Sùng Đô phát huy tiềm năng cây thảo quả
- Cập nhật: Thứ năm, 6/7/2017 | 8:02:01 AM
YBĐT - Sự hồi sinh của cây thảo quả ở vụ thu hoạch 2017 hứa hẹn một năm no ấm, bội thu với đồng bào Mông ở xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn.
Phó Chủ tịch UBND xã - Giàng A Lử khẳng định: “Hướng phát triển kinh tế trọng tâm của địa phương là tuyên truyền, vận động nhân dân khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai; đổi mới tư duy, tập quán canh tác, chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả trên đất 1 vụ lúa, từng bước đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất theo hướng tập trung, mũi nhọn là nông nghiệp và chú trọng trồng, bảo vệ rừng, chủ lực là phát triển cây chè, quế và thảo quả...”.
Bỏ dần tập quán phá rừng làm nương rẫy xưa kia, người dân ở Sùng Đô với 98% là đồng bào Mông đã biết đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Nếu năm 2010, cả xã mới có 82 ha ruộng nước thì nay nhân dân tích cực khai hoang mở rộng đạt trên 100 ha, trong đó diện tích 2 vụ là 65 ha.
Không phó mặc cho trời như trước đây, cây lúa, cây màu được cán bộ khuyến nông địa phương cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nhân dân sử dụng bón phân, thuốc trừ sâu hợp lý, đảm bảo nước tưới tiêu ổn định nên năng suất đạt cao. Sản lượng lương thực quy thóc toàn xã bình quân đạt gần 6.500 tấn/năm.
Năm 2010, cả xã còn tới 60 ha lúa nương. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy trở thành vấn đề “nóng” của địa phương. Cuộc cách mạng chuyển đổi tập quán canh tác, đưa các loại cây lương thực ngắn ngày như sắn, ngô, đậu đỗ vào trồng thay thế cây lúa nương và trồng trên diện tích đất ruộng 1 vụ thiếu nước đã đem lại tư duy, nhận thức mới về phát triển kinh tế cho người dân.
Từ một địa phương chỉ độc canh cây lúa, Sùng Đô đã phát triển được 40 ha cây đậu tương, năng suất đạt 12 tạ/ha; 170 ha ngô, diện tích sắn phát triển mạnh và có thời điểm đạt tới 120 ha. Trong 5 năm 2010 - 2015, tổng sản lượng lương thực của Sùng Đô tăng đáng kể (đạt 31.800 tấn); tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm gần 30% và hết năm 2015 còn trên 50%.
Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc đã giúp hơn 400 hộ đồng bào Mông 5 thôn của xã ổn định đời sống, phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo bền vững.
Có thể nói, sau nhiều năm chật vật tìm tòi, thử nghiệm các loại cây, con chủ lực để phát triển kinh tế, giờ Sùng Đô đã định hình được những cây kinh tế phù hợp, hiệu quả với điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất, tập quán canh tác của người dân địa phương.
Trong đó, quế, chè Shan và thảo quả là những cây trồng được địa phương xác định là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Định hướng quy hoạch phát triển thành vùng, hàng năm xã vận động nhân dân cải tạo, chăm sóc tốt diện tích chè, quế hiện có; đồng thời, mở rộng diện tích trồng tập trung ở một số thôn có điều kiện tự nhiên phù hợp như: Nà Nọi, Làng Mảnh, Giằng Pằng…
Hiện, toàn xã đã phát triển được gần 100 ha chè Shan, trên 100 ha quế cho thu nhập ổn định. Với lợi thế rừng tự nhiên mà thảo quả là cây cho giá trị kinh tế cao, giúp người dân làm giàu, xã chú trọng vận động đồng bào bảo vệ tốt rừng đầu nguồn.
Như “mưa dầm thấm lâu”, đồng bào Mông ở Sùng Đô đã hiểu được giá trị của rừng. Chẳng thế mà trên 700 ha rừng khoanh nuôi của xã luôn được bảo vệ tốt, không bị chặt phá hay để xảy ra cháy rừng. Xã đã quy hoạch các khu vực phù hợp để trồng thảo quả.
Theo đó, nhiều hộ dân có thu nhập cao như hộ Giàng A Lểnh, Vàng A Say, Vàng A Sinh thôn Nà Nọi; hộ ông Giàng A Lồng, Giàng A Cáng, Giàng A Páo thôn Giằng Pằng... mỗi năm thu hoạch từ 8 - 10 tấn thảo quả, thu từ 50 - 80 triệu đồng/năm. Năm 2017, xã chỉ đạo các thôn vận động nhân dân tích cực chăm sóc tốt diện tích cây thảo quả, trồng mới 100 ha quế và chè Shan.
Còn gì vui hơn khi đi qua cái rét khắc nghiệt kéo theo băng giá ở vụ đông 2016, hơn 40 ha cây thảo quả ở Sùng Đô vẫn bám trụ, đơm hoa kết trái và đang cho thu hoạch, hứa hẹn một cuộc sống no ấm hơn với đồng bào Mông xã đặc biệt khó khăn này.
Dẫu vẫn còn tới 80% hộ nghèo tính theo chuẩn nghèo đa chiều, song từ định hướng phát triển kinh tế đúng với việc lựa chọn phù hợp những cây trồng hiệu quả, kinh tế Sùng Đô đang hồi sinh, là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền địa phương đặt mục tiêu từng bước đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 30%.
Minh Thúy
Các tin khác
YBĐT - Trong 6 tháng đầu, chăn nuôi trên địa bàn huyện Văn Chấn tiếp tục có bước tăng trưởng khá.
YBĐT - Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nên trong nhiều ngày qua, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải liên tiếp có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa lớn làm sạt lở đất đá, ảnh hưởng lớn đến giao thông trên tuyến quốc lộ 32 và việc thi công các công trình xây dựng cùng sinh hoạt, đời sống của nhân dân.
YBĐT -Hiện, toàn xã có 3 xưởng gỗ ép, 8 xưởng gỗ bóc, 9 xưởng xẻ gỗ; thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm; 9/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới...
YBĐT - Năm 2017, huyện Văn Chấn đề ra kế hoạch trồng mới 3.500 ha rừng, gồm các loại cây: quế, keo, bồ đề, xoan, mỡ…