Xử lý nghiêm việc khai thác cát, sỏi trái phép
- Cập nhật: Thứ năm, 22/6/2017 | 1:53:55 PM
YBĐT - Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có 11 giấy phép khai thác cát, sỏi còn hiệu lực với tổng công suất 139.581 m3/năm, tổng trữ lượng được phép khai thác là 2.029.324 m3.
Yên Bái sẽ xử lý nghiêm việc khai thác cát, sỏi trái phép.
|
Thực hiện quy định của Luật Khoáng sản 2010, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản..., Yên Bái đã triển khai đồng loạt các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng, các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm việc khai thác cát, sỏi trên địa bàn.
UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành công tác quản lý về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có khoáng sản cát, sỏi. Cụ thể như sau: ban hành Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Chỉ thị của UBND tỉnh Yên Bái, về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh...
Các văn bản đều đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và UBND các huyện, thành phố, thị xã trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Chú trọng công tác lập, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, quy hoạch các bến, bãi tập kết cát, sỏi. Yên Bái cũng đã lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có cát, sỏi lòng sông.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 11 giấy phép khai thác cát, sỏi còn hiệu lực với tổng công suất 139.581 m3/năm, tổng trữ lượng được phép khai thác là 2.029.324 m3. 6 dự án thủy điện được chấp thuận khai thác cát, sỏi trong diện tích đất thực hiện dự án xây dựng công trình theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 64, Luật Khoáng sản.
Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản đều phù hợp với quy hoạch khoáng sản của tỉnh. Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực khoáng sản thực hiện theo đúng quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn, quy định.
Đối với trường hợp cấp giấy phép thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đều thực hiện việc lựa chọn tổ chức, cá nhân để cấp giấy phép thăm dò khoáng sản theo đúng quy định. Bên cạnh đó, công tác quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được quan tâm, nêu rõ trách nhiệm của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
9/9 huyện, thị xã, thành phố đã phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo địa giới hành chính; 2/9 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng, ký kết và ban hành quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác...
Song song với đó là làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đều lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn, trong đó có hoạt động khai thác cát, sỏi.
Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện các đợt kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép, xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp với tổng số tiền hàng chục triệu đồng. Quan trọng hơn là qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân và đưa hoạt động khai thác cát, sỏi dần đi vào nề nếp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình quản lý vẫn còn có những doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản như: chưa ký hợp đồng thuê đất; ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; lập, thẩm định thiết kế mỏ. Hiện tượng khai thác cát, sỏi trái phép còn diễn ra nhỏ lẻ ở một số nơi, do ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức và cá nhân còn hạn chế.
Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ trong khai thác khoáng sản nói chung và khai thác cát sỏi nói riêng, trước hết, lãnh đạo các địa phương phải nhận thức đầy đủ tính chất, hậu quả nghiêm trọng của hoạt động khai thác cát, sỏi để xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên chỉ đạo, phòng ngừa, ngăn chặn. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh cán bộ, công chức, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp “bảo kê”, tiếp tay cho vi phạm.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hậu quả tác hại của khai thác cát, sỏi trái phép. Giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong khai thác cát, sỏi theo Luật Khoáng sản.
Nơi nào để xảy ra vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thì kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quản lý địa bàn. Tổ chức hiệu quả Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn và Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo địa giới hành chính trên địa bàn quản lý.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, Hội Phụ nữ xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên đã thành lập Tổ hợp tác Sản xuất rau an toàn (SXRAT) mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt 2.139 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 46 tỉnh vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.
YBĐT - Trong năm 2015 - 2016, huyện Mù Cang Chải đã chủ trì triển khai Dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh: “Xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận sơn tra Mù Cang Chải cho sản phẩm quả sơn tra của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái”.
YBĐT - Tới nay, thị xã Nghĩa Lộ đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Quy hoạch không gian thị xã Nghĩa Lộ và vùng phụ cận tầm nhìn đến năm 2030.