Yên Bình chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/12/2017 | 11:01:41 AM

YBĐT - Chủ động che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn,  chú ý tiêm phòng để bảo vệ gia súc trong những ngày giá rét.

Lãnh đạo huyện Yên Bình kiểm tra công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc tại xã Yên Bình.
Lãnh đạo huyện Yên Bình kiểm tra công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc tại xã Yên Bình.

Với kinh nghiệm chăn nuôi gần 20 năm, bước vào vụ đông 2017, gia đình ông Đặng Văn Giai ở xã Xuân Long đã kịp thời di chuyển đàn trâu, bò chăn thả trên núi về nuôi nhốt tập trung.

Hiện, gia đình ông Giai nuôi 16 con trâu, bò. Ngoài việc thực hiện đúng quy trình tiêm phòng dịch bệnh theo định kỳ, che chắn chuồng trại kín đáo, gia đình ông còn trồng gần 6 sào cỏ voi, 2 sào ngô đông để có nguồn thức ăn bổ sung cho đàn gia súc. Nhờ chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, đói rét nên nhiều năm nay, đàn gia súc của gia đình ông Giai luôn phát triển hiệu quả.
 
Ông Đặng Văn Giai cho biết: "Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu vụ đông, tôi cũng như bà con trong thôn xóm đều được cán bộ khuyến nông tuyên truyền hướng dẫn về kỹ thuật phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc. Tôi đã chủ động sửa chữa, che chắn lại chuồng trại. Đặc biệt, gia đình tôi còn tận dụng rơm, rạ sau khi gặt, trồng cỏ voi, ngô đông để làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò”.

Là xã vùng cao duy nhất của huyện Yên Bình, Xuân Long hiện có trên 2.000 con gia súc; trong đó, trâu, bò trên 1.300 con. Do trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế nên để làm tốt công tác phòng tránh đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, bên cạnh việc tổ chức tiêm phòng định kỳ cho 100% đàn trâu, bò trong diện phải tiêm, công tác tuyên truyền luôn được xã chú trọng. Từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp tổ chức 11 buổi tuyên truyền ở tất cả các thôn.
 
Ngoài ra, xã còn tập trung tuyên truyền qua loa truyền thanh, cấp phát tài liệu cho bà con. Chính vì vậy, giờ đây, công tác tiêm phòng cũng như kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc đã được nhân dân chủ động thực hiện. Hiện tại, các hộ gia đình trong xã đều xây dựng chuồng trại chăn nuôi kín đáo để nhốt trâu, bò. Đồng thời, chuẩn bị nguồn thức ăn bổ sung trong mùa đông giá rét, tình trạng thả rông gia súc đã hạn chế.
 
Ông Vũ Mạnh Tùng – cán bộ khuyến nông xã Xuân Long cho biết: "Thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ các loại vắc-xin như: dịch tả, lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho đàn gia súc. Hướng dẫn bà con tận dụng các vật liệu sẵn có, đan phên nứa, dùng bao tải, bạt, lá cọ làm thành từng tấm để che chắn chuồng trại. Cách làm này vừa bảo đảm đủ ấm cho trâu bò những ngày nhiệt độ xuống thấp vừa tận dụng nắng chiếu vào khi trời ấm lên để phòng tránh các vi khuẩn gây bệnh phát sinh”. 

Là 1 trong những địa phương được đánh giá làm tốt công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, những ngày này, bên cạnh việc chỉ đạo cán bộ thú y tổ chức tiêm phòng các loại vắc-xin như: tụ huyết trùng, dịch tả cho đàn gia súc, tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc các khu vực chuồng trại chăn nuôi, xã Bảo Ái còn tổ chức 7 buổi tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về cách dự trữ thức ăn và phòng chống rét cho đàn trâu, bò.
 
Đồng thời, mở 5 lớp tập huấn kỹ thuật chế biến thức ăn tinh, cách che chắn chuồng trại và sưởi ấm cho gia súc trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Nhờ vậy, nhận thức cũng như ý thức của bà con nhân dân về công tác phòng chống dịch bệnh bảo vệ đàn vật nuôi nâng lên rõ rệt.
 
Anh Nguyễn Mạnh Hùng - thôn An Bình xã Bảo Ái cho biết: "Hiện tại, gia đình tôi đang nuôi 2 con trâu, 4 con bò. Gia đình tôi luôn chú trọng đến công tác phòng chống đói rét và dịch bệnh cho đàn gia súc bằng việc chuẩn bị thức ăn như rơm, rạ, cỏ voi, thân cây ngô cho ăn tại chuồng vào những ngày nhiệt độ xuống thấp, thường xuyên giữ ấm cho trâu, bò bằng việc dùng rơm, trấu đốt để sưởi ấm vào những ngày trời giá rét. Đàn gia súc của gia đình luôn phát triển khỏe mạnh”.

Do làm tốt công tác tuyên truyền nên nhiều năm qua, đàn gia súc của xã Bảo Ái luôn phát triển ổn định với tổng đàn hiện có gần 800 con; trong đó, có hơn 700 con trâu, bò. Tình trạng thả rông gia súc đã được hạn chế, các hộ chăn nuôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại và che chắn bảo đảm ấm áp trong mùa đông, thoáng mát vào mùa hè.
 
Ông Nguyễn Trung Sơn – Chủ tịch UBND xã Bảo Ái cho biết: "Ngay từ đầu vụ đông năm nay, xã đã chỉ đạo cho các ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi các kỹ thuật phòng chống rét cho đàn gia súc. Vận động bà con nhân dân chủ động dự trữ nguồn thức ăn, không thả rông gia súc vào những ngày nhiệt độ xuống thấp; đồng thời, tổ chức tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh”.

Yên Bình hiện có trên 93.000 con gia súc; trong đó, trâu, bò có trên 20.000 con. Vụ đông năm nay được dự báo là có rét đậm, rét hại kéo dài. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thời tiết gây ra trên đàn gia súc, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường cán bộ về cơ sở nắm bắt tình hình, chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Kiểm tra, đôn đốc cơ sở tăng cường chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi trong vụ đông xuân 2017 – 2018.
 
 
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình hướng dẫn người dân cách phòng chống đói, rét cho trâu, bò.
 
Trạm Khuyến nông huyện đã chủ động phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức trên 200 lớp tập huấn về kỹ thuật phòng chống đói rét, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi. Tuyên truyền, vận động bà con xây dựng chuồng trại cao ráo, xung quanh có rãnh thoát nước, chuẩn bị thức ăn dự phòng cho trâu, bò bằng cách tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, rạ, thân lá ngô, ngọn mía, khoai lang để ủ chua làm thức ăn. Đồng thời, bổ sung nguồn thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô, sắn, thức ăn hỗn hợp… Dùng rơm, cỏ, lá chuối, bẹ ngô khô để lót nền chuồng, dùng trấu, củi để đốt sưởi, bạt, bao nilon, phên, nứa để quây, che xung quanh chuồng. Chủ động theo dõi thời tiết, để có kế hoạch phòng chống rét cho trâu, bò đạt hiệu quả cao, vào những ngày trời gió rét dưới 15oC nên giữ gia súc ở tại chuồng, không cho đi chăn thả, khi nhiệt độ xuống dưới 12oC thì đốt lửa sưởi ấm. 

Thời gian qua, tất cả các địa phương trên địa bàn huyện cũng đã làm tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc theo định kỳ.
 
Đến nay, 26/26 xã, thị trấn của huyện đều có đội ngũ thú y viên cơ sở thường xuyên hướng dẫn bà con tiêm phòng và chữa trị bệnh cho gia súc. Hàng năm, tỷ lệ đàn gia súc gia cầm trong diện phải tiêm trên địa bàn huyện được tiêm phòng đều đạt từ 90% trở lên.
 
Ông Nguyễn Đức Điển – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: "Ngay khi kết thúc vụ mùa năm 2017, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền hướng dẫn bà con nông dân chủ động dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, củng cố lại chuồng trại kín đáo. Đặc biệt, khi có dự báo về các đợt rét đậm, rét hại, huyện đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân tổ chức phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm. Tới đây, huyện cũng sẽ thành lập từ 1 đến 2 đoàn đi kiểm tra các địa phương về công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là ở các xã vùng cao”.


Hoàng Đức – Hoàng Long (Đài TT-TH Yên Bình)

Các tin khác
Ảnh minh hoạ.

Tính đến ngày 30/11, tại 31 tỉnh phía Bắc, số vụ vi phạm pháp luật về rừng đã giảm 1.200 vụ (21%), diện tích rừng bị thiệt hại giảm hơn 2.000 ha (hơn 70%) so với cùng kỳ năm 2016.

Mô hình chăn nuôi bò BBB của gia đình ông Nguyễn Văn Chiến ở thôn Chèm, xã Đông An, huyện Văn Yên.

YBĐT - Đưa con giống chất lượng cao và quy trình sản xuất tiên tiến vào áp dụng trên địa bàn là cơ sở để xây dựng dự án tổng thể cho việc phát triển chăn nuôi bò theo hướng thịt hàng hóa tại Yên Bái.

Giống cam Vinh trồng ở huyện Lục Yên mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

YBĐT - Sau 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Yên Bái đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa: vùng cây ăn quả, nhất là cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi) đạt trên 3.000 ha/ tổng diện tích theo Đề án là 4.000 ha.

YBĐT - Phấn đấu đến ngày 31/12 thu đạt 90 tỷ đồng, hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2017, huyện Mù Cang Chải tiếp tục tập trung khai thác nguồn thu qua kê khai thuế, kiểm tra thuế và các hoạt động vãng lai trên địa bàn, kiên quyết xử lý các đối tượng kê khai quyết toán thuế không đúng thời hạn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục