"Muốn ăn gạo trắng nước trong. Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò” - câu ca ấy từ lâu đã khẳng định danh tiếng của gạo Mường Lò. Nhưng cũng bấy lâu nay, hạt gạo Mường Lò vẫn còn "khép mình" trong sự cảm nhận và định tính của người tiêu dùng, chưa có sự công khai về định lượng và các chỉ số khoa học nghiên cứu để thực sự thuyết phục hơn.
Để giúp hạt gạo Mường Lò bứt phá tự chứng minh, khẳng định thương hiệu của mình và thực hiện chủ trương của Đảng bộ và UBND tỉnh Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp với huyện Văn Chấn xây dựng chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò...
Nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, cánh đồng Mường Lò rộng hơn 3.000 ha (trong đó diện tích lúa của huyện Văn Chấn 1.500 ha, thị xã Nghĩa Lộ trên 760 ha), được thiên nhiên ưu đãi về đất, nước, khí hậu phù hợp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao nên từ bao đời nay người Thái Mường Lò đã gieo trồng nhiều loại gạo thơm ngon, có chất lượng cao, nhiều giá trị dinh dưỡng. Những ai đã từng đến Mường Lò, thưởng thức bữa cơm với các món ăn đặc sản của đồng bào Thái và múa xòe hẳn sẽ cảm nhận sâu sắc câu ca "Mường Lò gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về”.
Trong cơ cấu giống lúa của Mường Lò hiện nay, Hương chiêm và Séng cù là 2 giống lúa hàng hóa chủ lực chiếm trên 45% diện tích, có năng suất và chất lượng cao, được canh tác từ lâu và người dân có thể chủ động nguồn giống. Sản lượng lúa của cánh đồng Mường Lò đạt từ 30.000 - 32.000 tấn/năm, trong đó các loại lúa đặc sản hàng hoá khoảng 10.000 tấn/năm. Giống lúa Hương chiêm được đưa vào thử nghiệm tại Mường Lò từ sau năm 1990, tương tự đối với giống Séng cù là sau năm 1998. Hai giống lúa đặc sản này dần dần thay thế các giống lúa lai hoặc các giống lúa khác tại Mường Lò.
Là hộ gia đình có truyền thống canh tác lúa nước, gia đình chị Lường Thị Hoàn - thôn Đêu 2, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) cho biết: "Gia đình tôi cấy giống lúa Hương chiêm từ rất nhiều năm rồi và duy trì đến nay vì giống lúa này cho chất lượng cao: dẻo, thơm, ngọt, năng suất khá cao từ 60 -70 tạ/ ha gần gấp đôi giống lúa khác, bán được giá. Gia đình tôi và bà con nhân dân trong xã phần lớn là cấy giống lúa này và Séng cù". Ngày nay, phần lớn du khách qua Mường Lò đều mua gạo Séng cù hoặc Hương chiêm về làm quà - một đặc sản của cánh đồng Mường Lò.
Từ những điều kiện thực tế trên cho thấy, chất lượng gạo Mường Lò có mối quan hệ chặt chẽ với giống, các điều kiện địa lý và địa danh "Mường Lò”. Đây chính là cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò. Trong những năm qua, nghề xay xát chế biến gạo ở thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn đã thu hút được trên 50 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia, góp phần tiêu thụ lúa cho người nông dân, cầu nối cho gạo đặc sản của Mường Lò đến với người tiêu dùng.
Bà Phạm Thị Ca - chủ cơ sở xay xát chế biến gạo ở tổ 14, phường Trung Tâm cho biết: "Nhu cầu tiêu dùng gạo Séng cù và Hương chiêm Mường Lò là rất cao, cơ sở xuất cả về Hà Nội và các tỉnh thành lớn trong nước, đặc biệt là phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, về nhãn mác, bao bì mà cơ sở sử dụng mới chỉ đơn thuần là đặt in tên là Gạo Séng cù Mường Lò, Hương chiêm Mường Lò chưa đăng ký bảo hộ. Vì vậy, cũng dễ dàng cho các cơ sở cạnh tranh không lành mạnh lợi dụng bao bì, nhãn mác mà không phải là gạo Séng cù, Hương chiêm Mường Lò".
Gạo Mường Lò có danh tiếng nhưng chất lượng thực sự chưa có độ đồng đều giữa các cơ sở chế biến do lúa nguyên liệu, kỹ thuật canh tác, chế biến và bảo quản, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, marketing và phát triển thị trường.
Chính vì vậy, lợi thế cây lúa đặc sản truyền thống chưa phát huy được hết thế mạnh và hỗ trợ kinh tế của vùng. Chính bởi những lý do này, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã và đang tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo.
Thông qua việc xây dựng chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo để nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng, giá thành gạo Mường Lò, góp phần duy trì và phát triển bền vững vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại cánh đồng Mường Lò Ông Chu Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: "Căn cứ vào yêu cầu và vai trò của các loại nhãn hiệu cộng đồng như nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý..., tính chất đặc thù của sản phẩm, thực trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh gạo Mường Lò đã có tại huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo Séng cù, Hương chiêm Mường Lò là hợp lý nhất, góp phần nâng cao danh tiếng, uy tín, chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ gạo Mường Lò”.
Thực hiện việc xây dựng chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò” cho sản phẩm gạo của cánh đồng Mường Lò, đến nay, thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp với huyện Văn Chấn hoàn thiện việc điều tra, khảo sát vùng gạo và đánh giá sơ bộ về uy tín, giá trị kinh tế - xã hội của "Gạo Mường Lò”; điều tra phân tích, đánh giá tính đặc thù của "Gạo Mường Lò” thông qua người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng gạo Mường Lò; xác định chất lượng đặc thù của "Gạo Mường Lò” và các điều kiện tự nhiên, con người ảnh hưởng đến chất lượng đặc thù của gạo Mường Lò; xây dựng bản đồ xác định phạm vi lãnh thổ tương ứng với chỉ dẫn địa lý; xây dựng văn bản tài liệu quản lý chỉ dẫn địa lý và lập bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý; xây dựng hệ thống tem nhãn, bao bì sản phẩm và website "gaomuonglo.vn" tuyên truyền quảng bá cho Chỉ dẫn địa lý; tổ chức hội thảo….
Trên 45% diện tích cánh đồng Mường Lò được nông dân trồng lúa giống Hương chiêm và Séng cù.
Ông Chu Quốc Tuấn cho biết thêm: "Khi chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò” được bảo hộ sẽ góp phần phát triển lúa gạo hàng hóa chất lượng cao của cánh đồng Mường Lò một cách bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Sau khi chỉ dẫn địa lý Gạo Mường Lò được bảo hộ, Văn phòng HĐND - UBND thị xã sẽ tham mưu cho UBND thị xã Nghĩa Lộ sử dụng và phát triển một các hiệu quả nhất”.
Theo đó, xây dựng các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng (cảm quan, lý hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm); áp dụng chung một quy trình kỹ thuật canh tác lúa, chế biến và bảo quản gạo để đảm bảo độ đồng đều về chất lượng của gạo thành phẩm.
Cùng đó, thực hiện quản lý chỉ dẫn địa lý bằng việc: tổ chức quản lý chất lượng nội bộ, tổ chức quản lý chất lượng độc lập; giao cho doanh nghiệp quản lý chất lượng sản phẩm; xây dựng các công cụ quản lý chất lượng, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng trên cơ sở bảo tồn nguồn lợi tự nhiên.
Đồng thời, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao (Séng cù, Hương chiêm) thông qua các hoạt động xây dựng mô hình canh tác, tập huấn kỹ thuật; nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi giá trị. Trong đó, sau khi bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm gạo Séng cù, Hương chiêm, UBND thị xã Nghĩa Lộ sẽ phối hợp với UBND huyện Văn Chấn quy hoạch, mở rộng diện tích gieo trồng hai giống lúa này, phấn đấu tăng từ 1,2 - 1,5 lần sản lượng hiện nay, tức lên khoảng 12.000 - 15.000 tấn.
Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ đang tập trung đẩy mạnh quảng bá thương hiệu gạo Mường Lò trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập huấn nghiệp vụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý "Gạo Mường Lò”; bảo vệ kết quả nghiên cứu Dự án, hoàn thiện và nộp sản phẩm. Thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn tiếp tục xây dựng mô hình quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm có được trong xây dựng chỉ dẫn địa lý; đồng thời, tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành với nông dân trên cánh đồng Mường Lò tạo ra chuỗi sản xuất hàng hóa chất lượng cao phù hợp nâng cao giá thành, tăng thu nhập, giúp người nông dân làm giầu trên chính cánh đồng Mường Lò.
Thu Hạnh