Có một làng nghề ở Đông hồ

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/9/2017 | 7:11:19 AM

YBĐT - Đến với xã Phúc An, huyện Yên Bình những ngày tháng 9, khi mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đây phấn khởi được đón nhận quyết định công nhận làng nghề đan rọ tôm thôn Đồng Tâm mới thấy hết cái không khí rộn ràng. Hình ảnh ấn tượng đầu tiên là dọc tuyến đường dẫn vào thôn Đồng Tâm ngập tràn những chiếc rọ tôm buộc thành từng túm hong khô trước sân nhà, khiến chúng tôi không khỏi tò mò để rồi "say” với câu chuyện của làng nghề đã gắn bó bao đời với bà con vùng Đông hồ Thác Bà.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm rọ tôm.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm rọ tôm.

"Bên cạnh nghề chính là trồng lúa, trồng màu, người dân nơi đây còn có nghề đánh bắt cá tôm. Với nguồn lợi thủy sản phong phú, hồ Thác Bà đã tạo kế sinh nhai cho nhiều hộ dân. Nghề đan rọ tôm cũng được hình thành từ đó. Theo các cụ cao niên trong làng, nghề đan rọ tôm xuất hiện ở địa phương từ những năm 70 của thế kỷ trước và người đầu tiên mang nghề đan rọ tôm về với địa phương là cụ Trần Văn Thành” - cuốn theo câu chuyện của Chủ tịch UBND xã Phúc An Trần Tiến Thơm, chúng tôi đã đến nhà cụ Thành tự lúc nào. Năm nay đã gần 80 tuổi nhưng cụ Thành trông vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Sân nhà ngổn ngang đủ các loại giang, tre, nứa cùng rất nhiều những chiếc rọ đã làm xong chờ thương lái đến thu mua.
 
Nhấp ngụm trà, cụ  nhớ về ngày đầu tiên khi ông đi học nghề đan rọ tôm: "Cuộc sống của bà con vùng ven hồ Thác Bà trước đây khó khăn lắm. Một lần tôi đi Phú Thọ chơi, thấy ở đó mọi người đan nhiều rọ tôm và từ người già đến trẻ con ai cũng làm được. Thấy vậy, tôi xin học nghề. Nghề đan rọ tôm bén duyên với đất Phúc An từ đó. Lúc đầu, đan để phục vụ công việc mưu sinh của gia đình, sau thấy nhiều người có nhu cầu, tôi đan bán. Rồi bà con cũng sang học để đan rọ tôm, thế là từ đó người người, nhà nhà đều đan rọ tôm”.

- Nay thôn Đồng Tâm đã được công nhận là làng nghề, cụ thấy thế nào ạ? - tôi hỏi.

- Vui lắm, tự hào lắm! Làng nghề được giữ gìn và phát huy, không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn là nét đẹp văn hóa riêng của bà con ven vùng hồ - cụ Thành phấn khởi.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Đỗ Thị Yến - người đã gắn bó với nghề đan rọ tôm cũng ngót 40 năm. Từ xa đã nghe tiếng cười nói rôm rả của các bà, các chị đang đan rọ tôm trước sân nhà. "Phấn khởi lắm nhà báo ạ! Nghề đã gắn bó với bà con nay lại được tỉnh ghi nhận, tôn vinh khiến chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục yêu nghề, gắn bó với nghề” - bà Yến hồ hởi.
 
Tay thoăn thoắt đan hom, bà Yến bảo: "Đan rọ tôm không phải là công việc nặng nhọc, ai cũng có thể làm nhưng để làm ra chiếc rọ tôm chất lượng, tôm dễ vào, khó ra cũng là cả quá trình tâm huyết của người làm nghề. Nghề đan rọ có nhiều công đoạn từ chẻ nan, đan hom, đan thân rọ, trong đó khó nhất là đan hom. Công đoạn này đòi hỏi người làm phải thật khéo léo bởi nan hom phải vót đều, đầu nan hơi nhọn, trơn nhẵn để tôm chui vào không bị vướng đầu và khi đã chui vào rồi thì khó chui ra được”.
 
Như thế mới thấy, mỗi chiếc rọ tôm được làm ra không chỉ là một sản phẩm thủ công đơn thuần mà còn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng Đông hồ, chứa đựng trong đó hồn cốt quê hương và tâm huyết của người làm nghề. Với bà Yến, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định đầu ra nên không thể chạy theo số lượng. Mỗi tháng, gia đình bà cung cấp ra thị trường khoảng 600 - 700 rọ tôm với giá trung bình 5.000 đồng/chiếc, mang lại trên 3 triệu đồng/tháng.

Rọ tôm có 2 loại là rọ tế và rọ nứa. Nếu xét về hình thức thì rọ tế đẹp, nhỏ hơn rọ nứa. Mỗi loại rọ đều dùng đánh bắt tôm nhưng cách sử dụng thì khác nhau. Rọ tế nhỏ, khi đánh bắt được dùng cắm xuống bùn, rọ nứa to hơn chút được thả dây ở những chỗ nước sâu.
 
 
Tại thôn Đồng Tâm, người người, nhà nhà đều đan rọ tôm.
 
Thôn Đồng Tâm hiện có hơn 80% hộ dân sinh sống, phát triển kinh tế bằng nghề đan rọ tôm. Những năm trước, chưa ai thống kê số lượng rọ tôm làm ra nhưng 2 năm trở lại đây, con số thống kê đã khiến những người gắn bó với nghề không khỏi tự hào. Năm 2015, sản lượng đan rọ cả năm đạt 1,36 triệu chiếc, bà con trong thôn thu về trên 5,1 tỷ đồng, chiếm 61% tổng doanh thu của làng.
 
Còn năm 2016, 72/84 hộ đã sản xuất được 1,4 triệu chiếc, thu 5,32 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng. Những con số ấy thể hiện sự chăm chỉ của những người nông dân nơi đây. Từ hiệu quả đó, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm chỉ đạo người dân tích cực đan rọ tôm, vừa để gìn giữ nghề truyền thống vừa tăng nguồn thu nhập. Vui hơn cả khi rọ tôm ở Phúc An được thương lái từ Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu về thu mua.
 
Chị Nguyễn Thị Tần - lái buôn tỉnh Phú Thọ chuyên thu mua rọ tôm ở Phúc An mang đi tỉnh Sơn La, Lai Châu cho biết: "Chúng tôi làm nghề buôn rọ tôm cũng đến chục năm nay rồi. Cũng đã lấy rọ tôm ở nhiều nơi song rọ tôm ở xã Phúc An được nhiều người ưa dùng bởi chất lượng tốt, đánh bắt hiệu quả cao”.

Những tâm huyết, gắn bó với nghề của bà con nơi đây đã được ghi nhận, tôn vinh, khẳng định thương hiệu sản phẩm khi được UBND tỉnh Yên Bái công nhận Đồng Tâm trở thành làng nghề theo Quyết định số 1321 ngày 18/7/2017. Vừa qua, UBND huyện Yên Bình tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận giấy công nhận làng nghề đan rọ tôm cho thôn Đồng Tâm. Đó là niềm vinh dự, tự hào của bà con và cũng là bước khởi đầu quan trọng để xây dựng thương hiệu sản phẩm rọ tôm nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản đặc sản của huyện Yên Bình nói chung.
 
Bà Tô Thị Ánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: "Được công nhận làng nghề sẽ là bước ngoặt quan trọng, tạo sự khởi đầu mới để thôn Đồng Tâm gìn giữ bảo tồn và phát huy hiệu quả ngành nghề nông thôn, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Để làng nghề phát triển bền vững, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ làng nghề để người dân được tiếp cận về quy trình cải tiến mẫu mã sản phẩm rọ tôm gắn với quy trình sản xuất các sản phẩm mới. Đồng thời, mở rộng thị trường cho sản phẩm, kết hợp với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Chia tay làng nghề rọ tôm thôn Đồng Tâm, không quên chụp lại vài tấm ảnh làm kỷ niệm với những chiếc rọ tôm tuy nhỏ bé nhưng mang lại thu nhập chính cho người dân đất này, chúng tôi vẫn còn trăn trở bởi bà con nơi đây vẫn chủ yếu sản xuất sản phẩm theo kiểu nhỏ lẻ, sự liên kết chưa chặt chẽ, việc tiếp cận các nguồn vốn còn khó khăn. Bởi thế, bà con làng nghề cần lắm sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, các nghệ nhân để làng nghề đầu tiên của huyện Yên Bình phát triển bền vững, trở thành làng văn hóa du lịch cộng đồng đặc sắc trong tương lai gần, đón thêm nhiều du khách gần xa đến khám phá, trải nghiệm nét sinh hoạt của bà con các dân tộc vùng Đông hồ Thác Bà.

Thanh Chi - Hoài Văn

Các tin khác
Các đại biểu cùng nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa thuần Nam Hương 4.

YBĐT - Vừa qua, tại phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng nông - lâm nghiệp Thái Bình, tỉnh Thái Bình tổng kết mô hình liên kết sản xuất giống lúa thương phẩm Nam Hương 4.

YBĐT - Trong thời gian gần đây, hàng chục ha cây ăn quả có múi (chủ yếu là cam, quýt) thuộc xã Minh An, Nghĩa Tâm, Tân Thịnh, Thượng Bằng La, thị trấn Nông trường Trần Phú... bị sâu bệnh gây hại chết (nghi thối rễ).

YBĐT - Chiều 18/9, đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra, rà soát, đề xuất giải pháp xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở taluy tại tổ 8, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái.

Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh rượu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục