Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng trong thực tiễn hiện nay, việc thi hành Luật Đất đai ở các địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo phân cấp chưa đầy đủ, kịp thời; một số nội dung quy định về đất đai thực hiện chưa nghiêm; việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất ở các cấp ở nhiều địa phương còn chậm; việc giao đất có thu tiền và cho thuê đất thông qua đấu giá đất còn hạn chế; việc giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo...
Việc đầu tư hạ tầng thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai còn chậm... Để chấn chỉnh và khắc phục tồn tại, hạn chế và tăng cường công tác quản lý đất đai và đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 01/CT-TTg về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp sau: rà soát đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai ở các cấp, các ngành, trên cơ sở đó có kế hoạch, biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, xử lý, khắc phục kịp thời những tồn tại, bất cập, hạn chế ở địa phương.
Xây dựng ban hành đầy đủ các quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và các nghị định, thông tư theo phân cấp; đồng thời rà soát bãi bỏ, sửa đổi, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ, sửa đổi các quy định đã ban hành nhưng không phù hợp hoặc đã hết hiệu lực. Khẩn trương triển khai, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các cấp đảm bảo chất lượng, đồng bộ, thống nhất và nâng cao tính khả thi; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp và đối tượng sử dụng đất; rà soát hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch hàng năm mà quá 3 năm nhưng chưa thực hiện theo quy định.
Rà soát các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng còn tồn đọng chưa triển khai thực hiện được, nhất là các công trình trọng điểm và các công trình có quyết định thu hồi đất từ trước ngày 1/7/2014; làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp khắc phục để thực hiện các dự án, công trình đầu tư.
Chấn chỉnh xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật; cũng như với việc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.
Làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan định giá đất, hội đồng thẩm định giá đất để tổ chức thực hiện tốt việc quản lý, xác định giá đất cụ thể bảo đảm chất lượng và thời gian yêu cầu; thực hiện đúng quy trình các trường hợp phải đấu giá đất, nhất là những khu đất "vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất của Nhà nước để chống thất thu cho ngân sách Nhà nước và phòng chống tiêu cục, tham nhũng trong lĩnh vực này.
Rà soát, thống kê đầy đủ các trường hợp còn tồn đọng chưa đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, các hồ sơ đã tiếp nhận nhưng chậm giải quyết; các giấy chứng nhận đã ký nhưng chưa trao người được cấp. Xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Điều tra, khoanh định các khu vực có nguy cơ sạt lở đe dọa tính mạng con người, chủ động bố trí quỹ đất và có kế hoạch di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Kiểm tra sử dụng quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những trường hợp thuê đất, muợn đất trái phép, sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng... Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại, kéo dài. Tập trung giải quyết tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư...
Đẩy mạnh khẩn trương xây dựng dữ liệu đất đai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận đất đai thực hiện các dự án... Nâng cao năng lực hệ thống văn phòng đăng ký đất đai và trung tâm phát triển quỹ đất theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và các hướng dẫn để khắc phục khó khăn hiện nay, nâng cao tính chuyên nghiệp của các tổ chức này, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo phân cấp Luật Đất đai và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, gửi báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước 30/11 hàng năm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ trước 31/12 hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Yên Bái giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Thanh tra tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngọc Trúc