Triển vọng từ nuôi bò nhốt thâm canh ở xã An Phú
- Cập nhật: Thứ năm, 29/6/2017 | 1:43:44 PM
YBĐT - Chăn nuôi vỗ béo bò theo phương thức bán chăn thả là biện pháp kỹ thuật hiệu quả đã và đang trở thành phong trào rộng rãi ở xã An Phú, huyện Lục Yên.
Hiện nay, đồng cỏ tự nhiên ở xã An Phú hầu như đã hết, khiến cho việc chăn nuôi bò thả rông của người dân không còn phù hợp. Nhận thức được điều này, nên nhiều hộ trên địa bàn xã đã thay đổi tập quán chăn nuôi quảng canh trước đây sang hình thức chăn nuôi bò nhốt chuồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một trong những hộ thành công ở hình thức chăn nuôi này là gia đình ông Nông Văn Khuyến, thôn Mỏ Cao.
Năm 2016, nhận thấy đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp, khiến cho việc chăn thả bò của gia đình gặp rất nhiều khó khăn nhưng nghề chăn nuôi bò lại là nguồn thu nhập chính của gia đình. Từ đó, ông đã quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại bài bản, quy mô hơn với số tiền hơn 40 triệu đồng. Đến nay, gia đình ông đã có 10 con bò, trong đó có 6 con nái và 4 con bê.
Để đảm bảo nguồn thức ăn, ông Khuyến dành gần 1 ha đất đồi để trồng cỏ ngô. Đây là giống cỏ dễ trồng, nhanh tốt, độ bền cao từ 4 đến 5 năm. Ngoài ra, ông còn sử dụng thêm phụ phẩm nông nghiệp như: cám gạo, cây ngô, ngọn mía và đặc biệt là rơm phơi khô để dự trữ thức ăn cho bò trong mùa đông.
Theo ông Khuyến, bò con từ khi tách mẹ đến khi xuất chuồng, thời gian nuôi khoảng hơn 1 năm, trung bình mỗi con cho lãi từ 4 đến 5 triệu đồng. Do vậy, khi chuyển đổi từ nuôi thả sang nuôi nhốt, bò đã mang lại những lợi ích thiết thực cho kinh tế gia đình với những ưu điểm vượt trội.
Ông Khuyến bày tỏ: “Khi chuyển đổi từ chăn thả sang nuôi bò nhốt thâm canh, tôi thấy hiệu quả hơn hẳn. Bò phát triển nhanh, lợi nhuận cũng cao hơn hẳn, nên gia đình sẽ tiếp tục tập trung thực hiện theo hình thức này trong thời gian tới”.
Còn với gia đình chị Hoàng Thị Khuyến, thôn Nà Dụ là hộ điển hình trong thực hiện mô hình nuôi bò nhốt thâm canh. Với 6 con bò sẵn có, gia đình chị mạnh dạn tham gia dự án phát triển chăn nuôi bò theo chương trình xây dựng nông thôn mới với quy mô 10 con. Đồng thời, tập trung xây dựng chuồng trại kiên cố đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho đàn bò phát triển ổn định.
Đến nay, tổng đàn bò hiện có là 16 con và để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, những diện tích đồi cằn cỗi, chị Khuyến đã trồng toàn bộ cỏ voi, cỏ ngô. Dự kiến đến mùa thu năm nay, số lượng bò sẽ tăng lên trên 20 con và có giá trị vài trăm triệu đồng.
Chị Khuyến cho biết: “Được sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng với vốn của gia đình, qua hơn 1 năm nuôi bò nhốt thâm canh, gia đình tôi thấy hiệu quả hơn hẳn so với trước đây. Vì vậy, những năm tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng số lượng bò để góp phần cải thiện đời sống”.
Trước hiệu quả và lợi nhuận cao đạt được từ chăn nuôi vỗ béo bò của một số hộ trong xã, phong trào tận dụng đồi bãi để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò thâm canh đã phát triển rộng khắp ra các thôn ở An Phú. Hộ nuôi nhiều nhất có 16 con bò, hộ ít cũng có 2 con nuôi nhốt.
Với ưu điểm đỡ tốn công chăn thả, dễ nuôi, bò phát triển nhanh nên những năm gần đây, nhiều hộ trong xã An Phú đã tham gia thực hiện mô hình này. Qua đó, đã góp phần cải thiện đáng kể mức thu nhập và đời sống của nhiều hộ nông dân trong xã.
Tuy nhiên, để phát triển chăn nuôi vỗ béo bò bán chăn thả trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng rãi hơn nữa, nông dân xã An Phú rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước với chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay phục vụ cho sản xuất.
Ông Lộc Đức Nho - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Qua học hỏi, cũng như vận động của Hội, nhiều hội viên trong xã đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi bò nhốt thâm canh. Từ hơn 2 năm trở lại đây, mô hình đã dần khẳng định được hiệu quả về kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho hội viên nông dân”.
Với những lợi ích kinh tế mang lại của mô hình chăn nuôi bò thâm canh so với thả rông truyền thống ở xã vùng cao An Phú, đây là mô hình đã và đang trở thành phong trào phát triển kinh tế ở Lục Yên được nông dân tích cực nhân rộng.
Khắc Điệp
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Chi cục QLTT tỉnh đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời nạn kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng giả và hàng kém chất lượng... trên địa bàn thành phố Yên Bái.
YBĐT - Theo ngành thuế Yên Bái, đến ngày 20/6, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 890,7 tỷ đồng, bằng 46% dự toán Bộ Tài chính giao và 43% chỉ tiêu của HĐND tỉnh giao. 6 đơn vị đạt 50% dự toán giao trở lên là các huyện: Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ.
YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 22 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 4,33 triệu USD, tương đương 95,2 tỷ đồng, bằng 16,4 % so với kế hoạch, bằng 23,3% so với cùng kỳ năm 2016.