Sản xuất, kinh doanh chè ở Văn Chấn: Nông dân trông chờ sự tháo gỡ
- Cập nhật: Thứ tư, 7/6/2017 | 6:52:31 AM
YênBái - YBĐT - Với diện tích gần 5.000 ha, chè là một trong những cây trồng thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện Văn Chấn. Sản xuất, kinh doanh chè đã tạo việc làm thu nhập cho trên 10 vạn lao động và đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 30 tỷ đồng/năm.
Nông dân huyện Văn Chấn thu hái chè xuân.
|
Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh chè ở Văn Chấn đang có những nghịch lý cần những giải pháp tức thời và căn cơ để ổn định và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh chè...
Nguyên liệu - nơi thừa, nơi thiếu
Những ngày cuối tháng 5, ở các xã vùng trong, người dân đang hối hả thu hoạch chè chính vụ thì người làm chè ở xã Nghĩa Tâm thờ ơ bên những đồi chè vàng vọt, loang lổ “cháy”. Bên sườn đồi, chị Lưu Thị Hải không thu hái chè như trước mà đi thả bò và bẻ cành chè khô làm củi. Chị buồn rầu nói: “Bà con ở đây nhiều người đã nản! Đồi chè thì bị “cháy”, giá chè thì bất ổn. Nhiều hộ đã chặt bỏ để trồng cam, trồng rừng, số khác đã đi làm ăn xa để mặc cho cỏ dại lấn át chè, chỉ số ít hộ có diện tích chè bằng phẳng, trồng cải tạo còn giữ được, nhưng sản lượng ít, tiêu thụ cũng khó khăn”.
Nghĩa Tâm từng là địa phương có diện tích chè lớn trong các xã vùng ngoài. Gần 700 ha, năng suất trung bình 10 tấn/ha/năm, sản lượng chè búp tươi đạt trên 7.000 tấn/năm đã cung cấp nguyên liệu cho 16 cơ sở chế biến trên địa bàn và một số cơ sở chế biến lân cận.
Tuy nhiên, chè Nghĩa Tâm chủ yếu được trồng trên các đồi dốc cao, ít chăm sóc nên già cỗi, xuống cấp nhanh chóng. Sản lượng và chất lượng sụt giảm, giá chè búp tươi bất ổn đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người làm chè. Trong khi đó, việc trồng rừng, trồng cây ăn quả đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn đã khiến nhiều hộ bỏ chè trồng rừng, trồng bưởi, trồng cam.
Trong khi các xã, thị trấn vùng ngoài thừa cơ sở chế biến nhưng thiếu nguyên liệu thì khu vực vùng trong của huyện với hai nông trường chè lớn là thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Liên Sơn và các xã vùng cao chiếm đến 2/3 diện tích chè của huyện nhưng lại ít hơn nhiều số cơ sở chế biến. Việc tập trung cải tạo vùng chè ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã đưa năng suất chè khu vực này đạt bình quân 14 - 15 tấn/ha/năm.
Sản lượng lớn, nhiều người dân đã bán cho tư thương để cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp vùng ngoài. Có nguyên liệu dồi dào, chất lượng cao, nhưng một số doanh nghiệp ở khu vực này đang thu mua chè búp tươi rất khó khăn do tình trạng ép giá và nợ tiền mua nguyên liệu dân kéo dài. Sự bất ổn định trong tiêu thụ nguyên liệu cũng như sản xuất kinh doanh đã tác động ngay đến người làm chè.
Bà Lê Thị Ngoan - Tổ dân phố 3, thị trấn Nông trường Liên Sơn nói: “Bà con ở đây chỉ biết trông chờ vào cây chè nên đã tập trung cải tạo hầu hết diện tích bằng các giống chè mới chất lượng cao. Tuy nhiên, giá thu mua bất ổn, doanh nghiệp thu mua cầm chừng lại nợ tiền dân kéo dài nên bà con chán nản. Mong muốn của người làm chè là có những doanh nghiệp làm ăn cạnh tranh để tiêu thụ hết nguyên liệu nhân dân với giá thành hợp lý để bà con yên tâm sản xuất”.
Vẫn là chuyện quy hoạch, quản lý
Những nghịch lý trong sản xuất, kinh doanh chè ở Văn Chấn có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân sâu xa là quá trình sắp xếp chưa hợp lý, việc quản lý, phát triển vùng chè của nhân dân chưa tuân thủ quy hoạch. Có lúc, có nơi các đơn vị doanh nghiệp sản xuất chè tranh mua, tranh bán nguyên liệu đã làm thị trường chè xáo trộn; phẩm cấp, chất lượng nguyên liệu ít được quan tâm.
Việc tận thu khiến những diện tích thiếu đầu tư chăm sóc ngày càng xuống cấp về số lượng và chất lượng. Với diện tích gần 5.000 ha, sản lượng hàng năm khoảng 45.000 tấn, nguyên liệu chè hoàn toàn đáp ứng cho 60 cơ sở chế biến chè của huyện.
Vấn đề đặt ra là, phải điều tiết, quản lý vùng nguyên liệu, quá trình thu hoạch nguyên liệu hợp lý; tạo được liên kết bền vững giữa người dân, doanh nghiệp, chính quyền trong việc phân vùng nguyên liệu sản xuất và điều chỉnh các mối quan hệ sản xuất trên địa bàn.
Hiện, trong gần 5.000 ha chè ở Văn Chấn thì khoảng 1/5 là chè thuộc diện khoán 01 do các công ty cổ phần chè: Nghĩa Lộ, Liên Sơn, Trần Phú quản lý; số còn lại, hầu hết do người dân tự trồng thuộc quản lý của chính quyền các xã, thị trấn. Kinh nghiệm từ một số doanh nghiệp, cơ sở chế biến như Hợp tác xã Kiến Thuận - Bình Thuận, Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ là duy trì bền vững sự gắn kết với người dân, chính quyền trong việc phân vùng nguyên liệu và hỗ trợ nhân dân kỹ thuật, vật tư, phân bón để giữ vùng nguyên liệu ổn định.
Trong tình hình hiện nay, cần có những biện pháp, giải pháp tức thời từ các cấp, các ngành quản lý Nhà nước, chính quyền và từ chính doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Toản – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Văn Chấn cho biết: “Ngành nông nghiệp đã tham mưu cho huyện đề nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành xem xét, sắp xếp lại sản xuất và quy hoạch lại vùng chè theo hướng chất lượng và hiệu quả. Trước mắt, huyện đã triển khai một số giải pháp giúp nhân dân tiêu thụ nguyên liệu thuận lợi và đảm bảo nguyên liệu cho các doanh nghiệp hoạt động. Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ để sắp xếp, tinh gọn cơ sở sản xuất theo quy mô, năng lực và công nghệ của mỗi đơn vị”.
Khó khăn là vậy, nhưng phải khẳng định cây chè vẫn là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập ổn định hàng vạn hộ dân. Mong muốn của người làm chè và các doanh nghiệp ở Văn Chấn hôm nay xem ra không ngoài những định hướng, chỉ đạo đã nêu rõ trong Kết luận 56 - KL/TU của Tỉnh uỷ Yên Bái về đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đến năm 2020.
Đó là: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; rà soát, điều chỉnh quy hoạch các cơ sở chế biến chè gắn với vùng nguyên liệu; tập trung phát triển vùng nguyên liệu theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm chè; đẩy mạnh thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức phù hợp, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực hiện trồng chè tập trung, không cấp quyết định chủ trương đầu tư các cơ sở chế biến chè sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, coi trọng cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa; xây dựng các cơ chế chính sách đồng bộ trong phát triển chè từ trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Trần Van
Các tin khác
YBĐT - Tính đến ngày 20/5, trên địa bàn tỉnh còn tồn đọng 114.517 con lợn thịt đến thời điểm xuất chuồng nhưng chưa tiêu thụ được. Thời điểm hiện tại, giá lợn hơi dao động từ 22.000 - 25.000 đồng/kg.
Cảng Container Quốc tế Cái Lân CICTT, vừa khai trương tuyến vận tải hàng hải Quốc tế ACS có lịch trình kết nối 6 quốc gia châu Á.
YBĐT- Vào lúc 0 giờ 15 phút ngày 5/6/2017, tại thôn Khe Nhao, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn đã xảy ra vụ cháy rừng làm thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 5,5 ha.
Công ty cổ phần đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (NEXCO) và Công ty cổ phần đường cao tốc quốc tế Nhật Bản (JEXWAY) sẽ mua lại 20% cổ phần của FECON tại dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1, đoạn Km215 +775 – Km235 +885 tỉnh Hà Nam (dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý).