầu tiên, tôi cũng đạt gần 12 tấn/ha. Giá cả như hiện nay, cộng với thời tiết tốt, mỗi héc-ta một năm cho thu nhập 60 triệu đồng là chuyện bình thường”.
Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ hiện có 533 ha chè. Cây chè trực tiếp giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho 60% số hộ dân. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên chè cho thu hái sớm hơn mọi năm. Qua khảo sát, sản lượng chè búp tươi lứa đầu tiên toàn thị trấn đạt 500 tấn, giá loại thấp nhất 2.800 đồng/kg, còn trung bình dao động từ 3.200 đồng-3.500 đồng, về cơ bản bảo đảm cuộc sống cho người dân làm chè.
Ông Lê Ngọc Long - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Mặc dù số hộ có chè không nhiều và hộ nhiều nhất cũng chỉ gần 3 ha, song để người dân sống, làm giàu nhờ cây chè, ngoài việc vận động nhân dân đầu tư thâm canh, cải tạo, trồng mới bằng giống chè lai năng suất, chất lượng cao, thị trấn đã vận động nhân dân hình thành các nhóm hộ làm chè theo tiêu chuẩn VietGAP; đầu tư hệ thống đường bê tông lên tận các nương chè để thuận tiện cho người làm chè đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo mối liên kết giữa sản xuất, thu mua nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm”.
Cát Thịnh cũng là địa phương có diện tích chè tương đối lớn, với 480 ha tập trung nhiều nhất ở 10/26 thôn, bản. Để cây chè thực sự là cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân, những năm qua, Cát Thịnh đã vận động nhân dân tập trung thâm canh, cải tạo, thay thế giống chè trung du già cỗi bằng giống chè cành lai nhập nội. Từ 2004 đến nay, mỗi năm xã vận động cải tạo, thay thế được 30-50 ha, nâng tổng diện tích chè cải tạo toàn xã lên gần 60%, góp phần nâng năng suất chè bình quân từ 6-9 tấn/ha.
Ông Sa Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thực hiện chủ trương của huyện Văn Chấn về phát triển cây chè, đối với những diện tích đã cải tạo, trồng mới, xã tiếp tục vận động nhân dân đầu tư chăm bón. Những diện tích chè trung du còn lại sẽ cải tạo dần qua các năm, phấn đấu ổn định diện tích ở 10 thôn, bản để đầu tư chăm bón thâm canh, tránh việc phát triển tràn lan dẫn đến năng suất không cao. Cùng đó, xã cũng vận động nhân dân hình thành nhóm, tổ hợp tác sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP để bao tiêu, thu mua sản phẩm với giá ổn định; nâng cao chất lượng sản phẩm, vị thế của cây chè”.
Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực xóa đói giảm nghèo và làm giàu, nên những năm qua, Văn Chấn đã có nhiều giải pháp, cơ chế đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu có năng suất, chất lượng, đáp ứng cho chế biến chè chất lượng cao. Cùng với cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng hỗ trợ tìm nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón giúp người dân trồng, cải tạo những diện tích chè trung du đã già cỗi. Bình quân mỗi năm huyện trồng cải tạo từ 100-300 ha chè bằng giống chè lai, chè nhập nội, chè Shan tuyết.
Nhờ vậy, cơ bản giống chè trung du đã được cải tạo thay thế bằng giống chè lai giâm cành LDP1, LDP2, góp phần nâng cao năng suất chè bình quân từ 8-10 tấn/ha, đưa sản lượng chè lứa đầu năm 2017 lên 3.500 tấn toàn huyện.
Hiện tại, huyện đang tập trung phát triển giống chè Shan hạt, chè Shan giâm cành cho các xã vùng cao, vùng thượng huyện theo Đề án Phát triển chè vùng cao của tỉnh để nâng cao giá trị kinh tế cây chè; tiếp tục vận động nhân dân đầu tư chăm sóc, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để giúp người dân thay đổi nhận thức trong chăm sóc, thu hái, bảo quản búp tươi, góp phần thay đổi chất lượng, giá trị sản phẩm chè.
Cùng đó, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị thu mua phải đảm bảo ổn định giá, tránh việc tranh mua, tranh bán gây hỗn loạn giá cả. Khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè đầu tư nâng cấp công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị, phẩm cấp sản phẩm chè.
Thanh Tân
Các tin khác
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), từ 1/6 tới, các nhà mạng được quyền chủ động về giá cước và thời gian đàm phán với các đối tác về dịch vụ chuyển vùng quốc tế chiều đi và chiều đến.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Bộ Tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2020 với 15 tiêu chí.
Chính phủ nhất quán chủ trương phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%. Một số chỉ tiêu cụ thể trong các lĩnh vực chủ yếu là: Khu vực nông nghiệp tăng 3,05%, trong đó xuất khẩu nông sản đạt trên 33 tỷ USD; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,91%...
Cá ngừ Việt Nam đã được xuất khẩu sang 140 quốc gia trên thế giới sau hơn 2 năm triển khai Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi.