Yên Bình là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp với tổng diện tích tự nhiên trên 77.230 ha; trong đó, diện tích đất nông nghiệp có 57.690 ha. Đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng công nghiệp, cây ăn quả có múi, cây lương thực và có nhiều điều kiện tốt để phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà. Đó là những lợi thế lớn để huyện Yên Bình triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: "Để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Yên Bình giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã thành lập Tổ công tác chỉ đạo thực hiện Đề án do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Tổ trưởng. UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện và phân bổ chỉ tiêu cho các xã, thị trấn, đồng thời điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, UBND huyện đã ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện; chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Nông nghiệp nông thôn (NN&PTNT) huyện cùng các cơ quan trong khối nông nghiệp phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản gắn với Đề án đến người dân kịp thời, công khai, minh bạch, bảo đảm hiệu quả...”.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ gắn với Đề án, huyện Yên Bình đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án như: Đề án Phát triển cây ăn quả; Đề án Phát triển cây quế; Đề án Phát triển thủy sản; Đề án Phát triển chăn nuôi...
Để được tận mắt chứng kiến những kết quả đạt được trong việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, chúng tôi có chuyến đi thực tế cùng đoàn nghiệm thu của Sở NN&PTNT, Sở Tài chính và Phòng NN&PTNT huyện kiểm tra, nghiệm thu đóng mới các lồng cá hỗ trợ cho các hộ dân ở thị trấn Yên Bình và xã Thịnh Hưng nuôi trồng thủy sản trong năm 2016 và 9 tháng năm 2017.
Chiếc tàu cao tốc chạy như bay trên hồ Thác Bà đưa chúng tôi đi tham quan các lồng cá ở tổ địa phận 11 thị trấn Yên Bình, rồi lên địa phận giáp ranh giữa thị trấn Yên Bình với xã Đại Đồng, Mông Sơn, vòng qua Thủy điện Thác Bà về xã Thịnh Hưng. Đến đâu cũng gặp những lồng cá của các hộ dân đang nuôi và lồng cá mới đóng chuẩn bị thả cá, đặt khắp các ngách của hồ Thác Bà...
Trên đường đi, anh Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Bình thông tin nhanh: Thực hiện chính sách hỗ trợ đóng mới lồng nuôi cá, năm 2016, huyện Yên Bình đã hỗ trợ các hộ dân và hợp tác xã đóng mới được 223 lồng nuôi cá, tổng kinh phí hỗ trợ là 2.080 triệu đồng (đối với cơ sở của các hộ dân được hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng; hợp tác xã 5 triệu đồng/lồng).
Trong 6 tháng đầu năm 2017, huyện tiếp tục hỗ trợ các hộ dân đóng mới 120 lồng nuôi cá, tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ là 1.200 triệu đồng. Cùng với thực hiện chính sách hỗ trợ đóng mới lồng nuôi cá, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm nay, huyện đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cá quây lưới cho 29 cơ sở với trên 137 ha.
Trong đó, năm 2016 đã hỗ trợ 16 cơ sở với diện tích 88 ha, tổng kinh phí hỗ trợ là 300 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2017, hỗ trợ 13 cơ sở với diện tích trên 49 ha với số tiền là 307 triệu đồng, còn 7 cơ sở đăng ký thực hiện sau diện tích 23,7 ha, huyện đang giải ngân hỗ trợ. Mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện có 1.080 ha mặt nước nuôi cá gồm: 580 ha ao và hồ, đập thủy lợi nuôi cá, 400 ha nuôi cá quây lưới và 100 ha mặt nước hồ Thác Bà nuôi 1.000 lồng cá...
Cơ sở nuôi cá lồng của hộ ông Nguyễn Quang Trung được hỗ trợ đóng mới 10 lồng nuôi cá trên hồ Thác Bà năm 2016.
Anh Hưng vừa ngừng lời thì chiếc tàu cao tốc ghé vào một ngách hồ - cơ sở nuôi cá của ông Nguyễn Quang Trung ở tổ 11, thị trấn Yên Bình. Năm 2016, cơ sở của ông Trung được hỗ trợ 100 triệu đồng để đóng mới 10 lồng nuôi cá. Gia đình ông Trung đã đóng 10 lồng cá hết khoảng 150 triệu đồng, sau đó đầu tư mua giống cá trắm về nuôi ở 6 lồng, mỗi lồng 400 con; còn 4 lồng nuôi cá chép và cá rô phi đơn tính.
Ông Trung phấn khởi cho hay: "Năm 2016, gia đình tôi nuôi được 2 lứa cá, xuất bán được gần 20 tấn cá, trừ chi phí tiền mua cá giống, thức ăn, nhân công chăm sóc, nuôi cá còn lãi được trên 100 triệu đồng. Hiện nay, tôi đang nuôi lứa cá thứ 3, nếu giá cả ổn định, cá không bị dịch bệnh thì lứa này thu lãi cũng khá...”. Năm nay, mưa nhiều, nước hồ Thác Bà lên rất cao thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, hứa hẹn một vụ cá lồng bội thu cho các hộ dân huyện Yên Bình được hỗ trợ đóng lồng nuôi cá trên hồ Thác Bà.
Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, huyện Yên Bình đã triển khai chính sách hỗ trợ 83 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con/hộ trở lên với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.245 triệu đồng. Triển khai hỗ trợ chăn nuôi lợn và gia cầm trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm nay cho 30 cơ sở với tổng kinh phí là 710 triệu đồng; hỗ trợ một mô hình chăn nuôi tập trung bò thịt F1 BBB, quy mô 50 con, với tổng kinh phí là 500 triệu đồng...
Thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển cây ăn quả có múi, huyện đã hỗ trợ trồng mới năm 2016 và 6 tháng năm 2017 trên 237 ha, tổng kinh phí hỗ trợ là 4.698 triệu đồng. Đề án Phát triển cây quế, huyện đã hỗ trợ các hộ dân trồng mới được trên 170 ha, tổng kinh phí hỗ trợ là trên 511 triệu đồng. Về thực hiện Đề án Phát triển măng tre Bát độ, huyện được phân bổ 205,9 ha, trong đó có 105,9 ha chuyển từ năm 2016 sang trồng vụ xuân năm 2017.
Vụ xuân năm 2017, huyện đã triển khai trồng xong trong tháng 3, bảo đảm khung thời vụ, song do sau khi trồng thời tiết nắng nóng, tre bị chết nhiều nên không bảo đảm tỷ lệ sống trên 85% để hỗ trợ kinh phí cho các hộ thực hiện. Còn 100 ha năm 2017, huyện đề nghị tỉnh cho chuyển nguồn sang năm 2018 thực hiện để huyện khắc phục diện tích tre măng bị chết vụ xuân năm 2017...
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Bình có xu hướng giảm mạnh diện tích sắn, chè già cỗi và tăng mạnh diện tích cây ăn quả có múi, cây quế và bước đầu đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp của huyện năm 2016 đạt trên 1.884 tỷ đồng. Đây là động lực để bà con nông dân huyện Yên Bình tiếp tục phát triển ngành nông - lâm nghiệp theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020.
Nhiều hộ gia đình của huyện Yên Bình thu nhập cao nhờ trồng bưởi. (Ảnh: Thanh Miền)
Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, huyện Yên Bình nói riêng và các địa phương trong tỉnh cần nghiên cứu, nắm bắt kịp thời sự cung, cầu của các sản phẩm trên thị trường theo từng thời điểm, dự báo được những mặt hàng có thể vượt cầu như lợn thịt và một số sản phẩm nông nghiệp khác để điều chỉnh chính sách hỗ trợ chăn nuôi lợn sang nuôi gia cầm hoặc gia súc hiệu quả hơn, tránh thiệt thòi cho bà con nông dân.
Mặt khác cũng cần phải có chính sách hỗ trợ những hộ dân trồng tre Bát độ bị chết nhiều, tỷ lệ sống không đạt trên 85% để trồng lại, tránh không hỗ trợ diện tích bị chết nhiều, gây thiệt thòi cho những hộ tham gia thực hiện Đề án.
Ngành nông nghiệp tỉnh nên xem xét có thể bỏ chính sách hỗ trợ trồng ngô đông trên đất 2 lúa, trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp vì mức hỗ trợ thấp 320 ngàn đồng/ha nên hầu hết người dân trồng ngô đông ở Yên Bình không thực hiện.
Đối với Đề án phát triển cây quế cần điều chỉnh, vì chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng/ha thì chỉ mua được gần 4.000 cây quế giống, trong khi quy định nghiệm thu phải đạt 7.000 cây/ha, người dân phải bỏ vốn đối ứng rất nhiều nên khó thực hiện chính sách này; đề nghị tỉnh xem xét tăng mức hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên, vì mức hỗ trợ hiện nay còn thấp...
Minh Hằng