Qua 2 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp về lĩnh vực lâm nghiệp, ngành lâm nghiệp đã xác định rõ cơ cấu các loại rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển theo đúng quy định hiện hành.
Hết năm, toàn tỉnh có trên 462.527 ha diện tích đất có rừng, cụ thể: diện tích rừng tính độ che phủ trên 432.381 ha (rừng đặc dụng trên 35.469 ha, rừng phòng hộ trên 134.327 ha, rừng sản xuất trên 221.760 ha, rừng ngoài đất quy hoạch lâm nghiệp trên 40.824 ha); tỷ lệ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh năm 2017 đạt 62,8%.
Tỉnh đã hình thành vùng quế trên 66.000 ha, vùng tre măng Bát độ 3.700 ha, vùng trồng cây sơn tra trên 5.000 ha.
Ngành lâm nghiệp cũng tập trung nâng cao năng suất rừng tự nhiên là rừng sản xuất lên 20 - 25% so với các năm trước, tăng trưởng bình quân từ 4 - 5 m3/ha; năng suất và chất lượng rừng trồng cũng được nâng cao, diện tích rừng trồng sản xuất hiện có ổn định, mỗi năm khai thác và trồng lại 10.000 - 15.000 ha, trữ lượng gỗ lớn 120-150 m3/ha và gỗ nhỏ 70-80 m3/ha.
Bình quân, hàng năm toàn tỉnh khai thác và tiêu thụ được 450.000 m3 gỗ rừng trồng các loại; khai thác và tiêu thụ 96.000 tấn tre, nứa, vầu phục vụ chế biến trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, khai thác, tiêu thụ được trên 10.800 tấn vỏ quế khô và chế biến tiêu thụ 300 tấn tinh dầu quế, trên 394 tấn nhựa thông và 100 ngàn tấn măng tre các loại.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng rừng, ngành tập trung thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp. Hàng năm, bảo đảm gieo ươm hơn 80 triệu cây giống cây lâm nghiệp chính phục vụ cho trồng rừng.
Hiện tại, đã đưa tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp mới được công nhận vào sản xuất từ 25% năm 2014 lên 40% vào năm 2017; bảo đảm cung cấp đủ giống có chất lượng cho kế hoạch trồng rừng hàng năm và trồng cây phân tán.
Ngành đã hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa với nhiều thành phần kinh tế tham gia dưới sự quản lý giám sát chặt chẽ về chất lượng giống của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Việc giao đất, giao rừng tập trung thực hiện ở những diện tích rừng phòng hộ nhỏ lẻ, phân tán (dưới 500 ha) để cộng đồng dân cư, hộ gia đình tại chỗ và các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của rừng.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đã xác định mục tiêu quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng có hiệu quả diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất, giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng.
Để thực hiện mục tiêu này, ngành lâm nghiệp tiếp tục quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; tập trung phát triển kinh doanh rừng sản xuất theo hướng ứng dụng tiến bộ về giống để tăng sản lượng và giá trị nguyên liệu gỗ phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.
Ngành phấn đấu đến năm 2020, phát triển vùng quế 70.000 ha trở lên, vùng tre măng Bát độ tập trung trên 10.000 ha; mở rộng vùng sản xuất cây sơn tra dưới tán rừng phòng hộ theo hướng tập trung, quy mô trên 10.000 ha tại huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu.
Đối với phát triển rừng, sẽ đẩy mạnh sản xuất cây giống theo công nghệ mô, hom, đưa các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào trồng rừng kinh tế; áp dụng khoa học kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây nguyên liệu giấy và rừng kinh doanh gỗ lớn phục vụ xây dựng cơ bản.
Hồng Duyên