Kỳ tích trong sản xuất nông nghiệp Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ ba, 17/10/2017 | 1:52:27 PM
YBĐT - Huyện đã bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, không còn phải xin gạo cứu đói của Nhà nước cho nhân dân khi mùa vụ giáp hạt như trước. Lương thực bình quân đầu người đạt trên 600 kg/năm.
Đồng bào Mông xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải thu hoạch lúa vụ mùa.
|
Dừng xe gần trung tâm xã Chế Cu Nha, chúng tôi đến các thửa ruộng bà con đang gặt. Tiếng cười nói của người già, người trẻ cùng với khách du lịch đến tham quan Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tạo thêm niềm vui, động lực cho đồng bào gặt, tuốt, phơi, rê, sảy lúa... và chuyển những bao tải thóc to về nhà quên đi sự vất vả, nặng nhọc trong ngày mùa. Thấy có đoàn cán bộ đến thăm ruộng, ông Hờ Nủ Chinh ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha đang phơi thóc dừng tay lên tiếng:
- Chào các anh, các anh đi mua thóc à?
- Vâng, chúng cháu đi tìm hiểu xem bà con sản xuất vụ mùa và vụ xuân, lại trồng thêm cải dầu nữa, có dư thừa thóc bán để mua cho bà con đây - kỹ sư Lương Văn Thư - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải đùa vui.
- Gia đình ông có nhiều ruộng không - tôi hỏi?
- Mình không biết tính đâu, chỉ biết vụ xuân được huyện hỗ trợ 17 kg thóc giống cấy hơn một nửa diện tích, thu 50 bao thóc, mỗi bao khoảng 50 kg. Vụ mùa được hỗ trợ 10 kg thóc giống, mình phải mua thêm 12 kg nữa để cấy toàn bộ diện tích ruộng, thu trên 70 bao thóc.
- Ngoài làm ruộng, gia đình ông có trồng ngô không?
- Phải trồng để chăn nuôi chứ. Năm ngoái, huyện vận động không trồng lúa nương nữa, gia đình đã chuyển sang trồng ngô, được hỗ trợ 4 kg ngô giống, mình mua thêm 10 kg nữa, thu 40 bao ngô bắp đã phơi khô.
- Gia đình ông có mấy khẩu, hàng năm có phải xin gạo cứu đói của Nhà nước nữa không?
- Nhà mình có 9 người. Trước đây, cũng phải xin nhiều đấy, nhưng từ khi xã bảo làm thêm vụ xuân, không làm lúa nương nữa, chuyển sang trồng ngô đồi, được hỗ trợ ngô giống, thóc giống, nhà mình và bà con trong bản lâu rồi không phải xin gạo cứu đói nữa, thóc ăn không hết vẫn mang đi bán mà...
Ông Chinh vừa ngừng lời, Bí thư Đảng ủy xã Chế Cu Nha - Giàng A Của phấn khởi khoe: "Được sự hỗ trợ của tỉnh và của huyện, nhất là từ khi có chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về sản xuất nông - lâm nghiệp thông qua Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, xã đã vận động nhân dân sản xuất tăng vụ xuân, không để đất trống nữa. Những bản ở trên cao thiếu nước sản xuất và thời tiết lạnh không gieo cấy được lúa vụ xuân, huyện chỉ đạo xã vận động bà con chuyển sang trồng cải dầu”.
Nhờ có chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh; Chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, đến nay, Mù Cang Chải đã cơ bản xóa xong diện tích ruộng một vụ. Vụ xuân năm 2016 - 2017, toàn huyện gieo cấy trên 1.600 ha/4.360 ha ruộng nước của huyện; trồng trên 1.000 ha cải dầu trên diện tích ruộng vụ xuân và chuyển đổi 100% diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho các hộ dân.
Minh Hằng
Các tin khác
YBĐT - Để giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo, những năm qua tỉnh Yên Bái đã phát huy hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư như: Chương trình 135, Chương trình 30a, Dự án Giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác giảm nghèo vùng khó khăn.
YBĐT - Đã sắp thu hoạch vụ mùa. Chỉ một tuần trước đây thôi, những cánh đồng trĩu bông nặng hạt đã lốm đốm đổ vàng. Vậy mà, hôm nay, thay vì đi gặt lúa, người dân xã Hát Lừu (Trạm Tấu) lại ra nơi trước kia là ruộng của mình để .... vớt gỗ!
Từ 16/10, Cục Hải quan Hà Nội bắt đầu thí điểm quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
YBĐT - Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn nằm thanh bình giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, là địa danh nổi tiếng của tỉnh Yên Bái - nơi có tứ đại đỉnh đèo và thứ gạo nếp đặc sản dẻo thơm nức tiếng một vùng.