Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị - Xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại

Bài 1: Hạn chế trong chuỗi liên kết giá trị

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/6/2017 | 6:33:30 AM

YênBái - YBĐT -  Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có những sự phát triển rõ nét không ai có thể phủ nhận được. Song, việc sản xuất theo chuỗi giá trị gần như chưa thực hiện được, dẫn đến sản xuất không hiệu quả như mong muốn, thiếu tính bền vững.

Nông dân xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình thu hoạch lúa xuân 2017 (ảnh Văn Tuấn)
Nông dân xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình thu hoạch lúa xuân 2017 (ảnh Văn Tuấn)

Sự chỉ đạo quyết liệt, làm bài bản, căn cơ cùng những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích trực tiếp cho nông dân, sản xuất nông nghiệp đã có những bước phát triển khá toàn diện, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn có những hạn chế cần được tháo gỡ, nhất là tình trạng “được mùa, mất giá”, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế. Việc tiêu thụ nông sản cho nông dân chưa thật ổn định... Đã đến lúc buộc phải liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập và sản xuất bền vững.

Cái được trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sau hơn một năm Yên Bái thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có những sự phát triển rõ nét không ai có thể phủ nhận được. Song, việc sản xuất theo chuỗi giá trị gần như chưa thực hiện được, dẫn đến sản xuất không hiệu quả như mong muốn, thiếu tính bền vững.

Với nhiều chính sách, nhiều cơ chế, sự vào cuộc tích cực của các cấp, sự nỗ lực của bà con nông dân. Đặc biệt, sau một thời gian thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc. Đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn không ngừng được nâng lên. Hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn được phát triển, hầu hết các xã có đường kiên cố xuống tận thôn, bản, có trường học, có trạm y tế, có chợ.

Nông dân đủ ăn, con cái được học hành, được thụ hưởng các tiện ích công cộng như điện, nước và tiếp cận với công nghệ hiện đại. Hết năm 2016, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 6.486.625 triệu đồng, tăng 3,2% so với năm 2015, chiếm 24% trong cơ cấu tổng sản phẩm năm 2016 của tỉnh.

Quan trọng hơn là đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh lớn như vùng lúa hàng hóa chất lượng cao trên 2.500 ha, vùng ngô hàng hóa 15.000 ha, trên 2.000 ha cây ăn quả có múi... góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì sản xuất nông nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định, là tác nhân gây kìm hãm sự phát triển.

Tình trạng được mùa mất giá, việc tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc chủ yếu vào tư thương và do thị trường quyết định, sản xuất nhỏ lẻ không theo chuỗi giá trị diễn ra phổ biến. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Yên Bái chưa phải là lớn, nhưng nhà nông Yên Bái cũng đã bao lần “lao đao, khốn khó” trước giá cả nông sản không ổn định và mất giá. Bài học từ chăn nuôi nhím, hay sắn rớt giá thảm hại ở Văn Yên, Yên Bình trong những năm qua và mới đây nhất, là chăn nuôi lợn. Giá lợn hơi giảm liên tục từ 50.000 đồng/kg, nay xuống còn 20.000 đồng/kg mà vẫn không bán được.

Theo ông Trần Đức Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hiện số lợn hơi đã đến tuổi xuất chuồng vẫn còn ứ đọng khoảng trên 10.000 tấn. Với giá lợn hơi như hiện nay, người chăn nuôi đang phải chịu lỗ quá lớn, nhiều hộ có nguy cơ phá sản.

Cũng theo ông Lâm, nguyên nhân dẫn tới tình trạng giá nông sản nói chung và giá lợn hơi xuống thấp và không ổn định trong thời gian qua là do phát triển sản xuất không theo nhu cầu của thị trường; sản xuất tự phát quá lớn chứ không sản xuất theo một chuỗi giá trị khép kín; chưa có dự tính, dự báo về thị trường đầu ra; chưa có địa chỉ để tiêu thụ sản phẩm.

Người nông dân chỉ cần có tư liệu sản xuất là có thể sản xuất khi thấy sản phẩm được giá dẫn đến mất kiểm soát về số lượng sản phẩm làm cho cung vượt cầu; khi sản phẩm dư thừa sẽ dẫn đến bị ép giá, mất giá, sản xuất không hiệu quả.

Ngay tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế đó là, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh mới chú trọng đến hỗ trợ phát triển sản xuất và chưa chú trọng đến hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; một số chính sách hỗ trợ cho nông dân còn thấp nên chưa khuyến khích người dân tham gia thực hiện chính sách; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hạn chế áp dụng khoa học, kỹ thuật...

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.585 doanh nghiệp và trên 326 hợp tác xã (HTX) nhưng số doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn và phần lớn làm các khâu dịch vụ là chính. Chỉ có một số lượng nhỏ doanh nghiệp, HTX tham gia vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản... Đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả không cao, tính rủi ro lớn, bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp "chưa đã”, dẫn tới doanh nghiệp không mấy mặn mà.

Một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thiếu sự liên kết, hoặc có liên kết nhưng thiếu sự bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu liên kết theo hình thức thương thảo, thuận mua vừa bán. Phần lớn sản phẩm nông sản của người nông dân phải tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian phân phối nên giá bán thực tế cao hơn so với giá thu mua từ người nông dân. Nói cách khác là, người nông dân làm ra sản phẩm nhưng lại không có quyền định giá sản phẩm mình làm ra mà hoàn toàn phụ thuộc vào các thương lái.

Thực tế cho thấy, trong nền cơ chế thị trường, muốn sản xuất hiệu quả, bền vững thì đều phải có mối liên kết và đảm bảo hài hòa về lợi ích của các nhân tố tham gia trong chuỗi giá trị (người sản xuất, người chế biến, người phân phối tiêu thụ và người tiêu dùng). Tổ chức sản xuất phải theo nhu cầu của thị trường và theo năng lực của người sản xuất, sản xuất phải theo chuỗi giá trị, liên kết để bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm.     

Thanh Phúc

Các tin khác
Toàn cảnh lễ khai mạc Triển lãm quốc tế ngành sữa tại Cung Văn hóa Hữu Nghị sáng 31/5.

Từ ngày 31/5 đến 3/6, Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa (Vietnam Dairy 2017) diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu Nghị, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Nhiều hộ dân xã Vân Hội thu nhập cao nhờ nuôi ong.

YBĐT - Xã Vân Hội, huyện Trấn Yên có gần 600 ha rừng tự nhiên, 600 ha đất rừng trồng và hơn 27 ha cây ăn quả. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật nhằm tạo công ăn việc làm và đem lại nguồn thu đáng kể cho các hộ gia đình trong xã.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã có công văn yêu cầu các công ty điện lực thành viên tại 27 tỉnh miền Bắc, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc đảm bảo cung ứng điện ổn định phục vụ cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 trên địa bàn.

Người dân xã Nậm Có chăm sóc sơn tra.

YBĐT - Mù Cang Chải có diện tích đất lâm nghiệp trên 78.898 ha, chiếm trên 66% diện tích đất tự nhiên và lại có điều kiện tự nhiên như: địa hình, khí hậu, đất đai rất phù hợp với sinh thái của cây thảo quả, sơn tra. Trong những năm qua, việc trồng thảo quả dưới tán rừng tự nhiên phòng hộ, rừng đặc dụng hàng năm đem lại sản lượng quả lớn; đồng thời, gắn với diễn thế, tái sinh rừng tự nhiên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục