Tăng thu nhập và bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/9/2017 | 6:52:23 AM

YBĐT - Hàng năm, cứ vào vụ thu hoạch, khắp cánh đồng Mường Lò lại nghi ngút khói do nông dân đốt vỏ trấu gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, gần đây, nhiều nông dân ở xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn đã tận dụng vỏ trấu, rơm rạ sau thu hoạch để trồng nấm sò cho thu nhập cao, mở ra một hướng đi mới cho nông dân vùng Mường Lò đồng thời góp phần bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình trồng nấm của gia đình ông Hà Văn Việt
Mô hình trồng nấm của gia đình ông Hà Văn Việt

Bắt đầu trồng nấm trong khoảng 2 năm gần đây, đến nay, vợ chồng ông Hà Văn Việt, thôn Khá Thượng 1, xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn đã làm chủ được công nghệ trồng nấm sò từ nguyên liệu tại chỗ. Ông Việt cho biết: "Tôi đã nghe chuyện trồng nấm từ mùn cưa, rơm rạ từ lâu nhưng không mấy quan tâm. Trước đây, sau mỗi vụ gặt, chúng tôi lại đốt rơm rạ, vỏ trấu ngay trên cánh đồng vừa gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông vừa lãng phí nguồn nguyên liệu lớn trong sản xuất, phát triển kinh tế. Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhận thấy nghề trồng nấm được nhiều địa phương nhân rộng, đầu ra cũng không quá khó, lại có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú từ thu hoạch lúa, vì vậy, từ năm 2014 tôi bắt đầu tìm hiểu nghề trồng nấm”.

Sau một thời gian chịu khó học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, ông Việt đã mạnh dạn bắt tay vào trồng nấm bằng rơm, vỏ trấu. Ban đầu, ông chỉ thử nghiệm trồng vài chục bịch nấm sò. Tuy nhiên, do kinh nghiệm còn thiếu, tỷ lệ sống của nấm không cao, bị hỏng nhiều nhưng không vì thế mà ông Việt nản chí. Ông tiếp tục tìm đến các mô hình trồng nấm quy mô lớn tại các địa phương trong và ngoài tỉnh để học hỏi thêm kinh nghiệm trồng nấm. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần dần, tỷ lệ các bịch nấm cho số lượng nấm sống khỏe và đạt chất lượng ngày một tăng lên.
 
Ông Việt bắt đầu nhân rộng số lượng bịch ủ và lên kế hoạch mở rộng quy mô lán xưởng để sản xuất. Trên diện tích lán hơn 100 m2, do chưa có nguồn vốn lớn, ông chỉ đầu tư hệ thống giàn treo bịch nấm bằng tre, gỗ tận dụng của gia đình, đến nay, trong lán của ông thường xuyên duy trì gần 700 bịch nấm sò. Với giá trung bình từ 30 - 40 nghìn/kg nấm, mỗi năm ông Việt thu về trên 50 triệu đồng.

Ông Việt chia sẻ: "Trồng nấm sò có đặc thù riêng là ngày nào cũng có thể thu hoạch và từ khi mầm nấm nhú ra cho đến khi thu hoạch chỉ mất hơn 1 ngày”.
 
Trồng nấm sò không phải chăm sóc vất vả, dãi dầm nắng mưa như trồng những loại nông sản khác. Về nguyên liệu, trồng nấm sò cũng dễ kiếm hơn các loại nấm khác, chủ yếu là vỏ trấu, rơm rạ và các phụ gia khác như: cám ngô, gạo nghiền, vôi, bột nở, đường...
 
Hơn nữa, nấm sò là thực phẩm sạch, sử dụng nguyên liệu hữu cơ, từ lúc ủ men, chăm sóc, cho đến khi thu hoạch chỉ cần tưới nước sạch nên bảo đảm thân thiện với môi trường. Sản phẩm nấm sò cũng được nhiều người tin dùng bởi đảm bảo sức khỏe và độ dinh dưỡng cao.
 
Điều quan trọng nhất khi trồng nấm sò, đó là chú ý đến phương pháp xử lý, diệt khuẩn mùn cưa trước khi cấy giống, bởi theo ông Việt, đây là yếu tố quyết định cho cây nấm sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, mặt bằng lán trại cũng cần giữ độ thoáng mát, bảo đảm nhiệt độ không vượt quá 28 độ C.

Mạnh dạn tìm tòi, học hỏi và quyết tâm làm giàu, mô hình trồng nấm của ông Hà Văn Việt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và là mô hình kinh tế điển hình tại địa phương. Hiện nay, thôn Khá Thượng 1 có trên 20 hộ trồng nấm sò. Nghề trồng nấm không những góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cao thu nhập mà còn mở ra một hướng sản xuất mới cho nông dân vùng cánh đồng Mường Lò; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông.

Anh Dũng

Các tin khác

YBĐT - Năm 2017, Chi cục Thuế huyện Trấn Yên được tỉnh giao dự toán thu ngân sách trên địa bàn 60 tỷ đồng, huyện phấn đấu thu 73 tỷ đồng. 

Lãnh đạo Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Nghĩa Lộ rà soát dư nợ cho vay hộ nghèo.

YBĐT - Việc đầu tư vốn chương trình cho vay hộ nghèo đã quan tâm tới chất lượng, vừa thực hiện cho vay đúng đối tượng, vừa nâng suất đầu tư bảo đảm phù hợp với nhu cầu sử dụng của người nghèo. 

Hiệu quả kinh tế từ cây ăn quả mang lại cho người dân Bạch Hà thể hiện rõ nét khi bộ mặt nông thôn dần thay đổi, thu nhập người dân tăng theo từng năm.

YBĐT - Hết năm 2016, Bạch Hà đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có một số tiêu chí đạt cao như: giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng, chợ, nhà ở dân cư, y tế... 

Sản xuất giấy vàng mã xuất khẩu tại Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.

YBĐT - Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, với 17 máy sản xuất giấy của 9 nhà máy với công suất bình quân của 1 máy đạt từ 1.300 tấn đến 1.500 tấn/năm, nếu tính tối đa 1.500 tấn/năm thì mỗi năm trên địa bàn tỉnh cần 25.500 tấn nguyên liệu tre, nứa, vầu. Trong khí đó, các nhà máy thu mua tại tỉnh mới chỉ đạt từ 10.000 – 13.000 tấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục