Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị; Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực ban Chỉ đạo Tây Bắc; Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Về phía tỉnh Yên Bái có đồng chí Dương Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch trên cả nước.
Tây Bắc có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, là nơi hội tụ của nhiều tài nguyên du lịch có giá trị đặc sắc và đặc thù cao như: Tây Bắc là nơi tập trung nhiều đỉnh núi cao, địa hình hiểm trở, quang cảnh hoang sơ, hùng vĩ, khí hậu hấp dẫn cùng bản sắc văn hóa độc đáo.
Vùng Tây Bắc có 12/47 địa bàn tiềm năng của cả nước được định hướng phát triển thành Khu du lịch Quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Các địa phương đã tiến hành liên kết phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, điển hình như: Từ năm 2006, 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ đã xây dựng tuyến du lịch về cội nguồn; từ năm 2008, 8 tỉnh vùng Tây Bắc đã liên kết, hợp tác phát triển du lịch… Các địa phương đã đầu tư xây dựng các sản phẩm mang tính đặc trưng.
Năm 2017, địa bàn 8 tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng đã đón 24 triệu lượt khách trong nước và quốc tế; trong đó riêng tỉnh Lào Cai đón khoảng 3,5 triệu lượt khách, chiếm 14,6% lượng khách vùng (30% khách quốc tế toàn vùng).
Để phát triển du lịch bền vững, thời gian tới các tỉnh vùng Tây Bắc tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư doanh nghiệp đầu tư cho khu vực; phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù địa phương, vùng và tăng cường liên kết để phát triển…
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp lớn kinh doanh trong lĩnh vực du lịch như Saigontourist, Hanoitourist, Viettravel… giới thiệu tuyến du lịch sông Lô (Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang - Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn); hành trình "Qua miền Tây Bắc” (Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lào Cai - Yên Bái); tuyến du lịch sông Hồng (Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai - Hà Giang); sản phẩm du lịch cộng đồng và một số sản phẩm liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc. Các địa phương, doanh nghiệp thảo luận về các giải pháp, cơ chế chính sách tăng cường liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình khẳng định: Vùng Tây Bắc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch; việc xác định du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là đúng đắn, cần có sự thống nhất về nhận thức của các cấp, các ngành; phát triển du lịch cũng trực tiếp giúp cho người dân Tây Bắc giảm nghèo bền vững; phải phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, liên tiểu vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao… hình thành nên các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của vùng Tây Bắc.
Việc liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch Tây Bắc còn yếu, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ…
Trong thời gian tới, để thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng, tiểu vùng trong du lịch Tây Bắc, đồng chí ddf nghị các địa phương cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả Kết luận 26 ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị khoá XI "về tiếp tục thực hiện Nghị Quyết 37-NQ/TW, ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khoá IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”.
Tập trung phát triển hạ tầng giao thông và đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Bắc để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng; sớm xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Bắc và từng tiểu vùng đến năm 2030…; nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo du lịch cấp toàn vùng; rà soát, đánh giá và xác định các tiểu vùng phát triển du lịch ở Tây Bắc và xây dựng cơ chế liên kết tiểu vùng, đa dạng hóa các chương trình liên kết phát triển du lịch song phương và đa phương…; hình thành một số đô thị du lịch, trung tâm du lịch lớn trong vùng đóng vai trò là cực tăng trưởng, đầu tư lôi kéo và thúc đẩy liên kết du lịch vùng với các vùng khác…
Nhân dịp này, các địa phương, doanh nghiệp đã tham gia ký cam kết xúc tiến sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc và Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tặng bằng khen cho 11 doanh nghiệp lữ hành có nhiều thành tích đóng góp trong liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc trong những năm qua.
* Trước đó, ngày 15/12, cũng tại thành phố Lào Cai, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị phát triển dược liệu vùng Tây Bắc với sự tham dự của hơn 250 đại biểu.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chỉ ra vùng Tây Bắc chưa có nhiều bứt phá, chưa phát huy được lợi thế trong phát triển dược liệu do còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đồng chí yêu cầu Ban Cán sự Đảng các bộ, ngành có liên quan và các tỉnh trong vùng phối hợp xây dựng quy hoạch chung liên kết trong vùng trình Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo phát triển dược liệu gắn với phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông, triển khai xây dựng sàn giao dịch, thương hiệu và nguồn gốc dược liệu của vùng Tây Bắc.
Thực hiện một số cơ chế thí điểm của tỉnh Lào Cai, đồng thời giám sát kiểm tra đánh giá hiệu quả để có cơ sở áp dụng trên toàn vùng. Xây dựng chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện khai thác, bảo tồn dược liệu tự nhiên, phát triển dược liệu dưới tán rừng vừa tăng giá trị rừng lại tăng cường được công tác an ninh bảo vệ rừng…
Các tỉnh vùng Tây Bắc cần chủ động triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển nuôi trồng, chế biến dược liệu phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương. Định hướng phát triển dược liệu kết hợp phát triển các sản phẩm du lịch, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng trên những địa bàn vừa có thế mạnh về dược liệu, vừa có thế mạnh về du lịch trong các kế hoạch phát triển của tỉnh. Chủ động tổ chức các mô hình trồng dược liệu có sự gắn kết chặt chẽ giữa 5 nhà (nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và ngân hàng). Tăng cường áp dụng các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển dược liệu tại địa phương (về vốn, quỹ đất, đổi mới trong giải quyết các thủ tục đầu tư...).
Các địa phương trong vùng tiến hành quy hoạch, hình thành các vùng nguyên liệu mang tính sản xuất hàng hoá gắn liền với các cơ sở chế biến dược liệu trên cơ sở xác định cây chủ lực có lợi thế trên thị trường. Xây dựng chính sách, cơ chế quản lý khai thác dược liệu tự nhiên nhằm ngăn chặn nạn khai thác bừa bãi tài nguyên dược liệu, đồng thời đề xuất và triển khai các cơ chế đặc thù nhằm phát triển dược liệu nói riêng và y dược cổ truyền nói chung.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển dược liệu tại địa phương. Thúc đẩy vùng chuyên canh quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, công nghệ cao vào nuôi trồng. Khuyến khích phát triển vùng sản xuất dược liệu công nghệ cao, hỗ trợ đào tạo nhân lực chuyên sâu về dược liệu, dược cổ truyền phục vụ cho công tác quản lý, phát triển y dược cổ truyền trong vùng. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về vai trò của y dược cổ truyền nói chung và dược liệu nói riêng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Khôi phục lại các vùng nuôi trồng dược liệu truyền thống trong vùng.
Trần Minh