Đặc biệt là đối với cơ quan thuế các cấp, đơn vị trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp và người dân khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Để tìm hiểu về công tác thu ngân sách ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Nông Xuân Hùng – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Yên Bái về vấn đề này.
P.V: Đề nghị đồng chí cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thu ngân sách năm 2017?
Đồng chí Nông Xuân Hùng: Năm 2017, tỉnh Yên Bái được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ thu ngân sách là 1.929 tỷ đồng, tỉnh Yên Bái giao 2.050 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 1.890 tỷ đồng và thu xuất nhập khẩu là 160 tỷ đồng. Kết thúc năm 2017, tổng số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 2.515 tỷ đồng, bằng 130% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 123% dự toán tỉnh giao và tăng 9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa do ngành thuế đảm nhiệm là 2.309 tỷ đồng.
Đạt được kết quả trên là do ngành thuế đã nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế; sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành ủng hộ của doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong tỉnh. Cùng với đó là sự đoàn kết một lòng, tinh thần trách nhiệm, cần mẫn vượt qua khó khăn của đội ngũ cán bộ, công chức ngành thuế bằng những giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả cộng với tinh thần quyết tâm cao nhất đã làm nên kết quả ngày hôm nay.
P.V: Bên cạnh những kết quả đạt được, năm qua, một số nguồn thu đạt thấp, đặc biệt đối với lĩnh vực thu cấp quyền khai thác khoáng sản. Vậy, ngành đã và đang tiếp tục có giải pháp gì để đảm bảo thu từ những lĩnh vực này?
Đồng chí Nông Xuân Hùng: Đối với lĩnh vực thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (CQKTKS) thì năm 2017 ngành thuế được Bộ Tài chính và tỉnh Yên Bái giao thu 80 tỷ đồng, việc thực hiện thu nguồn thu này rất khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nguyên nhân liên quan đến giá tính tiền CQKTKS, khung giá tính thuế tài nguyên và một nguyên nhân chính là do cơ chế, chính sách chưa phù hợp. Vì vậy, tỉnh đã đặt ra mục tiêu thu của năm 2017 giảm xuống còn 50 tỷ đồng. Kết thúc năm 2017, số thu từ tiền CQKTKS đạt trên 54 tỷ đồng bằng 68% dự toán giao của Bộ và của tỉnh giao đầu năm, bằng 136% so với cùng kỳ. Kết quả này cũng đã phản ánh sự cố gắng vượt bậc của ngành thuế và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành có liên quan trong việc phối hợp với ngành thuế để thu nguồn này.
Năm 2018, để thực hiện có hiệu quả nguồn thu CQKTKS, chúng tôi đã đưa ra các giải pháp đó là: tập trung rà soát lại toàn bộ tình hình nợ đọng của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó sẽ tham mưu với tỉnh và Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tổng cục Thuế sớm có hướng dẫn, chế tài xử lý các trường hợp chưa nộp đủ tiền CQKTKS; hướng dẫn về "phương pháp quy đổi để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” đối với giá tính tiền cấp quyền để thống nhất trong cả nước.
Từ đó, đối với những doanh nghiệp không chấp hành hoặc còn nợ tiền CQKTKS áp dụng các biện pháp cưỡng chế như: đề nghị các cơ quan trung ương phối hợp với tỉnh Yên Bái có biện pháp đôn đốc các đơn vị nộp tiền CQKTKS đối với các mỏ thuộc thẩm quyền Bộ cấp phép, xem xét, rà soát, thu hồi giấy phép khai thác đối với các mỏ không nộp tiền cấp quyền KTKS. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường có biện pháp cưỡng chế mạnh đối với các đơn vị đã được cấp mỏ tại tỉnh nhưng chưa thực hiện tốt nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền KTKS.
P.V: Kết quả thu ngân sách trong những năm qua, phải kể đến sự đóng góp to lớn từ khối các doanh nghiệp. Vậy, đồng chí có những đánh giá như thế nào đối với những đóng góp này?
Đồng chí Nông Xuân Hùng: Trong cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái thì nguồn thu thuế từ khối các doanh nghiệp, doanh nhân, hộ kinh doanh luôn có số thu chiếm tỷ trọng cao (khoảng trên 50% tổng số thu ngân sách của toàn tỉnh). Đây là khối các đơn vị chiếm vị trí quan trọng và quyết định kết quả thu ngân sách trên địa bàn.
Trong hàng nghìn doanh nghiệp, doanh nhân, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đã có những doanh nghiệp nổi trội về thực hiện tốt chính sách thuế và có số nộp ngân sách thuộc tốp đầu, đơn cử như: Công ty Xăng dầu Yên Bái năm 2017 đã có tổng số nộp ngân sách gần 126 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà nộp 135,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thủy điện Văn Chấn nộp 64 tỷ đồng; Công ty TNHH Đá Cẩm thạnh RK Việt Nam nộp 43,4 tỷ đồng; Vietel Yên Bái - Chi nhánh Tập đoàn Viễn thông quân đội nộp gần 24 tỷ đồng… Đây là những doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng khắc phục mọi khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt chính sách thuế và là những doanh nghiệp tiêu biểu có số nộp ngân sách đứng trong tốp đầu của năm 2017, những doanh nghiệp này đã góp phần làm nên bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế tỉnh nhà.
P.V: Năm 2018, ngành thuế sẽ tập trung vào những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm gì để sớm hoàn thành nhiệm vụ thu được giao?
Đồng chí Nông Xuân Hùng: Năm 2018, tỉnh Yên Bái được Trung ương giao thu 2.016 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 2.218 tỷ đồng, mục tiêu phấn đấu thu 2.500 tỷ đồng trở lên. Đây là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực cao của toàn thể cán bộ, công chức ngành thuế tỉnh Yên Bái. Mục tiêu trọng tâm của ngành thuế Yên Bái là tổ chức thực hiện tốt công tác thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành dự toán của tỉnh giao với kết quả cao nhất, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Để thực hiện tốt mục tiêu trọng tâm này, ngành thuế Yên Bái đã đưa ra nhiều giải pháp.
Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể sau: kịp thời tham mưu với tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thu ngân sách, nâng cao chất lượng phân tích dự báo một cách chủ động, tích cực, thường xuyên theo dõi diễn biến, nắm chắc các nguồn thu đảm bảo công tác phân tích, dự báo thực sự là cơ sở quan trọng giúp lãnh đạo các cấp chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ thu ngân sách. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để quản lý tốt nguồn thu, đặc biệt chú trọng vào các lĩnh vực còn thất thu.
Tập trung tuyên truyền, hỗ trợ chính sách, pháp luật thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm giờ khai thuế, duy trì hệ thống khai thuế tập trung, khai thuế, nộp thuế điện tử, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thường xuyên chấn chỉnh tác phong, văn hóa với doanh nghiệp, người dân nhằm tạo sự hài lòng, tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các nghĩa vụ thuế... Triển khai đồng bộ tất cả các giải pháp về quản lý, điều hành thu ngân sách Nhà nước, đặc biệt chú trọng thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; thanh tra, kiểm tra thuế, hậu kiểm thuế; rà soát, quản lý các hoạt động vãng lai trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và của Cục Thuế để thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Quang Thiều (thực hiện)