Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam
- Cập nhật: Thứ ba, 10/10/2017 | 8:55:58 AM
YênBái - Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) sẽ lần đầu tiên được tổ chức trong dịp tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng đầu tháng 11.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại buổi họp báo.
|
Các hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp "nhân đôi” giá trị gia tăng cho Việt Nam trong tuần lễ cấp cao này, thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh điều này trong cuộc họp báo sáng 9/10 do VCCI tổ chức về các sự kiện của doanh nghiệp trong tuần lễ cấp cao APEC từ 6-11/11.
Cơ hội cho cả 63 tỉnh, thành
Ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), cho biết mới đây Hội đồng đã trình Chủ tịch nước các khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp khu vực APEC cho tuần lễ.
20 khuyến nghị tập trung vào 4 vấn đề: Hội nhập kinh tế khu vực; kết nối khu vực về thể chế, hạ tầng và con người; phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế.
Được biết, đại diện các nền kinh tế thành viên khác của APEC sẽ tiếp tục đề xuất các khuyến nghị.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết trong các tuần lễ cấp cao APEC, các hoạt động của doanh nghiệp luôn chiếm vị trí quan trọng. Trong tuần lễ tới đây, ngoài các sự kiện được tổ chức theo thông lệ, sẽ có các sự kiện được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam.
Cụ thể, 2 sự kiện theo thông lệ gồm cuộc họp của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC và Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit), bàn về các vấn đề kinh tế toàn cầu, các xu hướng đối thoại, hợp tác, hội nhập và cải cách.
"Đây sẽ là cuộc hội ngộ của những người đứng đầu các nền kinh tế, các doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực, tức là các "kiến trúc sư” và các động lực chủ yếu của các nền kinh tế APEC”, ông Lộc nói. Theo dự kiến đến nay, sẽ có khoảng 1.200 đại biểu dự Hội nghị trên.
Còn sự kiện được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam là Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Việt Nam Business Summit – VBS), kết hợp với triển lãm xúc tiến đầu tư của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tập trung bàn về cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đây là kỳ VBS đầu tiên được tổ chức và dự kiến tới đây sẽ được tổ chức thường niên.
Ngoài 3 hội nghị nói trên, các cuộc đối thoại bên lề giữa các doanh nghiệp với các nhà lãnh đạo APEC cũng sẽ được tổ chức.
"Như vậy, các hoạt động của doanh nghiệp tại APEC sẽ tập trung vào 2 nội dung: đối thoại góp phần xây dựng chính sách và kết nối đầu tư, kinh doanh. Việc tham gia đóng góp vào định hình chính sách là rất quan trọng, nhưng tuần lễ cấp cao APEC cũng là cơ hội rất lớn để Việt Nam xúc tiến thương mại, đầu tư”, Chủ tịch VCCI nói.
VCCI khẳng định sẽ hỗ trợ 63 địa phương chuẩn bị các tài liệu xúc tiến đầu tư theo chuẩn mực thế giới, với sự tư vấn quốc tế.
Hai "tài nguyên" lớn nhất cho APEC trong bối cảnh mới
Nói kỹ hơn về tinh thần của các hoạt động của doanh nghiệp trong tuần lễ đặc biệt này, ông Vũ Tiến Lộc cho biết sẽ nhấn mạnh yêu cầu phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Một ví dụ điển hình cho vai trò của phụ nữ trong các nền kinh tế APEC là Trung Quốc. Hiện tại quốc gia này, chỉ có 25% doanh nghiệp nói chung do phụ nữ làm chủ, nhưng tại khu vực liên quan tới thương mại điện tử thì có tới 55% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
"Trong bối cảnh kinh tế thế giới trở nên bất định, công nghệ thông tin bùng nổ, thương mại điện tử phát triển thì các doanh nghiệp siêu nhỏ có thể tham gia và trở thành chủ thể năng động, sáng tạo của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta có thể kỳ vọng các doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ là động lực mới, làm thay đổi bộ mặt kinh tế thế giới, kinh tế số. Đây là những "tài nguyên” lớn nhất chưa được phát động”, ông Lộc bày tỏ kỳ vọng.
Cũng theo ông Lộc, tuần lễ cấp cao APEC năm nay diễn ra trong bối cảnh mới của kinh tế thế giới, "rất khác so với kỳ APEC 2006 tại Việt Nam”. Đó là chủ nghĩa bảo hộ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự đảo chiều của hoạt động thương mại và đầu tư với việc dịch chuyển các dây chuyền sản xuất về lại các quốc gia phát triển.
"Theo chúng tôi, nền kinh tế thế giới cần một định hình mới và sự định hình này trước hết sẽ diễn ra tại APEC, khu vực đang dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu. APEC và cả Việt Nam đang cần những động lực mới cho sự phát triển, trước yêu cầu phát triển phải sáng tạo hơn, bao dung, nhân văn hơn, bền vững hơn, không gây tổn thương cho các đối tượng yếu thế, để không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Lộc nhận định.
Chủ tịch VCCI cũng bày tỏ lòng tin vào sự năng động, sáng tạo của người dân và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ của Việt Nam, trong bối cảnh kết nối toàn cầu đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, bất kỳ một ai cũng có thể tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng trên toàn cầu, khi ngồi tại nhà cũng có thể bán hàng sang Mỹ, Nhật… "Các kiến nghị của ABAC cũng chính là những trọng tâm ưu tiên trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay”, ông Lộc nhận định.
Các tin khác
Tính đến ngày 1/7/2016, cả nước đã xây dựng được 2.262 cánh đồng lớn, trong đó chủ yếu là trồng lúa, trồng rau...
YBĐT - Theo ngành nông nghiệp, mặc dù từ đầu năm đến nay, thị trường đầu ra trong chăn nuôi lợn gặp khó khăn, dẫn tới giá lợn hơi xuống thấp gây ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, nhưng tại thời điểm tháng 9/2017, toàn tỉnh có 515.000 con lợn, đã tăng 5.297 con so với cùng kỳ năm trước.
YBĐT - Do mưa kéo dài nhiều ngày qua, đến khoảng 19 giờ 30 chiều nay (9/10), đất đá trên ta luy dương ở khu vực ghi phía nam ga Lâm Giang (địa phận huyện Văn Yên) sạt xuống, gây ách tắc giao thông cả đường bộ và đường sắt qua địa bàn.
YBĐT - Do ảnh hưởng của lưỡi áp cao lục địa tiếp tục suy yếu, trên cao áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây, trong những ngày qua, trên địa bàn huyện Văn Yên có mưa vừa, mưa to. Vào lúc 19 giờ 30 phút hôm nay ( 9/10), tuyến đường tỉnh 164 (An Bình - Lâm Giang) đã bị sạt ta luy gây tắc đường.