Những năm gần đây, Yên Bái đã huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện mục tiêu ưu tiên phát triển công nghiệp, nông nghiệp và du lịch theo hướng tập trung vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Trong đó, xúc tiến đầu tư có vai trò quan trọng thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển thương mại, du lịch và phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2017 công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh có nhiều chuyển biến, các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn tỉnh theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoạt động xúc tiến đầu tư từng bước đổi mới về phương thức, nội dung, chương trình, chủ động mở rộng quan hệ, tăng cường kết nối với các tổ chức xúc tiến đầu tư, với cơ quan ngoại giao, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.
Cùng với lựa chọn thị trường xúc tiến đầu tư, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư, các doanh nghiệp đã đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nhất là tập trung giải quyết nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư bước đầu phát huy hiệu quả, thu hút nhiều nhà đầu tư, dự án mới trong và ngoài nước tìm đến.
Bên cạnh đó, tỉnh tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; trong đó, tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Ngoài ra, định kỳ hàng tháng, UBND tỉnh đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm trợ giúp và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong năm qua, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư đối với 44 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 15.400 tỷ đồng, tăng 12 dự án, tăng 21,2% so với năm 2016; quyết định điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án; thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 1 dự án.
Một số dự án được cấp chủ trương đầu tư mới, có vốn đăng ký lớn như: Dự án Khu liên hợp Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ - Đô thị IC12 của Công ty cổ phần Hoa Sen Yên Bái, vốn đầu tư đăng ký 2.731 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại xã Tân Thịnh, phường Đồng Tâm và phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái của Công ty cổ phần Tập đoàn kinh tế Chân Thiện Mỹ, vốn đầu tư đăng ký 4.944 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của các nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký đầu tư là 220 triệu USD (tương đương 4.994 tỷ đồng).
Cùng với đó, các hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường, nhất là các hoạt động hợp tác kinh tế, mời gọi đầu tư để khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ...
Trong năm, đã có 93 đoàn với 540 lượt người nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh. Tính đến hết năm 2017, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 10.183 tỷ đồng (bằng 101,8% kế hoạch, tăng 1,8% so với năm 2016), trong đó: vốn đầu tư phát triển của khu vực Nhà nước ước đạt trên 2.900 tỷ đồng, bằng 106,7% kế hoạch; vốn ngoài Nhà nước ước đạt 6.830 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 441 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, phấn đấu tổng vốn đầu tư phát triển đạt 11.000 tỷ đồng, tỉnh Yên Bái tập trung vào các giải pháp như: ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đi trước một bước, tạo tiền đề thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn. Tập trung phát triển hạ tầng giao thông, nhất là giao thông nông thôn. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại.
Tập trung nguồn lực xây dựng các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh sớm đi vào khai thác và sử dụng, nâng cao giá trị gia tăng của nền kinh tế. Thực hiện tốt tái cơ cấu đầu tư công nhằm thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển.
Tranh thủ khai thác tối đa nguồn vốn đầu tư của trung ương; phân bổ, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước hợp lý, tập trung, không dàn trải, hoàn thành nhiều dự án đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả, thúc đẩy triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công - tư (PPP); mở rộng hình thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng quỹ đất...
Thực hiện giao kế hoạch vốn sớm, triển khai giải ngân ngay từ đầu năm, đôn đốc thực hiện giải ngân đúng tiến độ. Thực hiện tốt các quy định về quản lý tài chính, quản lý đầu tư và xây dựng để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng nguồn vốn, chống thất thoát, lãng phí, tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp hiện có và các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch để thu hút thêm các nhà đầu tư vào lấp đầy các khu công nghiệp.
Duy trì gặp gỡ, đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm trợ giúp và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Chú trọng thông tin tuyên truyền, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh...
Hồng Duyên