Chè không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà đã và đang là cây làm giàu trong nông nghiệp, nông thôn Yên Bái đã được khẳng định mấy chục năm nay. Yên Bái cũng là tỉnh có nhà máy chế biến chè lớn nhất Đông Nam Á vào những năm 70 của thế kỷ trước và luôn nằm trong tốp những tỉnh có diện tích, sản lượng chè lớn nhất.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây sản xuất, kinh doanh chè luôn gặp phải những khó khăn nhất định. Cái vòng luẩn quẩn được mùa rớt giá, mất mùa được giá, mạnh ai nấy làm, làm không bài bản, không theo quy hoạch; nông dân đổ lỗi cho doanh nghiệp, doanh nghiệp đổ lỗi cho nông dân và diện tích, sản lượng chè giảm theo hàng năm. Người làm chè không sống được bằng chè, doanh nghiệp chế biến kinh doanh chè thì èo uột.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, tại thời điểm tháng 6/2017, diện tích chè toàn tỉnh chỉ còn 8.695 ha, giảm 2.420 ha so với cùng kỳ năm 2016 và giảm 961 ha so với thời điểm thống kê tháng 12/2016.
Nguyên nhân dẫn đến giảm diện tích chè, ngoài việc thu hồi đất để làm các công trình giao thông, dân cư thì nguyên nhân chủ yếu là do nhiều năm giá chè tươi luôn ở mức thấp, hiệu quả kinh tế thấp, do đó các hộ dân không đầu tư chăm sóc mà bỏ hoang. Nhiều vùng, người dân đã tự chuyển đổi sang trồng các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Không chỉ giảm về diện tích, mà có đến 30% diện tích dân chỉ thu hái chứ không đầu tư chăm sóc, năng suất chỉ đạt 1 - 2 tấn/ha. Đối với những diện tích đầu tư thâm canh cao, ổn định năng suất, chè vẫn đạt 20 - 25 tấn/năm (vùng chè Nghĩa Lộ).
Những diện tích chè đã được trồng thay thế giống mới giai đoạn từ 2005 - 2015 và có sự quản lý của doanh nghiệp, năng suất bình quân đạt 12 - 15 tấn. Chè Shan vùng cao xã Nậm Búng, Gia Hội, huyện Văn Chấn, năng suất bình quân đạt 5 - 7 tấn/ha. Sản lượng chè búp tươi 6 tháng đầu năm 2017 đạt trên 32,7 nghìn tấn, giảm gần 6 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2016 và đến tháng 8/2017 ước đạt 48 nghìn tấn, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp chế biến chè, sản lượng chè búp tươi tính đến thời điểm hiện nay chỉ đạt khoảng 50 - 60% so với cùng kỳ năm 2016.
Năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 65/115 cơ sở chế biến, kinh doanh chè (có đăng ký) hoạt động, tại thời điểm kiểm tra tháng 7 - 8/2017 do Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản thì có 53 đơn vị hoạt động. Do nguồn nguyên liệu thiếu hụt nên chỉ có khoảng 10 đơn vị có nguyên liệu để sản xuất ổn định và số cơ sở còn lại, sản lượng chỉ đạt 30 - 50% so với cùng kỳ năm 2016; một số đơn vị không có nguyên liệu chế biến.
Để bổ sung nguồn nguyên liệu, một số đơn vị đã chủ động thu mua từ các tỉnh lân cận (Phú Thọ, Tuyên Quang), nhưng sản lượng không lớn. Do thiếu nguyên liệu nên một số doanh nghiệp đã dừng chế biến chè búp tươi, chỉ chuyên thu mua chè bán thành phẩm để sàng cắt, phân loại và làm thương mại là chính.
Nhằm tháo gỡ khó khăn và khôi phục lại sản xuất, kinh doanh chè, giải pháp cấp bách hiện nay là phải bảo vệ diện tích chè hiện có, không để tình trạng chặt phá chè, trồng xen cây lâm nghiệp, cây ăn quả trên diện tích chè đã có và trên đất đã được quy hoạch trồng chè. Tổ chức quản lý và áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm khôi phục và tăng năng suất cho diện tích chè hiện có.
Tiếp tục phát triển diện tích chè Shan vùng cao và trồng cải tạo thay thế giống chè cũ, chè già cỗi vùng thấp. Xây dựng mối liên kết hiệu quả, bền vững giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng chè. Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi sang sản xuất chế biến chè xanh, chè có chứng nhận, chè sạch.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ phối hợp cùng UBND các huyện, các xã và các doanh nghiệp cần tổ chức đánh giá và xây dựng phương án bảo vệ diện tích chè hiện có. Tiến hành tổ chức đào tạo cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông cơ sở tại các vùng trồng chè, cán bộ nông nghiệp của các nhà máy về các kỹ thuật cơ bản trong quản lý nương chè, quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các chứng chỉ nông nghiệp khác (Rianforest; SAN, IDH…).
Ngành nông nghiệp phối hợp cùng các địa phương, đơn vị chế biến, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi, mô hình sản xuất chè xanh chất lượng cao tại các xã có lợi thế như Suối Giàng, huyện Văn Chấn; xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên; xã Hán Đà, huyện Yên Bình để làm mô hình học tập, nhân rộng. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ sở chế biến nhỏ lẻ liên kết hoạt động trong hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc các làng nghề sản xuất chè xanh. Thực hiện đăng ký kinh doanh để có sự quản lý, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ của cơ quan chức năng. Đồng thời, mỗi hộ trồng chè, mỗi doanh nghiệp chè hãy nỗ lực đầu tư sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn.
Thanh Phúc