Cây dược liệu ở Mù Cang Chải: Cần khai thác tương xứng với tiềm năng

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/8/2017 | 6:59:03 AM

YBĐT - Những năm qua, sản phẩm quả sơn tra, thảo quả của huyện Mù Cang Chải được tiêu thụ nhiều trên thị trường trong và ngoài tỉnh nên nhân dân đã phát triển trồng hai loại cây này. Hiện, toàn huyện có khoảng 2.442 ha cây sơn tra, 1.500 ha cây thảo quả.

Người dân Mù Cang Chải thu hoạch sơn tra.  (Ảnh: Đức Hồng)
Người dân Mù Cang Chải thu hoạch sơn tra. (Ảnh: Đức Hồng)

Năm 2016, sản lượng quả sơn tra tươi của huyện đạt trên 1.700 tấn, sản lượng thảo quả năm 2015 đạt trên 900 tấn. Với giá bán trung bình quả sơn tra tươi khoảng 10 nghìn đồng/kg, thảo quả tươi khoảng 30 nghìn đồng/kg, 2 loài cây dược liệu này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.

Những năm trước đây, trên địa bàn huyện, nhân dân còn trồng cây ý dĩ. Nhưng do thị trường tiêu thụ bấp bênh, không có đầu ra ổn định cho sản phẩm nên những năm gần đây người dân không quan tâm phát triển loại cây này, diện tích chỉ còn khoảng 5 ha.

Ngoài 3 loài cây dược liệu sơn tra, thảo quả, ý dĩ được nhân dân gieo trồng, chăm sóc, người dân còn khai thác các loại dược liệu trong tự nhiên như: đẳng sâm, chè dây, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, bổ cốt toái, sâm đá, ba kích, nấm linh chi, nấm phục linh…

Hầu hết các loại dược liệu này đều là dược liệu quý cần được bảo tồn để khai thác và sử dụng bền vững nhưng do địa bàn rộng, diện tích rừng lớn, người dân sống phân tán nên việc quản lý, khai thác dược liệu tự nhiên gặp rất nhiều khó khăn. Những loại dược liệu tự nhiên này đã, đang bị khai thác bừa bãi, cạn kiệt để bán cho tư thương với giá rẻ, chưa tương xứng với giá trị thực tế của dược liệu.

Năm 2012, trên địa bàn huyện có triển khai thực hiện 2 mô hình trồng dược liệu là mô hình đẳng sâm và đương quy; năm 2015, 2016 triển khai thực hiện mô hình trồng atiso. Các mô hình này đều sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, thị trường đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại, trên địa bàn huyện chưa có doanh nghiệp, tổ chức bảo đảm về mặt pháp lý để thu mua, sơ chế, tinh chế làm thuốc chữa bệnh từ các loại dược liệu này.

Sản phẩm sau khi thu hái và khai thác, nhân dân chủ yếu bán cho tư thương thu gom và vận chuyển để tiêu thụ tại các địa phương khác hoặc bán sang Trung Quốc.

Tiềm năng phát triển cây dược liệu của huyện là rất lớn, rất cần được quản lý, bảo tồn và khai thác bền vững, phát triển thành sản xuất hàng hóa sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, phát triển kinh tế của huyện. 

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì quy hoạch vùng trung du miền núi Bắc Bộ trong đó có tỉnh Yên Bái có 16 loài dược liệu, gồm 13 loài bản địa và 3 loài nhập nội đã đưa vào quy hoạch.

Để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng của các loài cây dược liệu trên địa bàn huyện, UBND huyện Mù Cang Chải đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và tham mưu giúp UBND tỉnh đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung thêm cho huyện Mù Cang Chải các loại cây trồng và vật nuôi vào quy hoạch làm dược liệu gồm: cây sơn tra, cây thảo quả, cây atiso và nuôi ong lấy mật.

Huyện cũng mong muốn các cấp, các ngành có chính sách đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm dược liệu trên địa bàn, đặc biệt làn sản phẩm sơn tra, thảo quả để nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm dược liệu, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đồng thời có chính sách quản lý, bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên phù hợp với vùng cao; tăng cường các nguồn vốn hỗ trợ, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân phát triển sản xuất, tự gieo trồng được các loài dược liệu để xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và khai thác bền vững các loài dược liệu tự nhiên.

H.Q

Các tin khác

YBĐT - 540 ngày là quãng thời gian không dài nhưng đã bước đầu đánh giá những cái được, cái chưa được, những khó khăn, hạn chế về thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở tỉnh Yên Bái.

Mô hình nuôi gà thả vườn mang lại hiệu quả cao.

Dự án do tổ chức W.P.Schmitz - Stiftung tài trợ, góp phần bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

KTNN yêu cầu chấn chỉnh tình trạng chồng chéo, trùng lắp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh, các cơ quan đơn vị thực hiện nhiệm vụ.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành Chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh hoạt động kiểm toán tránh chồng chéo, trùng lắp.

Cục CSGT khẳng định không tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông từ 1/8.

Cục CSGT (Bộ Công an) khẳng định, từ ngày 1/8, không tăng mức xử phạt hành chính trên lĩnh vực giao thông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục