Giao thông “đi trước, đón đầu”

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/8/2017 | 8:15:53 AM

YBĐT - Những năm gần đây, Yên Bái đã phát huy nội lực, huy động mọi nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đến nay, mạng lưới giao thông - vận tải (GTVT) trên địa bàn được đầu tư xây dựng với quy mô khá hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao với các địa phương trong vùng. Đây chính là một trong những động lực quan trọng để Yên Bái trở thành vùng đất lành về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. 

Cầu Bách Lẫm đang được khẩn trương thi công đưa vào sử dụng (ảnh phối cảnh).
Cầu Bách Lẫm đang được khẩn trương thi công đưa vào sử dụng (ảnh phối cảnh).

Xác định phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, Yên Bái đã sớm triển khai quy hoạch phát triển GTVT. 

Mới đây nhất là quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 được xây dựng trên cơ sở bổ sung những điểm mới, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du - miền núi phía Bắc và các quy hoạch của tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển; phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý để phát triển mạng lưới giao thông hợp lý, giảm thiểu chi phí vận tải, tiết kiệm chi phí xã hội; phát triển một cách đồng bộ, hợp lý, từng bước đi vào hiện đại, tạo mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các đô thị và nông thôn trên phạm vi của tỉnh và kết nối với các tỉnh, thành, các cửa khẩu, cảng biển... Song song với đầu tư xây dựng công tác bảo trì, bảo đảm khai thác hiệu quả, bền vững kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.
 
Đồng thời, đẩy mạnh việc nâng cấp và xây dựng mới các công trình kết cấu hạ tầng giao thông mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, trước hết là kết nối với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, kết nối các khu kinh tế trọng điểm, các trục giao thông  kết nối với các đô thị lớn và các vùng có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xóa đói giảm nghèo và phục vụ quốc phòng - an ninh. Bình quân mỗi năm, Yên Bái đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho phát triển mạng lưới giao thông, trên hệ thống quốc lộ 32, quốc lộ 32C, quốc lộ 70, quốc lộ 37 đều được đầu tư nâng cấp.
 
Hệ thống đường tỉnh, nhiều tuyến đường quan trọng được đầu tư nâng cấp như đường trung tâm Km5 - trung tâm thị trấn Yên Bình, đường Mậu A - Tân Nguyên, đường Khánh Hòa - Minh Xuân... đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi. Trước đây, trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất một cây cầu Yên Bái bắc qua sông Hồng thì nay đã có thêm cầu Mậu A, cầu Trái Hút, cầu Văn Phú.
 
Năm 2015, khởi công cầu Tuần Quán và đầu năm 2016, Yên Bái lại khởi công thêm cầu Bách Lẫm với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng. Đường Âu Cơ với 4 làn xe chạy nối liền trung tâm thành phố Yên Bái với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là con đường đẹp nhất, hoành tráng nhất và đắc lực nhất cho công cuộc phát triển.
 
Ngoài ra, tỉnh còn có 15 tuyến tỉnh lộ có chiều dài 439 km và 181 km đường nội thị hoàn chỉnh, kết nối thuận lợi không chỉ trong vùng Tây Bắc mà còn kết nối với vùng Đông Bắc và trung du miền núi phía Bắc, đáp ứng cho giao thương vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Nếu như trước đây, đi ô tô từ trung tâm thành phố Yên Bái đến Hà Nội mất ít nhất 200 phút, đi cảng Hải Phòng 300 phút hay đi cửa khẩu quốc tế Lào Cai trên 200 phút thì nay đi Hà Nội chỉ còn 75 phút, đi cửa khẩu quốc tế Lào Cai chưa đầy 90 phút, giảm 2/3 thời gian so với trước. Yên Bái - Hải Phòng 2,5 giờ, Yên Bái - Bắc Ninh 1,5 giờ, Yên Bái - Thái Nguyên chưa đầy 2 giờ...
 
Không chỉ phát triển hệ thống giao thông đô thị mà mạng lưới giao thông nông thôn cũng phát triển không ngừng. Từ một mạng lưới giao thông chủ yếu là đường đất, đường mòn đến nay đã có mạng lưới giao thông nông thôn lên 7.218 km, trong đó có 1.908 km được kiên cố hóa.
 
Ngay trong năm 2016 và 7 tháng của năm 2017 này các địa phương đã kiên cố hóa được cả trăm ki-lô-mét đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí thực hiện hàng chục tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 kiên cố hóa trên 435 km mặt đường giao thông nông thôn liên xã, liên thôn, mở mới 600 km đường thôn bản. 

Để hạ tầng GTVT ngày một đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển, ngành GTVT Yên Bái tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực, trong đó chú trọng nguồn nội lực cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia phát triển. Đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án có tính chất đột phá, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, du lịch trên địa bàn.
 
Tiếp tục triển khai nhanh các hạng mục Dự án đường nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với xã Vân Hội, huyện Trấn Yên; Dự án nâng cấp quốc lộ 32C đoạn từ Hiền Lương - cầu Yên Bái; Dự án nâng cấp quốc lộ 37 đoạn từ dốc Đát Quang - Ba Khe....
 
Đồng thời, triển khai một số dự án trong thời gian tới như: Dự án đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án đường nối quốc lộ 32C với đường Âu Cơ, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái (theo hình thức BT); Dự án kết nối quốc lộ 32 tại thị xã Nghĩa Lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC14 (vốn ADB của Bộ GTVT); đường Khánh Hòa - Văn Yên...
 
Qua đó, tạo thuận lợi để kết nối giao thương với các khu vực lân cận và cả nước, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông nhằm nâng cao chất lượng khai thác, bảo đảm giao thông thông suốt góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Thanh Phúc

Các tin khác
Nông dân xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình trồng mía cho thu nhập trên 60 triệu đồng/ha.

YBĐT - Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), những năm qua, huyện Yên Bình đã triển khai nhiều chính sách, chương trình, dự án như: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới… góp phần giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập giảm nghèo.

Công nhân Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái đóng gói sản phẩm.

YBĐT - Yên Bái xác định lấy công nghiệp làm khâu đột phá, tập trung vào các thế mạnh của tỉnh như chế biến chè, tinh bột sắn, chế biến gỗ, khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng...

Công trình nhà làm việc của khối đoàn thể và nhà văn hóa xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn được khởi công từ tháng 7/2017 và dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 11/2017.

YBĐT - Tính đến tháng 7/2017, trên địa bàn huyện Văn Chấn đang triển khai thi công và giải ngân 95 công trình (trong đó chuyển tiếp từ năm trước sang 75 công trình, khởi công mới 20 công trình) với tổng mức đầu tư trên 285 tỷ 300 triệu đồng.

Dù đã thông tuyến nhưng nhiều đoạn trên đường vào xã Chế Tạo bị mất hộ lan, sạt ta luy âm rất nguy hiểm.

YBĐT - Sau 20 ngày triển khai các biện pháp san gạt bùn lầy, đất đá đến 12 giờ trưa ngày 23/8 tuyến đường từ thị trấn Mù Cang Chải đi xã Chế Tạo đã thông toàn bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục