Yên Bái: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 3.000 tỷ đồng
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/7/2017 | 4:42:55 PM
YênBái - YBĐT - Chiều 7/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Đồng chí Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.
|
6 tháng đầu năm, sản xuất nông, lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm giảm nhất là giá thịt lợn hơi, song với sự quyết tâm chỉ đạo, bám sát cơ sở của ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp, sự cố gắng, nỗ lực của nông dân nên sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm gần 24,8% giá trị tổng sản phẩm của tỉnh.
Trong đó, giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đạt trên 2.320 tỷ đồng, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt trên 650 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2016, giá trị sản xuất ngành thuỷ sản đạt trên 97 tỷ đồng, tăng trên 6% so với cùng kỳ năm 2016.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh đánh giá cao kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm.
Đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của ngành cần khắc phục như: tốc độ tăng trưởng ngành còn thấp; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; công tác định hướng, dự báo thị trường còn hạn chế dẫn đến ngành chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn; các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc dẫn tới đầu ra cho sản phẩm thiếu bền vững.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững; tập trung cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2017, toàn tỉnh có ít nhất 15 xã đạt chuẩn.
Các địa phương phối hợp với các sở, ngành liên quan trình UBND tỉnh quyết định điều chỉnh hạng mục, kinh phí hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi; chủ động phòng chống thiên tai, bão lũ, cháy rừng.
Đối với việc triển khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, các địa phương cần khẩn trương hoàn thiện trình UBND tỉnh quyết định thành lập Ban chỉ đạo Chương trình, kế hoạch thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngành cần tiếp tục phát huy vai trò, năng lực, kinh nghiệm của toàn ngành đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo cung ứng giống tốt cho sản xuất, coi trọng chất lượng, giá trị, độ an toàn sản xuất và tính bền vững; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp…
Văn Thông
Các tin khác
Ngày 6-7 tại Hà Nội, Bộ Công thương đã chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu về lộ trình triển khai sử dụng xăng E5.
Sáng 6/7, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030.