Sản xuất rau an toàn: Tiền đề cho một nền nông nghiệp sạch

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/8/2017 | 11:12:24 AM

YBĐT - Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang trở nên vô cùng nhức nhối, câu hỏi đặt ra ở nhiều khâu từ giống, trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, bảo quản, chế biến và cả khâu cuối cùng là trên bàn ăn. Trước thực trạng đó, từ năm 2016 một lần nữa thành phố Yên Bái triển khai "sản xuất rau an toàn”. Sau hơn một năm đã có những kết quả nhất định và bộc lộ rõ những hạn chế cần khắc phục.

Mục tiêu của Đề án Sản xuất rau an toàn là nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe, cải thiện môi trường, đồng thời giúp nông dân nâng cao thu nhập từ trồng rau, tạo đòn bẩy để thành phố hướng tới một nền nông nghiệp sạch, bền vững. Sau hơn một năm được triển khai tại xã Âu Lâu, Văn Phú và Tuy Lộc đã đạt được những kết quả tích cực. Diện tích trồng rau không lớn, mới chỉ hơn 8 ha nhưng cái được lớn nhất là đã thu hút được sự vào cuộc tích cực của người dân và tạo sự chuyển biến rõ nét từ tư duy tới hành động. Sản lượng rau thu hoạch và cung ứng ra thị trường đã đạt con số trên 100 tấn rau các loại.
 
Thành lập được 3 tổ hợp tác sản xuất rau theo quy trình sản xuất rau an toàn tại thôn 1 xã Văn Phú với 31 thành viên tham gia, thôn Minh Long xã Tuy Lộc với 56 thành viên, thôn Đồng Đình xã Âu Lâu với 19 thành viên. Qua thực tế kiểm tra, giám sát và quy trình thực hiện cả 3 tổ hợp tác đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
 
Các sản phẩm rau của 3 tổ hợp tác đều áp dụng quy trình sản xuất rau VietGAP và được cấp có thẩm quyền cấp chứng nhận rau an toàn. Các sản phẩm rau an toàn, sản phẩm được đóng bao và đều gắn tem mác, truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm. Các thành viên trong các tổ hợp tác đều áp dụng quy trình nghiêm ngặt và được sự trợ giúp, tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc của các cán bộ khuyến nông. Nhờ vậy, đã làm thay đổi tư duy và phương thức sản xuất cũ hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch, giảm thiểu tác động đến môi trường, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.

Nói về sản xuất rau an toàn, ông Lê Toàn Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Âu Lâu cho biết: "Khi mới thực hiện sản xuất, Âu Lâu cũng gặp không ít khó khăn, việc sản xuất rau theo hướng hàng hóa thì người dân đã có truyền thống nhưng trồng rau sạch theo tiêu chuẩn thì không phải hộ nào cũng áp dụng. Bằng sự tuyên truyền vận động và sự hướng dẫn kỹ thuật tận tình, cặn kẽ và giám sát trong suốt quá trình sản xuất của cán bộ khuyến nông người dân đã sản xuất thành công. Tổ sản xuất rau an toàn thôn Đồng Đình đã ký kết với Công ty Nông sản Thành Nam để bao tiêu toàn bộ sản phẩm mang lại hiệu quả rất tốt. Đến hôm nay, người dân Âu Lâu đã sản xuất thành công rau an toàn và xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và xây dựng thương hiệu rau của xã đáp ứng nhu cầu thị trường và đi vào sản xuất bền vững”.
 
Một thành viên trong tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, thôn Đồng Đình phấn khởi nói: "Để có sản phẩm tốt, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, chúng tôi sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng quy trình từ làm đất, chọn giống, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ. Trồng rau sạch không khó, nhưng đòi hỏi sự chăm chỉ, tỉ mỉ hơn, bù lại cho thu nhập cao hơn nhiều so trồng lúa và cao gấp hai, gấp ba sản xuất rau thường. Bình quân mỗi héc-ta một năm cho thu nhập 500 triệu đồng. Một con số mà chỉ cách đây chưa lâu cả người dân Âu Lâu có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới”.
 
Quả vậy, con số 500 triệu/ha không phải người dân nào cũng dám mơ. Tôi thoạt nhẩm tính với 650 ha rau màu của thành phố, nếu mà đều sản xuất rau sạch, rau an toàn thì mỗi năm mang lại nguồn thu trên 300 tỷ đồng - một con số đáng mơ ước!  Có thể khẳng định sản xuất rau an toàn đã mang lại kết quả tốt, tuy nhiên vẫn còn có những khó khăn bất cập. Việc tiêu thụ sản phẩm vẫn còn gặp những khó khăn, chưa kết nối ổn định với thị trường để tạo đầu ra ổn định.
 
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phụ trợ còn chậm tiến độ theo dự án. Các tổ hợp tác chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất cụ thể về cơ cấu, mùa vụ và chủng loại rau màu. Không đa dạng loại rau, chưa trồng rải vụ dẫn đến sản phẩm khi thì quá nhiều, khi thì lại thiếu, sản phẩm đơn điệu, hiệu quả kinh tế không cao. Một số hộ dân vẫn ngại trong thay đổi sản xuất. Sản phẩm rau chủ yếu là bán lẻ, việc dán tem nhãn sản phẩm còn thấp. Chủ trương mỗi chợ có một quầy bán rau an toàn theo Đề án vẫn chưa thực hiện được. 

Mục tiêu hướng đến nền sản xuất xanh, sạch, tạo sự rõ nét hơn từ sản xuất đến bàn ăn đã và đang dần trở thành hiện thực. Nhưng thành phố cần chú trọng hơn nữa, phát triển hơn nữa chuỗi và điểm bán nông sản an toàn qua đó mở rộng cơ hội cho người dân tiếp cận nông sản. Muốn sản xuất rau an toàn hay nói chung là nông sản an toàn thì cần phải coi doanh nhiệp, hợp tác xã là "hạt nhân”, là "đầu tầu” đóng vai trò quyết định từ liên kết sản xuất gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ, phân phối trực tiếp trên thị trường.
 
Bên cạnh đó, người nông dân hiện nay không chỉ khó khăn về vốn mà còn rất khó khăn về thông tin thị trường, do đó ngành chức năng, doanh nghiệp đóng vai trò chính định hướng cho nông dân. Một vấn đề nữa là nông dân rất yếu trong quản trị nông nghiệp, do vậy, cần đào tạo nông dân về trình độ quản trị, năng lực sản xuất, công nghệ, sổ sách... Đào tạo nông dân về trách nhiệm cam kết, tồn tại lớn nhất trong sản xuất hàng hóa là để nông dân "tự bơi”, tự do trồng trọt, phát triển theo phong trào nên hay phá vỡ hợp đồng với HTX, doanh nghiệp để bán cho thương lái, trung gian. Nông dân phải có trách nhiệm với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nông dân thì chuỗi sản xuất nông nghiệp mới bền vững.

Thanh Phúc

Các tin khác
Lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng ở huyện Văn Yên tiếp tục có sự phát triển ổn định.

YBĐT - Những năm qua, sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp huyện Văn Yên có bước phát triển đột phá cả về số lượng và chất lượng, trong đó chế biến tinh dầu quế, tinh bột sắn, gỗ rừng trồng và khai thác vật liệu xây dựng là các ngành chủ lực, chiếm tỷ trọng tương đối lớn.

Hiện, toàn huyện Trấn Yên có 900 ha chè chất lượng cao.

YBĐT - Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi và từ thực tiễn, huyện Trấn Yên đã tìm ra cho mình các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh để phát triển tạo vùng hàng hóa tập trung gắn với chế biến, góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Điểm vượt biển có cao độ lớn nhất dự án Tân Vũ - Lạch Huyện.

Đường ôtô Tân Vũ -Lạch Huyện dự kiến thông xe vào ngày 4/9 tới. Dù cảng Lạch Huyện chưa khai thác nhưng tuyến này vẫn phục vụ nhiều mục tiêu khác nhau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục