Xử phạt chủ phương tiện dùng giấy đăng ký phô tô công chứng: Sẽ phát sinh nhiều phức tạp?
- Cập nhật: Thứ tư, 12/7/2017 | 7:53:36 AM
YBĐT - Ngày 31/5/2017, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an ban hành Công văn số 2916/C67-P9 về việc xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp ngân hàng. Theo đó, “Đối với những phương tiện thế chấp tại ngân hàng tham gia giao thông thì bên thế chấp được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng thế chấp còn hiệu lực...”.
Nhân viên Ngân hàng BIDV Yên Bái tư vấn cho khách hàng vay vốn.
|
>> Đề nghị không phạt xe thiếu giấy tờ gốc
Căn cứ vào công văn này thì lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử phạt những chủ phương tiện sử dụng giấy đăng ký (bản phô tô công chứng) trong quá trình tham gia giao thông. Ngay sau khi Công văn số 2916 ra đời, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã có ý kiến không đồng tình; nhiều người nhận định, sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng ô tô vào mục đích di chuyển và kinh doanh vận tải tăng mạnh. Thực tế, không phải ai cũng đủ tiền mua xe. Có cầu thì ắt sinh cung, dịch vụ cho vay mua ô tô, xe máy nở rộ. Nhiều công ty tài chính, công ty thương mại buôn bán ô tô, xe máy còn thực hiện việc bán trả góp. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp bí vốn làm ăn cũng dùng ô tô làm vật thế chấp cho ngân hàng để vay vốn. Quá trình cho vay mua xe, dùng xe để thế chấp ngân hàng và mua xe trả góp, bao giờ bên cho vay, cho nợ cũng giữ giấy đăng ký, khách hàng mua xe chỉ được cầm bản đăng ký phô tô công chứng.
Có thể nói, mua xe trả góp hoặc vay mua ô tô là việc làm quá phổ biến tại các nước phát triển, ngay cả những người thừa tiền mua xe vẫn mua trả góp nếu người đó nhận thấy khoản tiền nhàn rỗi (chưa phải thanh toán cho việc mua xe) có thể đầu tư vào mục đích khác mang lại lợi nhuận cao hơn so với khoản lãi trả góp hoặc lãi vay ngân hàng. Cho vay mua xe và mua xe trả góp thực sự thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, kích thích sản xuất phát triển. Bắt buộc chủ phương tiện phải có giấy đăng ký (bản chính) sẽ tạo ra nhiều xáo trộn trong kinh doanh và sinh hoạt.
Bà Nguyễn Thị T cho biết: “Làm như vậy mất cơ hội mua xe của những người lao động nghèo như chúng tôi. Muốn mua cái xe máy tốt cho con đi làm tiếp thị nhưng nghe nói tham gia giao thông phải có giấy đăng ký, trong khi bên cho vay trả góp cương quyết giữ giấy gốc, chỉ trao giấy phô tô công chứng thì đành chịu. Làm tiếp thị lương được có bao nhiêu, xe máy vi phạm, phạt mấy lần là hết”.
Trên quan điểm người cho vay mua xe trả góp, nhân viên Công ty tài chính HD SAIGON tâm sự: “Dù phải cạnh tranh với nhiều tổ chức tài chính khác nhưng doanh số của cá nhân tôi vẫn rất ổn, chưa phát sinh vấn đề phức tạp; đại lý bán xe máy cũng nhờ chúng tôi mà bán được nhiều hàng. Thông tin bắt buộc tham gia giao thông phải có bản chính giấy đăng ký khiến đội ngũ nhân viên cho vay trả góp rất ngạc nhiên, nếu bên công an cương quyết làm thì những người như tôi hết cơ hội”.
Trao đổi về vấn đề này, một nhân viên ngân hàng thương mại (đề nghị không nêu tên) cho biết, hiện tại, khi thực hiện các thủ tục cho vay mua ô tô, giữa ngân hàng và bên thế chấp luôn có thỏa thuận dân sự, cho phép bên nhận thế chấp (phía ngân hàng) giữ bản chính và thỏa thuận này căn cứ theo Điều 323 Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành khẳng định quyền của bên nhận thế chấp: “Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Vị này cho rằng, trong trường hợp nói trên, luật là văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và nếu có các quy định khác thì quy định này phải tuân thủ theo luật. Quy định này cũng ít nhiều trái với Luật Công chứng.
“Giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ, toàn thứ liên quan đến sinh mạng chính trị của con người mà bản phô tô công chứng còn có giá trị nữa là giấy chứng nhận đăng ký xe” - vị này cho biết thêm.
Sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề sau khi quy định trên được triển khai thực hiện. Đó là, phía ngân hàng sẽ không cho vay mua xe, hoặc bằng mọi cách đòi lại tiền đã cho cá nhân và doanh nghiệp vay mua xe, vì họ không còn “nắm đằng chuôi”, tức không còn tài sản bảo đảm.
Nếu khoản vay vẫn còn mà tổ chức tài chính trả lại giấy đăng ký xe cho khách hàng thì rất có thể khách hàng sẽ đem chiếc xe đó hoặc bộ giấy tờ đó đi cầm cố, vay mượn ở hiệu cầm đồ hoặc tổ chức tài chính khác. Chưa kể, phương tiện đó được đem bán, người dân mua phải sẽ không sang tên, đổi chủ được, đôi khi còn xảy ra tranh chấp, kéo theo bao hệ lụy khác.
Nâng cao chất lượng quản lý phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông và trật tự xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, từ những vấn đề nêu trên, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có những quy định không trái với luật, không gây khó khăn cho các tổ chức tài chính và người dân mỗi khi mua xe trả góp, vay vốn mua xe hoặc dùng xe làm tài sản thế chấp.
Lê Phiên
Các tin khác
Tối 10/7, tại thành phố La Hay, Hà Lan (sáng 11/7, giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Philipp Roesler.
YBĐT - Năm 2017, huyện Yên Bình được tỉnh giao nhiệm vụ thu ngân sách (TNS) Nhà nước 144,7 tỷ đồng, HĐND, UBND huyện giao chỉ tiêu TNS là 152 tỷ đồng, số thu này được điều chỉnh tăng hơn so với kết quả thực hiện năm 2016 để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Mặc dù vậy, áp lực TNS năm nay không vì thế mà giảm hơn.
YBĐT - Ngày 11/7, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Tới dự có đồng chí Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính. Đồng chí Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chủ trì Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Yên Bái có lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, lãnh đạo các phòng, ban, các chi cục thuế.
Bắt đầu từ ngày 10-7, 2 văn bản điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực. Theo đó, lãi suất nhiều lĩnh vực cho vay sẽ giảm từ 0,25 - 0,5%.