Bài 1: Sản xuất nông nghiệp an toàn
- Cập nhật: Thứ năm, 20/7/2017 | 8:10:07 AM
YBĐT - Huyện Văn Chấn nổi tiếng có vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất tỉnh Yên Bái với diện tích 1.300 ha. Năm 2015, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Yên Bái đã xây dựng mô hình trồng cam VietGAP ở 5 hộ, diện tích 6,4 ha tại thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La.
Mô hình cam VietGAP giúp các hộ dân trồng cam ở Văn Chấn có sản phẩm đạt chất lượng tốt, nâng cao giá trị thu nhập.
|
Mô hình nhằm giúp các hộ dân trồng cam thực hiện sản xuất nông nghiệp an toàn để có sản phẩm đạt chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ và giá cả ổn định, nâng cao giá trị thu nhập. Đây cũng thật sự là mong muốn và là quyền đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng hiện nay về sản phẩm nông nghiệp sạch.
Đồi cam nhà ông Nguyễn Minh Nhiệm - Tổ trưởng Tổ hợp tác Chuyên canh cam Thiên Tuế, Tổ trưởng Tổ trồng cam an toàn theo VietGAP bừng tươi trong nắng sớm. Ông Nhiệm vừa phun xong thuốc dưỡng quả cho diện tích cam của gia đình.
“Các vị có ngửi thấy mùi gì không? Không là cái chắc vì có mùi gì đâu. Các vị có thấy tớ đeo khẩu trang không? Không cần phải đeo vì rất an toàn. Mà tớ cũng vừa mới phun xong. Khoái cái anh dòng hữu cơ sinh học bởi thế!” - nghe trong giọng ông đầy căng độ thích thú.
Vừa mới hỏi thăm tới cam VietGAP là ông bật đáp ngay lập tức, như kiểu chỉ cần nhấn một cái thì nút cài đặt về chương trình sẵn sàng khởi động. Hơn 3 ha cam của gia đình ông hiện nay cho thu hoạch vào quãng 60% diện tích, trong đó có 1,2 ha cam đã được chứng nhận VietGAP. Nói là 1,2 ha vì chỉ đăng ký như vậy, nhưng việc thực hành trồng cam theo quy trình này thì ông làm hết cả diện tích mình có.
Lý giải điều này, ông cho hay, chẳng thể tách bạch ra chỗ nào trồng thường, chỗ nào trồng VietGAP, đã đầu tư ra sao là đầu tư luôn thể cho tiện. Làm VietGAP không khó là khẳng định chắc như đinh đóng cột của ông Nhiệm - người đã trồng cam từ 18 năm nay: “Ai làm vườn, ai trồng cam cũng có thể làm VietGAP. Vấn đề là mọi người có tuân thủ đúng quy trình hay không thôi”.
Ông Nguyễn Minh Nhiệm (bên trái) - Tổ trưởng Tổ hợp tác Chuyên canh cam Thiên Tuế, Tổ trưởng Tổ trồng cam an toàn theo VietGAP trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cam với anh Hà Bảo Chung - cán bộ khuyến nông viên cơ sở xã Thượng Bằng La.
Quy trình cũng không ít, yêu cầu phải tỉ mỉ hơn, phải dành nhiều công sức hơn, song xét đến cùng, việc tuân thủ các bước đều tiện lợi và an toàn cho chính bản thân mỗi người làm vườn. Đơn cử ngày trước, cứ phun thuốc, bón phân xong là bao bì vứt lung tung, bừa bãi khắp mọi nơi trên đồi, trong vườn thì cũng chả thấy làm sao hay lấn cấn suy nghĩ tẹo nào bởi vườn nhà mình, đồi nhà mình, liên quan đến ai đâu mà sợ, mà ngại.
Thế nhưng, nay đã khác xưa rồi. Bao bì được gom lại chỗ cố định để xử lý sạch sẽ, tránh gây ô nhiễm môi trường. Ngay như diệt cỏ, người trồng cam đã chuyển từ phun thuốc diệt cỏ sang phát cỏ thủ công. Ở công đoạn này, nếu như đã thu gom bao bì thì không sợ dao phát bị vướng bởi các sợi bao bì tã ra, vậy là tiện hơn nhiều lại đỡ “cục tức” khi phải gỡ dao. Hạn chế các dòng thuốc hóa học, tăng cường sử dụng phân chuồng và dòng thuốc hữu cơ sinh học cũng góp phần bảo vệ môi trường đất, nước, không khí và quan trọng nhất là giúp cam bền cây, tuổi cây cao hơn.
Rồi cứ nguyên bộ đồ làm vườn, ông Nhiệm đưa mọi người tới thăm hộ anh Bùi Quốc Thịnh - một trong năm hộ thực hiện trồng 1 ha cam theo mô hình VietGAP. Thật may là có cả anh Đỗ Văn Thắng - một hộ nữa trồng cam VietGAP cũng đang chơi ở đây. Quả là nhắc tới VietGAP cũng cảm giác giống như đang chêm dầu cho ngọn lửa cháy sáng lên, rất thời sự, rất nhiệt huyết. Vườn cam nhà anh Thịnh đang được tiến hành phát cỏ và chống cành. Nhìn cách anh tỉa lá, chống cành cho cây cam, có cảm giác nhẹ nhàng, nâng niu đến lạ. Mê mải ngắm đồi cam quanh nhà anh đẹp như tranh, mươn mướt xanh mới cảm nhận thêm những nhận xét về anh chẳng sai rằng: “Thịnh trẻ nhưng kỹ thuật, kinh nghiệm trồng cam rất đáng nể!”.
Những cây cam lá xanh đậm, dày, khỏe, thả trĩu trịt đầu cành những quả cam mới to bằng quả chanh. Đồi cam này của gia đình anh Thịnh hoàn toàn có thể kết hợp làm các tuyến du lịch sinh thái vì quá ư hữu tình. Nhà có hơn 2 ha cam nhưng anh cũng đưa cùng vào cả quy trình trồng cam VietGAP.
Anh Thịnh và anh Thắng đều chung quan điểm như ông Nhiệm đã nói, cam VietGAP đòi hỏi công lao động nhiều hơn, tuân thủ quy trình khắt khe hơn nhưng bù lại là môi trường vô cùng xanh - sạch - đẹp. Bố anh Thịnh - ông Bùi Quốc Miễn có cách nói lúc tếu táo thì hài hước lắm, lúc nghiêm túc cũng thật chân tình.
Ông Miễn góp lời: “Thì cả vườn đầy bao bì, vỏ thuốc, thử hỏi sao không ô nhiễm, sao không nhiều sâu bệnh, mầm bệnh lây lan? Ngay cả khách đến xem vườn để mua cam còn thấy hãi nữa là. Giờ thì sao đây? Chả cần nói gì, cứ đến là thấy, thấy rồi mê ngay”. Anh Hà Bảo Chung - cán bộ khuyến nông viên cơ sở phụ trách xã Thượng Bằng La lúc ấy lên tiếng: “Đồi cam nhà chú Nhiệm vì thế nên mới có tổ ong to đùng đấy ạ!”.
À! ra vậy, chợt nhớ khi từ đồi cam nhà ông Nhiệm quay ra, đúng là có một tổ ong bằng cái mũ bảo hiểm xe máy có hàm loại to treo lơ lửng trên cây cam cạnh đường. Ngồi tại nhà anh Thịnh, khi ngang qua nhà anh Thắng mới thấm thía hơn ý nghĩa của việc hạn chế sử dụng thuốc hóa học đối với cây cam trồng theo mô hình VietGAP. Vườn cam, đồi cam ngay trước nhà, bên cạnh nhà, xung quanh bốn bề, nếu không có môi trường tốt thì đầu tiên chính người trong gia đình phải hứng chịu tất cả những ảnh hưởng không tốt, dù rằng chỉ là trực tiếp hàng ngày.
Anh Bùi Quốc Thịnh - một trong năm hộ trồng cam an toàn VietGAP ở Thiên Tuế chống cành cho cây cam.
Trong 5 hộ trồng cam VietGAP ở thôn Thiên Tuế có hai người là anh em ruột: ông Vũ Đức Oản và ông Vũ Như In. Gia đình ông Oản có tổng diện tích 1,4 ha cam đều trồng theo mô hình này. Nhà ông In có hơn 1 ha cam VietGAP nhưng cũng giống ông Nhiệm và anh Thịnh, ông In đưa tất hơn 3 ha cam hiện có vào trồng theo quy trình. Thực hiện mô hình nghiêm túc, ông In ghi chép hết sức cẩn thận mọi nội dung liên quan vào 3 quyển sổ: “Sổ theo dõi đầu tư”, “Sổ ghi chép công người làm”, “Sổ ghi chép sản xuất cây ăn quả theo hướng VietGAP”.
Thời gian, tên thuốc, đầu việc, số tiền… được ông In vào sổ rõ ràng, chi tiết. Điều đó cho thấy, công việc cần phải hết sức cẩn thận, cụ thể để bảo đảm những yêu cầu đặt ra từ phía các cơ quan quản lý.
Hai người anh em này cho rằng, trồng cam theo mô hình VietGAP, nói khó thì cũng khó mà nói dễ thì cũng dễ nhưng ai cũng đều có thể làm được nếu thực hiện đúng quy trình. Người trồng cam VietGAP phải tuân thủ đúng các quy định như thế này: người lao động phải có bảo hộ lao động, không bị ốm; trong vườn cam, đồi cam không được nuôi chó, nuôi mèo và phải có khu vệ sinh riêng; yêu cầu về nguồn nước sạch để tưới cam…
Ông Oản nhớ: “Tháng 11 năm 2015, khi vận chuyển cam từ đồi xuống ô tô, tôi đã tận dụng các vỏ bao bì cũ để đựng. Cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất liền nhắc nhở ngay và yêu cầu gia đình phải mua các bao bì mới, sạch, chưa từng qua sử dụng để đựng cam khi vận chuyển. Ngay cả việc thu hái cam cũng phải có một lớp bao lót sạch bên dưới, không được để cho cam chạm đất chứ không để rơi lung tung dưới đất như trước được nữa”.
Một công đoạn nữa phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người trồng cam là bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Có thể chỉ là một phút, một giờ hay một ngày, người trồng cam nếu quyết định ngay là có thể thu lợi hoặc “tuột” mất vài chục triệu đồng.
“Ranh giới mỏng lắm, nhẹ lắm bởi lúc nhu cầu thị trường “sốt”, nếu xuất bán đúng thời điểm thì lãi lớn ngay nhưng sẽ chọn gì khi phải một ngày nữa mới đủ thời gian cách ly? Có ai biết đấy là đâu, chặc lưỡi thì cũng xong thôi. Nhưng cũng có điều này nữa, người tiêu dùng được an toàn thì mình cũng mới an tâm, thanh thản. Thế nên, tôi chưa chặc lưỡi lần nào” - nghe tâm sự của ông Oản mà thật mừng lắm thay!
VietGAP (cụm từ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là: Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam. VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm trên cơ sở kiểm soát các mối nguy trong quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế. Đối với sản phẩm trồng trọt, từ năm 2008 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các VietGAP cho rau và quả tươi, chè búp tươi, lúa, cà phê. VietGAP là tự nguyện, không bắt buộc áp dụng. Để được chứng nhận VietGAP, cơ sở nghiên cứu tìm hiểu về VietGAP (tự nghiên cứu hoặc tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn về VietGAP) và áp dụng VietGAP vào sản xuất và/hoặc sơ chế. Sau khi áp dụng, cơ sở liên hệ với tổ chức chứng nhận VietGAP được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định để đăng ký chứng nhận. |
Nguyễn Thơm
(Bài 2: Đón đầu cơ hội mới)
Các tin khác
YBĐT - Trong nửa đầu năm nay, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khá tốt các quy định về lãi suất huy động và cho vay. Đến nay, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng, các quỹ tín dụng ước đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 8,2% so với với đầu năm và tăng 21,7% so với cùng kỳ.
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 1321/QĐ-UBND về việc công nhận làng nghề đan rọ tôm thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Theo Quyết định mới, bắt đầu từ ngày 15/8 tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được quyền điều chỉnh tăng giá điện từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định.
YBĐT - Kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2017 của tỉnh đã đi được nửa chặng đường. Kết quả cho thấy, tuy có sự phát triển, nhưng tốc độ tăng trưởng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.