Siết chặt quản lý thuốc bảo vệ thực vật
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/5/2017 | 8:02:41 AM
YBĐT - Không thể phủ nhận tác dụng của thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong việc phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng. Tuy nhiên, việc loạn danh mục thuốc cùng tình trạng lạm dụng thuốc BVTV của nhiều người dân đã gây ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái cũng như khiến nông sản không đạt chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 587 đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV.
Để siết chặt quản lý thị trường thuốc BVTV, Chi cục thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và văn bản pháp luật mới về thuốc BVTV; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quản lý thuốc BVTV đối với các điểm kinh doanh thuốc. Từ năm 2016 đến nay, qua 17 cuộc thanh tra, kiểm tra ở 222 cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV đã phát hiện 20 cơ sở vi phạm. Cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV thường mắc phải các lỗi: buôn bán thuốc BVTV quá hạn sử dụng; buôn bán không có chứng chỉ hành nghề; không có bảng niêm yết giá; kho chứa thuốc chưa đúng nơi quy định...
Tuy nhiên, một thực tế đang tồn tại gây khó khăn cho việc quản lý thuốc BVTV là lực lượng phụ trách kiểm tra, kiểm soát kinh doanh thuốc BVTV rất mỏng; mỗi trạm BVTV huyện chỉ có 3 - 5 người nhưng làm nhiệm vụ quản lý chuyên môn là chính, chức năng thanh tra, kiểm tra rất hạn chế. Trong khi đó, tình trạng "loạn" danh mục với nhiều tên thương mại như hiện nay thì việc thanh kiểm tra cũng không xuể.
Theo Thông tư số 03/2016/ TT-BNNPTNT ngày 21/04/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hành Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam thì riêng thuốc trừ sâu có 775 hoạt chất với 1.662 tên thương phẩm, 608 hoạt chất thuốc trừ bệnh với 1.297 tên thương phẩm, 227 hoạt chất thuốc trừ cỏ với 694 tên thương phẩm. Với số lượng tên thương phẩm trong danh mục nhiều như vậy, đã và đang gây khó cho nông dân và cán bộ địa phương trong lựa chọn, khuyến cáo sử dụng thuốc cũng như việc quản lý kinh doanh của ngành chức năng. Bên cạnh đó, việc quá lạm dụng thuốc BVTV, sử dụng thuốc không đúng cách cũng rất đáng lo ngại. Theo ước tính, hàng năm, nhu cầu sử dụng của nông dân trong tỉnh khoảng 100 tấn thuốc BVTV.
Không thể phủ nhận vai trò của thuốc BVTV trong việc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng để bảo vệ mùa màng, nhưng tình trạng sử dụng không đúng cách và lạm dụng thuốc BVTV của nhiều người dân còn diễn ra khá phổ biến.
Ông Trung Hải Sơn - Phó phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: “Tính riêng năm 2016, các trạm trồng trọt và BVTV trên địa bàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra 218 hộ nông dân về sử dụng thuốc BVTV và phát hiện 52 hộ vi phạm. Các vi phạm chủ yếu là không đảm bảo lượng nước, không có bảo hộ lao động, sử dụng thuốc BVTV không đúng nồng độ, liều lượng, sử dụng thuốc không đúng thời điểm. Cá biệt, một số người dân sau khi sử dụng đã vứt vung vãi vỏ bao bì thuốc BVTV trên các cánh đồng, kênh mương”.
Theo các chuyên gia thì hệ luỵ của lạm dụng thuốc BVTV rất lớn, gây ảnh hưởng tới môi trường đất, nước. Thuốc BVTV đầu tiên ngấm xuống đất làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái. Đất có một tầng sinh thái với rất nhiều loài vi sinh vật, các con côn trùng sinh sống theo một quy trình tuần hoàn, phân giải các xác hữu cơ làm cho đất tơi xốp. Nhưng cứ đưa thuốc BVTV xuống thì sẽ chết hết côn trùng và còn ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp, nông dân là làm cho dịch hại khác bùng phát.
Ví dụ, phun thuốc diệt sâu cuốn lá nhỏ thì diệt hết con thiên địch của rầy nâu, từ đó bùng phát thành dịch rầy nâu. Ngoài ra, thuốc BVTV ngấm xuống đất sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm. Đặc biệt, nông dân sử dụng sai cách sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe không chỉ của người phun mà còn liên quan đến sức khỏe của cộng đồng. Dư lượng thuốc BVTV ảnh hưởng tới an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp sạch. Nhiều mặt hàng xuất khẩu thời gian qua do dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép nên không thể xuất khẩu được.
Để siết chặt kinh doanh và hạn chế lạm dụng thuốc BVTV, thời gian tới, các ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết và thay đổi tập quán của nông dân, đẩy mạnh chương trình khuyến nông, sản xuất cây trồng an toàn theo quy trình VietGAP, trước hết là những nông dân trồng rau an toàn, cây ăn quả; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật và tuyên truyền cho người dân cách sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”; chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc BVTV trên từng địa bàn. Cùng với đó, các đại lý buôn bán thuốc BVTV phải tự giác thực hiện các quy định của Nhà nước trong kinh doanh thuốc BVTV.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Xã Phúc An (Yên Bình) có 1/2 số dân sống phụ thuộc vào hồ thì có đến 1/5 dân số sống và có thu nhập từ khai thác tôm trên hồ Thác Bà. Tôm ở đây được các thương lái Hà Nội, Hải Dương đặt mua với số lượng lớn, giá cả ổn định với tôm nhỏ vừa khoảng 80.000 đồng/kg, tôm to 150.000 đồng - 200.000 đồng/kg.
YBĐT - Sáng 25/5, tại huyện Lục Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Lục Yên tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả, mô hình trình diễn và diện tích đại trà của hai giống lúa Khải Phong số 7 và Nông Ưu 28.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng, thành viên Hội đồng quản trị Sacombank kiêm cố vấn cao cấp LienVietPostBank chia sẻ tại hội thảo hội thảo về góc độ chính sách và pháp luật trong xử lý nợ xấu: "Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu Chính phủ trình Quốc hội thà muộn còn hơn không. Hiện nay trong 100% nợ xấu, ngành ngân hàng đã xử lý được 53%, còn 47% nữa, trong đó 43% đang rất vướng như tôi đã nói ở trên. Tôi cho rằng trong bối cảnh thị trường bất động sản đang ấm lên thì nợ xấu có thể được xử lý tới 60-70%."
YBĐT - Trên địa bàn thành phố có trên 650 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 22 hợp tác xã và gần 4.500 hộ kinh doanh cá thể, tăng 1.000 hộ so với năm 2015.