Cam VietGAP - tạo thay đổi, đón cơ hội

Bài 2: Đón đầu cơ hội mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/7/2017 | 8:18:31 AM

YBĐT - Qua hai năm thực hiện theo mô hình VietGAP, 5 hộ trồng cam thôn Thiên Tuế cũng còn những vấn đề băn khoăn mà tự mình khó cáng đáng, nên cần đến sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. VietGAP là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, theo tính toán của các hộ này, người trồng cam đã phải đầu tư công sức, chi phí nhiều hơn so với lối canh tác truyền thống khoảng 20%.

Năm 2016, sản lượng cam ở thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) đạt khoảng 800 tấn quả.
Năm 2016, sản lượng cam ở thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) đạt khoảng 800 tấn quả.

>> Bài 1: Sản xuất nông nghiệp an toàn

Ông Vũ Đức Oản cụ thể hơn với các con số: “Riêng về công làm cỏ, nếu phun thuốc như lúc trước thì tốn 400 ngàn đồng mỗi héc - ta nhưng chuyển sang phát cỏ thủ công phải tốn gấp ba lần. Hay như công thu hái cũng tăng gấp hai lần vì thu hoạch theo quy trình VietGAP, mỗi người cắt được 5 tạ quả mỗi ngày đã giảm xuống còn 3 tạ, thậm chí chỉ 2 tạ ở các cây cao. Sử dụng các loại thuốc dòng sinh học để trừ sâu, chi phí cũng gần gấp đôi so với dòng thuốc hóa học; còn phân bón thì tăng không đáng kể nhờ hạn chế lượng đạm, kali. Trong sổ sách theo dõi, mỗi vụ trồng cam VietGAP, lợi nhuận của gia đình tôi sụt giảm khoảng 15 triệu đồng”.

Trong khi đó, thị trường và giá bán cam quả VietGAP hầu như chưa có được “đột phá” như kỳ vọng của các hộ khi tham gia mô hình. Thực tế, vẫn là các hộ cung cấp cho các thương lái chủ yếu ở địa bàn ngoài tỉnh từ các đầu mối cũ và bán lẻ tại vườn với mức giá không khác mấy so với sản phẩm cam quả trồng bình thường.

Anh Đỗ Văn Thắng - người “hết sức năng động và giỏi giang trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ cam” theo cách khen ngợi của ông Vũ Đức Oản - đã phân tích thế này: “Chênh lệch giữa hai sản phẩm cam quả hiện là như nhau hoặc có chênh lệch nhưng chưa cao, rơi vào một ngàn đồng mỗi cân. Người trồng cam nếu phun thuốc ép chín sớm, đầu mùa đã được bán thì đương nhiên giá cao. Cam VietGAP thì chín tự nhiên, đúng thời điểm rộ mùa, giá rẻ hơn là rõ. Tuy nhiên, khi giới thiệu cam trồng theo quy trình sạch, bảo đảm chất lượng thì luôn được thương lái thu mua hết trước dù họ trả giá vẫn vậy”.

Một thực tế nữa là, cam VietGAP không có mẫu mã đẹp bằng cam thường được phun thuốc dù chất lượng bảo đảm an toàn, ngọt, thơm, có thể bảo quản tự nhiên trong thời gian nửa tháng. Người tiêu dùng khi lựa chọn cam thường vẫn có tâm lý ưa thích mẫu mã đẹp, quả to, căng mọng, vỏ sáng màu và nhất là còn ham rẻ, rẻ hơn một vài giá thì chọn mua, thì thích.

Câu chuyện của thị trường tiêu thụ, của giá cam VietGAP tất nhiên dẫn tới và xoay quanh những gì đang thực sự còn là bất cập, tồn tại, hạn chế, vướng mắc của vấn đề sản xuất an toàn, của thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện thời mà không chỉ riêng của Yên Bái, của Văn Chấn, của Thượng Bằng La, của người Thiên Tuế.

Bà Vũ Thị Lợi - Bí thư Chi bộ thôn Thiên Tuế - vợ ông Vũ Như In vừa đứng ở góc độ cấp cơ sở thực hiện vừa trực tiếp trồng cam VietGAP khẳng định: “Cam VietGAP chưa đạt được mức giá như các hộ mong muốn là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, người tiêu dùng chưa biết đến, chưa phân biệt được sản phẩm này với sản phẩm thường. Thứ hai, sản phẩm chưa được biết đến vì chưa có tem nhãn cụ thể. Thứ ba, diện tích cam VietGAP ở Thiên Tuế chưa thể đáp ứng số lượng lớn cho các tổ chức, cơ sở thu mua, tiêu thụ uy tín mà chủ yếu được bán trên thị trường tự do, trôi nổi”.

Ba vấn đề bà Lợi nêu ra có mối quan hệ mắt xích, ràng buộc, hỗ trợ, không thể tách rời, nếu muốn đạt đến hiệu quả cao nhất thì phải tập trung giải quyết một cách đồng bộ. Trông vào tình hình tại Thiên Tuế, với 80 ha cam đang cho thu hoạch trong tổng số 120 ha cam hiện nay thì như năm 2016, sản lượng cam của cả thôn đạt khoảng 800 tấn. Nếu đưa toàn bộ diện tích cam vào thực hiện quy trình VietGAP thì mới mong đến thời điểm đón bắt được cơ hội bởi “thế” chỉ có thể được phát huy tối đa khi mà “lực” nội tại chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng.

Đồi trồng cam an toàn theo VietGAP của anh Bùi Quốc Thịnh.

Ông Nguyễn Minh Nhiệm chưa hết tiếc nuối để “rụng mối đậm” của năm ngoái do sơ suất không đáng có: “Một doanh nghiệp đặt hàng một ngàn tấn cam quả với chúng tôi thông qua trang website của Tổ hợp tác Chuyên canh cam Thiên Tuế. Hôm họ đến lấy mẫu quả tại các vườn để kiểm định, tôi đi vắng. Trong số đó, có cả mẫu của vườn đang trong thời gian chăm sóc, có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên họ không lấy hàng nữa”.

Sau lần ấy, ông Nhiệm càng chú trọng hơn nữa việc nhắc nhở, yêu cầu các tổ viên Tổ hợp tác Chuyên canh cam Thiên Tuế thực hiện sản xuất an toàn và sẽ phát sổ theo dõi cho từng hộ. Riêng các hộ thực hiện VietGAP, quá trình ghi chép, theo dõi, lưu giữ sổ sách càng phải chặt chẽ hơn. Trong vườn cam nhà anh Bùi Quốc Thịnh, ông “khoe” vừa có một doanh nghiệp miền Nam gọi điện muốn đặt hai ngàn tấn cam vụ này.

Làm kinh doanh với chính sản phẩm của gia đình làm ra, người trồng cam phải tính toán từng đồng tiền đầu tư, chi phí, thu hoạch, lợi nhuận. Nhìn nhận rõ ràng vấn đề này cũng để thấu hiểu hơn nỗi niềm của các hộ trồng cam VietGAP. Tâm lý của người làm ra sản phẩm an toàn là có thu nhập xứng đáng với sự đầu tư tiền của, công sức mà họ bỏ ra.

Ông Vũ Như In bày tỏ quan điểm: “Từ người sản xuất đến người tiêu dùng phải là một chuỗi liên kết, khép kín, đồng bộ. Nếu cứ bị đánh đồng về chất lượng, cứ mãi thua thiệt về lợi nhuận, chúng tôi khó có thể yên tâm gắn bó lâu dài. Điều này, cũng đòi hỏi đã thực hiện mô hình VietGAP là phải làm lâu dài, làm bền vững và phải có tính cộng đồng trách nhiệm”.

Tính cộng đồng trách nhiệm ở đây là sự đoàn kết, liên kết, ý thức tự giác của từng hộ đối với sản phẩm bảo đảm an toàn do gia đình sản xuất. Mỗi hộ sản xuất có thể đảm bảo về chất lượng sản phẩm làm ra thì việc truy nguyên nguồn gốc sản phẩm hoàn toàn dễ dàng thực hiện.

“Nếu có thể tiến hành thực hiện truy nguyên nguồn gốc cam VietGAP và được thế thì còn gì bằng!” là cách ông Bùi Quốc Miễn hưởng ứng rất mạnh mẽ, rất tự tin, nhanh trước cả anh con trai mình. Tất cả họ đều hướng tới một ngày thật gần, cam VietGAP của Thiên Tuế có mặt trên kệ hàng các chuỗi siêu thị lớn, uy tín của cả nước.

Anh Đỗ Văn Thắng mong mỏi: “Để có được ngày đó, chúng tôi thật sự rất cần các cơ quan Nhà nước giúp sức. Còn người trồng cam chúng tôi sẽ hoàn toàn cam kết về chất lượng sản phẩm, về sản xuất nông nghiệp sạch, về trách nhiệm với người tiêu dùng”.

Vợ chồng ông bà Vũ Như In, Vũ Thị Lợi kiểm tra sổ sách ghi chép theo dõi quá trình trồng cam an toàn theo VietGAP.

Cần đến sự giúp sức của các cơ quan quản lý Nhà nước, các hộ trồng cam VietGAP nêu một số nội dung cụ thể như: hướng dẫn kỹ thuật về cắt tỉa cành, cắt quả, bón phân… trực tiếp tại đồi cam, vườn cam; tăng cường kiểm tra, quản lý về chất lượng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xây dựng tem nhãn để tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm; tổ chức thêm nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm…

Ông Vũ Như In sôi nổi nói đến việc quảng cáo bán hàng cho cam VietGAP nói riêng, cam Văn Chấn nói chung. Ý kiến của ông là, sản phẩm đã tốt nhưng quảng cáo cũng rất quan trọng: “Bao bì cho sản phẩm phải dễ nhận biết, bắt mắt, chất liệu phù hợp. Đồng tiền mình bỏ ra thuê thiết kế là phải tính kỹ, tính chuẩn, tính đẹp”.

Họ - những người trồng cam VietGAP đầu tiên ở Thiên Tuế cũng là đầu tiên ở Thượng Bằng La, ở Văn Chấn. Dù còn những trăn trở, dù còn những khó khăn thì cũng không phải là khó giải thích, khó thông cảm. Tự họ đã nhận thức đúng đắn vấn đề khi mình là người đầu tiên, đi tiên phong, ắt sẽ gặp nhiều thử thách nhưng cũng có thể sẽ thuận lợi hơn, sẽ đón đầu được các cơ hội mới.

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn:

“Cam Văn Chấn đã được công nhận nhãn hiệu tập thể cuối năm 2016. Điều này, đòi hỏi sẽ phải đi cùng sản xuất nông nghiệp an toàn VietGAP đồng thời phải thực hiện cả việc truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền đến các hộ dân để tham gia trồng cam theo quy trình VietGAP. Về thị trường tiêu thụ, huyện trong thời gian tới đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về “Cam Văn Chấn”, cam VietGAP. Việc xây dựng tem nhãn, bao bì dành cho sản phẩm “Cam Văn Chấn”, UBND huyện đang xây dựng kế hoạch, giao cho Hội Nông dân huyện thực hiện.

Nâng cao sức cạnh tranh của “Cam Văn Chấn” trên thị trường, tăng giá trị sản phẩm, chúng tôi đang điều chỉnh các loại giống để rải đều thời gian cho thu hoạch cam trong mỗi vụ, tránh cùng rộ một thời điểm thì dễ bị ép giá, giá thấp. Đặc biệt, hiện nay, huyện Văn Chấn cũng đang triển khai thực hiện Đề tài Khoa học cấp tỉnh “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất cam theo chuỗi giá trị và đạt tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Văn Chấn và Lục Yên, tỉnh Yên Bái” do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Rau hoa quả Gia Lâm chủ trì và thời gian thực hiện sẽ tiến hành từ tháng 7/2017 đến tháng 3/2020.

Nguyễn Thơm

Các tin khác

YBĐT - Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 4.184 tỷ đồng, bằng 41,8% kế hoạch năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

YBĐT - Chiều 20/7, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Nhân viên Petrolimex đang bán xăng cho khách hàng.

Giá xăng trong nước chính thức tăng trở lại từ 15 giờ ngày hôm nay (20/7) với mức điều chỉnh từ 57-372 đồng/lít, kg.

Cao tốc Nội Bài -Lào Cai.

Sáng 20/7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục