Kinh tế trang trại, gia trại: Tạo thêm động lực để thành phố Yên Bái phát triển

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/12/2017 | 8:17:08 AM

YBĐT - Những năm gần đây, người dân thành phố Yên Bái nhận thức rõ, muốn phát triển kinh tế nông nghiệp để làm giàu thì phải phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Do đó, các mô hình kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn thành phố đã và đang dần được khẳng định lợi nhuận khá cho người dân và cũng là động lực để thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt, lợn nái của anh Hoàng Anh Tuấn, thôn Thanh Hùng 1, xã Tân Thịnh.
Mô hình chăn nuôi lợn thịt, lợn nái của anh Hoàng Anh Tuấn, thôn Thanh Hùng 1, xã Tân Thịnh.

Với trên 2 ha đất, năm 2017 ông Phan Văn Thà ở thôn Văn Quỳ, xã Văn Tiến đã quyết định chuyển hướng từ trồng keo sang trồng giống chuối đỏ và chuối tiêu hồng. Ngoài ra, ông còn trồng đu đủ lùn Thái Lan và trên 100 gốc đào ghép. Dưới  những gốc chuối, ông trồng xen canh khoai sọ và nuôi thả gà. Chi phí  ban đầu để san tạo mặt bằng, mua giống, phân bón và thuê lao động thời vụ đến nay cũng gần 500 triệu đồng. Gia đình ông cũng được hỗ trợ 40 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của thành phố. Hiện nay, đu đủ đã cho quả, chuối tiêu hồng cũng đang trỗ trên 200 buồng; trên 2 nghìn khóm chuối đỏ đang sinh trưởng và phát triển tốt chuẩn bị cho quả.
 
Ông Thà cho hay: nếu thuận lợi thì từ cây chuối đỏ này cũng cho thu nhập khá, bởi một nải chuối đỏ hiện có giá 500 nghìn đồng, một buồng có thể có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên.

Ông Nguyễn Hữu Thiêm - Chủ tịch UBND xã Văn Tiến khẳng định: hiện tại, các hộ trên địa bàn xã Văn Tiến đang tập trung chuyển đổi sang các mô hình trồng cây ăn quả có giá trị như: chuối quả đỏ, đu đủ quả vàng, bưởi da xanh, ổi; chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ, sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cũng phát triển. Qua đó, không chỉ tạo thu nhập cho người dân mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động và cũng tạo động lực để xã sớm đạt các tiêu chí xã nông thôn mới.

 Đối với xã Tân Thịnh - một xã thuần nông của thành phố, đến nay cũng duy trì 45 mô hình chăn nuôi lợn từ 30 con trở lên và 3 mô hình nuôi gà từ 1.000 con trở lên. Theo anh Hoàng Anh Tuấn - thôn Thanh Hùng 1, năm 2017 này mặc dù giá lợn hơi có thời điểm xuống thấp, nhưng anh vẫn tiếp tục đầu tư chăn nuôi lợn thịt và lợn nái. Gia đình anh cũng được hỗ trợ 30 triệu đồng từ chương trình của tỉnh cho mô hình 15 con lợn nái.
 
Từ số lợn nái này, một năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa trên 140 con và anh bán đi một nửa, còn một nửa số con giống anh nuôi lợn thịt. Anh cũng đang hy vọng, thị trường ổn định, từ 2 lứa lợn sinh sản và 2 lứa lợn thịt, năm nay gia đình anh sẽ có thu nhập khá.

 Thực tế cho thấy, trong bối cảnh thành phố đang trong quá trình đô thị hóa, đất sản xuất nông lâm nghiệp đang bị co hẹp dần để nhường chỗ những công trình xây dựng. Việc khuyến khích người dân phát triển các mô hình kinh tế sẽ giúp họ có cuộc sống ổn định và sớm trở nên khá giả. Trong đó, với chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh và thành phố Yên Bái, cộng với người dân biết xoay mùa chuyển vụ, thành phố Yên Bái đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế với những ông chủ có thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
 
Điển hình như hộ ông Bùi Văn Chiêm, thôn Thanh Hùng 3, xã Tân Thịnh với trên 2 ha đất, ông đã phát triển mô hình kinh tế tổng hợp bằng việc kết hợp nấu rượu với nuôi lợn, nuôi gà thả vườn, nuôi cá và trồng cây ăn quả. Trừ chi phí, mỗi năm ông cũng thu về gần 200 triệu đồng. Ông đã đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi 5 con ăn học và đầu tư cho các con lập nghiệp.
 
Đến nay, trên địa bàn đã có trên 900 mô hình, dự án trong sản xuất nông, lâm nghiệp có sự đầu tư hỗ trợ của tỉnh và thành phố. Một số mô hình đã đủ tiêu chuẩn là trang trại như mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Huy Tâm, xã Văn Phú với 142 con lợn; mô hình chăn nuôi của bà Vũ Thanh Lâm, phường Nam Cường với 502 con lợn.
 
Trên địa bàn cũng thu hút không ít doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp như Công ty TNHH Đầm Mỏ ở xã Minh Bảo, Công ty TNHH Thành Phát tại xã Văn Phú, Công ty Vật tư Nông nghiệp Yên Bái tại xã Âu Lâu hay khu chăn nuôi công nghệ cao của Tổng Công ty Hoà Bình Minh tại xã Tuy Lộc… đã thu hút, tạo thêm việc làm cho lao động và đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển các mô hình kinh tế cũng gặp không ít khó khăn, nhất là về mô hình kinh tế đạt tiêu chí trang trại, bởi để đạt được các quy định tại Thông tư số 27/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rất khó do diện tích đất còn manh mún và giá trị sản lượng hàng hóa hàng năm của các mô hình kinh tế chưa cao.
 
Về vốn và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cũng khó khăn. Việc tỉnh và thành phố Yên Bái tiếp tục có chính sách hỗ trợ đầu tư cho phát triển sản xuất; phát huy được nội lực của người dân, đẩy nhanh cơ cấu sản xuất hàng hoá, khai thác tiềm năng về đất đai, vốn, nguồn nhân lực… sẽ giúp người dân thành phố không chỉ sản xuất nhỏ lẻ mà sẽ dần chuyển sang quy mô lớn, hình thành các trang trại, gia trại. Qua đó, tạo thêm động lực cho kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Minh Chín- Đức Minh

Các tin khác

YBĐT - Những công trình, những con đường mới hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng sẽ tạo nên diện mạo mới, là động lực phát triển quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020, phấn đấu đưa thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II vào năm 2020, đặc biệt là thực hiện chủ đề năm 2018 ưu tiên hạ tầng giao thông theo Nghị quyết kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh khóa XVIII vừa thông qua.

Thành viên Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Trồng cây ăn quả và Dịch vụ tổng hợp Trần Phú kiểm tra mô hình trồng cam của thành viên Phạm Hải Đường.

YBĐT - Ngày 11/11/2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành Quyết định 72586/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho "Cam Văn Chấn” tỉnh Yên Bái. Để quản lý và sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu tập thể "Cam Văn Chấn”, cùng với việc quy hoạch vùng chuyên canh cam, huyện Văn Chấn đã thành lập các hợp tác xã, bước đầu làm tốt vai trò cầu nối giữa nhân dân với doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm cơ sở sản xuất rau sạch công nghệ cao bằng phương pháp thủy canh theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Thanh Chi)

YBĐT - Chuyển từ sản xuất dựa vào kinh nghiệm, manh mún, nhỏ lẻ sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất an toàn, chuyên canh hàng hóa đã và đang góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở xã Văn Phú, thành phố Yên Bái. Tuy chưa giàu có, nhưng mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị đã tạo việc làm, thu nhập ổn định ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

YBĐT - Ngày 19/12, đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố về tiến độ giải ngân kế hoạch năm 2017 và tình hình triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục