Trước diễn biến thời tiết phức tạp, tỉnh thành lập các đoàn công tác tới các huyện chỉ đạo chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng chống rét cho người, cây trồng, vật nuôi tại các huyện: Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu.
Sau khi kiểm tra thực tế công tác chống rét tại các hộ dân, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc các nội dung theo Công điện của UBND tỉnh về phòng chống rét; giao trách nhiệm cho lãnh đạo phụ trách các xã trực tiếp xuống cơ sở đôn đốc người dân phòng chống rét cho người, cây trồng, vật nuôi.
Chủ động che chắn chuồng trại, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho đàn gia súc; thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; khi phát hiện có trường hợp trẻ mắc bệnh thì cần vận động người dân đưa trẻ tới bệnh viện để kịp thời cứu chữa”.
Cùng đoàn công tác do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thế Hùng dẫn đầu đi kiểm tra công tác chống rét tại huyện Lục Yên, Văn Yên, chúng tôi đến xã Tân Lập, huyện Lục Yên - nơi đã xuất hiện trâu, bò gục ngã.
Trên đường vào xã, chúng tôi bắt gặp những con trâu run rẩy bên những chuồng trâu được dựng tạm bợ bốn phía gió lùa. Gia đình bà Vi Thị Chu có 4 con trâu, giá rét làm chết mất một con, gọi thương lái bán được 1 triệu đồng.
Chị Lương Thị Hạnh, bản Hạ, xã Tân Lập mấy ngày qua đều ở nhà để che chắn chuồng trại và tìm thức ăn cho trâu. Chị bảo: "Nhà có 3 con trâu, không có ruộng nên không dự trữ được rơm rạ cho chúng. Hàng ngày, thả trâu lên đồi, lạnh quá mới đưa về nhà nuôi nhốt”.
Theo báo cáo, xã Tân Lập hiện có khoảng 1.000 con trâu, bò. Tuy nhiên, qua quan sát của chúng tôi, số chuồng trâu được che chắn và dự trữ thức ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có lẽ vậy mà xã Tân Lập đã có 4 con trâu, bò bị chết rét.
Ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết: "Ban Chỉ đạo phòng, chống đói rét gia súc huyện đã trực tiếp xuống các xã, thị trấn, chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn chỉ đạo người dân trong những đợt rét đậm, rét hại đưa trâu, bò về chuồng; chăn dắt tại chỗ, tận dụng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, củng cố chuồng trại, che chắn đảm bảo kín gió, giữ ấm cho trâu, bò".
Chỉ đạo người dân chủ động thu gom, dự trữ, đánh cây rơm, cỏ khô, thân cây ngô, cây lạc, dây lang, rau các loại ngay từ đầu vụ đông, dựng kho chứa thức ăn khô cho cả đàn trong vụ đông. Đến nay, người dân trên địa bàn đã trồng được 67 ha; làm được 1.800 cây rơm, chuồng rơm dự trữ thức ăn cho trâu, bò”.
Mặc dù công tác phòng chống rét cho trâu bò đã được triển khai trên diện rộng nhưng do thời tiết khắc nghiệt, tính đến ngày 12/1, huyện Lục Yên đã có 11 con trâu, bò chết rét, trong đó có 4 con trâu, 7 con bò tập trung ở 2 xã Tân Lập và Minh Tiến chủ yếu là trâu, bò già và bê, nghé.
Tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, đến trưa ngày 13/1, băng tuyết đã tan nhưng nhiệt độ còn thấp. Để bảo vệ đàn gia súc cũng như diện tích mạ đã gieo, huyện Mù Cang Chải đang tập trung chỉ đạo chính quyền cơ sở chủ động phòng chống rét.
Ông Lương Văn Thư - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: "Tính đến chiều ngày 15/1, toàn huyện có 92 con gia súc chết rét, tập trung nhiều ở các xã Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn. Huyện đã cử các đoàn công tác đến các xã vận động nhân dân chống rét cho đàn gia súc để hạn chế tối đa trâu, bò chết rét. Hiện, toàn bộ cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xuống các thôn, bản vận động bà con che chắn chuồng trại, bổ sung rơm rạ và thức ăn tinh cho trâu bò”.
Ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Ngành đã tăng cường cán bộ xuống kiểm tra, cùng với bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ gia súc khỏi giá rét. Trước mắt, dùng củi đốt sưởi ấm, bổ sung thêm thức ăn tinh, rơm rạ, nước ấm và dùng chăn cũ, bao tải may quần áo cho trâu, bò. Ngành cũng chỉ đạo nông dân tạm dừng ngâm, ủ, gieo mạ khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, dùng nilon che phủ đối với diện tích mạ đã gieo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết”.
Văn Thông