Đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mở 3 cửa hàng cung cấp sản phẩm thịt lợn thảo dược bảo đảm ATVSTP tại phường Đồng Tâm, phường Nguyễn Thái Học, phường Nam Cường (thành phố Yên Bái) thế nhưng chỉ tồn tại được hơn 1 tháng thì cả 3 cửa hàng của Công ty cổ phần Nông sản sạch B&G Việt Nam đã phải đóng cửa.
Ông Nguyễn Phụ Giang - Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản sạch B&G Việt Nam cho biết: "Khoảng 20 ngày đầu khai trương, mỗi cửa hàng còn bán được 1 con lợn/ngày, sau đó giảm dần và hiện nay đã phải đóng cửa. Cũng có nhiều người vào cửa hàng nhưng chỉ để tham quan và tò mò xem thịt lợn thảo dược là như thế nào nhưng họ không mua mặc dù chúng tôi đã giảm giá thấp hơn giá chợ 20%. Lý do họ cho rằng thịt của chúng tôi là thịt đông lạnh nên họ không ăn, họ ra chợ mua thịt tươi nóng”.
Do thói quen người tiêu dùng khó thay đổi một sớm một chiều nên hiện nay, doanh nghiệp này đang tìm thị trường tại các chợ truyền thống bằng hình thức cung cấp thịt lợn cho các tiểu thương bán tại chợ.
Hiện tại, mỗi ngày Công ty mổ 10 con lợn cung cấp tại các chợ: Yên Thịnh, Nam Cường, Minh Tân. Cùng chung tình trạng, cửa hàng cung cấp sản phẩm thịt lợn sạch của Công ty TNHH Đầm Mỏ, thành phố Yên Bái; Công ty TNHH Hùng Đại Sơn, huyện Lục Yên cũng đã phải đóng cửa do không có khách.
Ông Nguyễn Hồng Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Đầm Mỏ chia sẻ: "Mình cũng muốn sản xuất, chế biến đến khâu cuối cùng để cung cấp sản phẩm thịt lợn sạch bảo đảm ATVSTP do chính mình làm ra đến tận bếp ăn gia đình nhưng quả thật khó quá! Chúng tôi cũng đã tìm đến các bếp ăn tập thể, các trường học nhưng đều bị từ chối hợp tác”.
Trước vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường thì vấn đề ATVSTP là một đòi hỏi tất yếu. Trên địa bàn tỉnh hiện nay, toàn bộ lượng thịt lợn được giết mổ theo phương pháp thủ công; người tiêu dùng thì vẫn quen đi chợ truyền thống mua thịt hàng ngày trong khi các nhà khoa học đã nghiên cứu và kết luận thói quen này hoàn toàn không đúng, vừa không an toàn vừa mất vệ sinh.
Thiếu những kiến thức khoa học về thực phẩm tươi sạch cũng là nguyên nhân khiến nhiều người tiêu dùng chưa sẵn sàng mua hàng của các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm theo đúng quy trình chuẩn. Đơn cử như quan điểm về thịt cấp đông.
Theo các chuyên gia, động vật ngay sau khi được giết mổ sẽ được đưa vào nhà mát (nhiệt độ từ 0 - 4 độ C) khoảng từ 8 - 12 tiếng. Điều này sẽ giúp độ PH của miếng thịt giảm từ 7,5 độ về mức 5,5 độ để cơ thể người hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất.
Sau đó, thịt mới được pha chế, đóng thành khay hoặc gói thành phẩm đưa vào cấp đông sâu ở - 24 độ C. Thịt cấp đông sâu ở nhiệt độ - 24 độ C sẽ có thời hạn sử dụng tối đa là 6 tháng.
Ông Lê Văn Trung - Giám đốc kinh doanh vùng Đông Bắc thuộc Công ty TNHH De Heus Việt Nam (là đối tác liên kết chuỗi với Công ty TNHH Đầm Mỏ) khẳng định: "Thịt tươi là thịt cấp đông và thịt mát. Còn thịt ôi là thịt nóng được giết mổ và bán không qua quy trình nào cả, sản phẩm lộ thiên không bao gói, không thiết bị bảo quản”.
Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng tràn lan thức ăn kích thích tăng trưởng, thuốc kháng sinh khiến thịt lợn có lượng kháng sinh và hóa chất tồn dư cao. Ngoài ra, thịt được bày bán ở ngoài trời sẽ tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh, nhất là trong những ngày nồm ẩm, nóng bức…
Bà Nguyễn Thị Đông ở phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái giãi bày: "Bây giờ ra chợ mua thịt, thật khó phân biệt thịt sạch, thịt không sạch. Tháng trước, có cửa hàng thịt lợn bán sản phẩm an toàn, được làm mát, cấp đông, tôi mua về chế biến, mọi người trong gia đình ăn đều khen ngon. Nhưng do ít khách, tiêu thụ chậm nên hiện nay cửa hàng không bán nữa, tôi lại phải nhắm mắt mua thịt chợ về ăn”.
Các bà nội trợ hiểu và ủng hộ các doanh nghiệp chế biến thịt lợn làm mát, cấp đông bảo đảm ATVSTP như bà Đông chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn người tiêu dùng chưa quen với sản phẩm thịt cấp đông, họ vẫn giữ quan điểm thịt bán ở chợ phải nóng hổi như trước nay vẫn thế mới được gọi là tươi ngon.
Bà Nguyễn Thị Tâm ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cho biết: "Từ trước giờ, tôi vẫn mua thịt ở chợ Bách Lẫm, có khi các hàng bán thịt rong còn vào tận cửa nhà mời mua, mua ngày nào ăn hết ngày đấy nên tội gì mà mua thịt đông lạnh”. Suy nghĩ của bà Tâm cũng là suy nghĩ chung của các bà nội trợ hiện nay. Vì thế, các cửa hàng thịt lợn sạch rõ nguồn gốc, xuất xứ, được Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận mới không có "đất sống”.
Bà Nguyễn Thị Thúy - Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái cho biết: "Tập quán người tiêu dùng, người dân chưa quen sử dụng các loại thịt mát, thịt cấp đông và có thói quen mua sắm tại các chợ truyền thống dẫn tới tình trạng các điểm bán thịt gia súc, gia cầm tươi, sống ở các khu dân cư, chợ truyền thống, chợ cóc, chợ dân sinh vẫn chiếm chủ yếu, khiến cho hệ thống cửa hàng được cấp giấy chứng nhận bảo đảm ATVSTP của cơ quan chức năng phải đóng cửa”.
Thói quen tiêu dùng này gây khó khăn cho chính các chủ trang trại, hội chăn nuôi muốn chăn nuôi quy mô để thành một chuỗi kết hợp với các doanh nghiệp đầu mối, lò giết mổ hiện đại và kênh bán hàng hiện đại cung cấp sản phẩm chất lượng và bảo đảm ATVSTP tới tay người tiêu dùng.
Để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường thành phố Yên Bái và để người tiêu dùng quen dần với sản phẩm của mình, các công ty chấp nhận thua lỗ bằng cách giảm giá thành sản phẩm thấp hơn so với giá thị trường. Công ty Hùng Đại Sơn (Lục Yên) tham gia sản xuất chăn nuôi lợn theo mô hình liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhưng cửa hàng bán sản phẩm của doanh nghiệp cũng phải đóng cửa vì không có khách hàng.
Những hàng thịt lợn bán rong không rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Ông Hoàng Kim Trọng - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: "Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Các cấp chính quyền, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.
Để sản phẩm thịt lợn an toàn được sản xuất theo quy chuẩn của các chuỗi liên kết đến tay người tiêu dùng, ngay lúc này, các cấp chính quyền cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những quầy bán thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là những hàng thịt bán rong, tịch thu và tiêu hủy theo quy định.
Các doanh nghiệp cũng phải tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm mình làm ra bằng nhiều hình thức phù hợp. Các cơ quan chức năng phối hợp cùng ngành giáo dục tuyên truyền về sản phẩm sạch đến các bếp ăn tập thể trong các trường học...
Đặc biệt, bản thân người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ cũng cần phải thay đổi tư duy, cách nhìn và cách tiếp cận với thực phẩm sạch.
Với các giải pháp trên được triển khai đồng bộ cùng sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và sự đồng tình ủng hộ của người chăn nuôi, người tiêu dùng, chắc chắn các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi sẽ có bước chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hồng Duyên