Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả bão số 2
- Cập nhật: Thứ hai, 17/7/2017 | 1:58:41 PM
YênBái - Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1025/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan khắc phục hậu quả bão số 2 năm 2017.
![]() |
Đường đi của cơn bão số 2.
|
Công điện nêu rõ: Bão số 2 đã đổ vào khu vực các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, mưa lớn trên diện rộng, gây thiệt hại về người, nhà cửa của nhân dân và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tàu vận tải VTB 26 bị chìm trên vùng biển tỉnh Nghệ An làm 13 thuyền viên gặp nạn.
Theo dự báo, thời gian tới mưa lũ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Để chủ động đối phó, khắc phục nhanh hậu quả bão số 2, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và các cơ quan có liên quan tiếp tục huy động phương tiện, lực lượng tập trung tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên của tàu vận tải biển VTB 26 còn đang gặp nạn.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ các gia đình có bị thiệt hại do bão số 2, tập trung cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, không để người dân bị thiếu đói. Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực có nguy cơ ngập lụt để bảo đảm bảo an toàn. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động vận hành các hồ chứa và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho đê điều, hồ đập. Tập trung khắc phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng do mưa bão, nhất là các công trình giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống điện, thủy lợi; chủ động tiêu nước chóng úng ngập, bảo vệ sản xuất. Huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn vệ sinh môi trường sau bão, lũ.
3. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 2.
4. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, đôn đốc, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp đối phó kịp thời; tổ chức rút kinh nghiệm để công tác dự báo, chỉ đạo, ứng phó ngày càng hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác

Ngày 16/7/2017 Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn ( PCTT&TKCN) Bộ Thông tin và Truyền Thông, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đã ký Công điện số 03/CĐ-BTTTT ngày 16/7/2017 gửi Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh/thành phố từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn thông: VNPT, Viettel, MobiFone, Vishipel, VNPOST;Thành viên BCH PCTT&TKCN Bộ Thông tin và Truyền thông.

YBĐT - Nhắc tới huyện vùng cao này, trong mỗi câu chuyện trước đây, người ta thường nói về sự đói nghèo, lạc hậu và vẫn nằm trong 62 huyện nghèo của cả nước. Thế nhưng, giờ đây đã có một Trạm Tấu đổi thay, từ trong đói nghèo, dần vươn lên phát triển, có cuộc sống no ấm.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, sau 6 tháng đầu năm 2017, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước mới đạt 29,5%. Nếu tính cả vốn năm 2016 chuyển sang, thì hiện có khoảng 300.000 tỷ đồng vốn đầu tư công tồn đọng, tạo thành "điểm nghẽn" của nền kinh tế. Số vốn này, nếu được giải ngân kịp thời, có thể giúp nền kinh tế có thêm 1 triệu tỷ đồng để phát triển sản xuất và tạo việc làm cho người lao động.